Thứ Bảy, 29/08/2009 12:11

Chiến lược cho hàng Việt Nam

Trước sự tràn lan của nhiều mặt hàng ngoại nhập lậu, kể cả những loại hàng kém chất lượng cũng như sự tụt giảm xuất khẩu, việc khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một vấn đề cần thiết.

Tuy nhiên, để có một chiến lược thành công thì đòi hỏi phải có những động thái chính sách quyết đoán và thiết thực. Những chính sách này tất nhiên phải được thực hiện trong khuôn khổ của thương mại quốc tế cũng như phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thế nào là hàng Việt Nam?

Khi nói đến ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì nảy sinh ra câu hỏi định nghĩa thế nào là hàng Việt Nam. Trả lời câu hỏi này là cần thiết cho việc định hướng nhằm tập trung thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh trong hiện tại cũng như tương lai để nền kinh tế có thể đạt hiệu suất cao hơn.

Ở phương diện quốc gia, khi nói đến hàng Việt Nam thì có thể nghĩ đến những thương hiệu như trà Tâm Châu, gạch Đồng Tâm, bia Sài Gòn, gốm Minh Long... cũng như những sản vật và hàng hóa (đôi khi không có nhãn mác doanh nghiệp cụ thể) được tạo ra trực tiếp từ nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam. Đây là các mặt hàng được sản xuất bởi nguồn vốn trong nước, từ nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu là tại Việt Nam, và trước hết là để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều mặt hàng với nhãn mác là sản xuất tại Việt Nam nhưng lại sử dụng nguyên liệu đầu vào phần lớn là nhập khẩu. Điển hình là các mặt hàng điện tử được lắp ráp tại Việt Nam bằng linh kiện, phụ tùng hầu hết là ngoại nhập. Ngay cả mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may cũng sử dụng rất nhiều thành phần nhập khẩu.

Rõ ràng là trong chuỗi sản xuất toàn cầu với giao thương mở rộng ngày nay thì một mặt hàng được cho là của Việt Nam không có nghĩa là nó hoàn toàn được làm từ các yếu tố sản xuất tại Việt Nam. Ở phương diện thương mại quốc tế cũng như pháp lý, xuất xứ của một mặt hàng được quyết định bởi những quy tắc xuất xứ (rules of origin).

Xác định xuất xứ rất cần thiết cho việc áp dụng thuế quan cũng như các vấn đề liên quan đến thống kê mậu dịch, mua sắm của chính phủ, và các biện pháp sử dụng các công cụ chống lại cạnh tranh không công bằng. Hiện nay, quy tắc xuất xứ được quyết định bởi từng quốc gia riêng biệt. Và mỗi quốc gia cũng có những quy định xuất xứ khác nhau dành cho các nước khác nhau.

Quy tắc xuất xứ ưu đãi thì được áp dụng đối với các nước mà mình có ưu đãi đặc biệt về mậu dịch, chẳng hạn như các trường hợp có hiệp định thương mại tự do và chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập. Quy tắc xuất xứ không ưu đãi thì được áp dụng cho các nước không thuộc thành phần được ưu đãi mậu dịch như trên.

Đối với quy tắc này, hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO hiện vẫn chưa có (còn đang thương lượng) những quy tắc xuất xứ hài hòa để áp dụng chung cho tất cả các thành viên.Nhìn chung, có hai nguyên tắc về xuất xứ không ưu đãi mà các nước áp dụng.

Thứ nhất, nếu một mặt hàng hoàn toàn được nuôi trồng, đánh bắt, hoặc sản xuất tại một quốc gia thì mặt hàng đó được coi là xuất xứ từ quốc gia đó. (Đây là các trường hợp hàng hóa Việt Nam đã đề cập ở đầu bài viết).

Thứ nhì, nếu một mặt hàng được làm từ nhiều thành phần đến từ hơn một quốc gia thì xuất xứ được xác lập ở nước thực hiện công đoạn cuối cùng làm chuyển đổi cơ bản mặt hàng (substantial transformation). Ví dụ, nếu Việt Nam nhập da từ Thái Lan và đế giày từ Ấn Độ rồi sản xuất ra giày da thì đôi giày đó thông thường sẽ được coi là sản xuất tại Việt Nam (hàng Việt Nam).

Xác định xuất xứ dựa trên nguyên tắc thứ nhất thì tương đối đơn giản nhưng dựa trên nguyên tắc thứ nhì thì rất phức tạp vì mỗi nước có quyền quyết định thế nào là chuyển đổi cơ bản. Ví dụ, một trong những tiêu chí mà Việt Nam dùng để quyết định là ít nhất 30% giá trị của món hàng phải được sản xuất tại nước được coi là đã thay đổi cơ bản món hàng đó. (Về chi tiết các cách thức mà Việt Nam áp dụng quy tắc xuất xứ có thể xem Nghị định số 19/2006/NĐ-CP và Thông tư của Bộ Thương mại 08/2006/TT-BTM).

Từ những vấn đề liên quan đến các quy tắc xuất xứ, có thể rút ra rằng: ngoại trừ những mặt hàng “thuần Việt” như đã nói ở đầu bài viết thì việc xác định nguồn gốc Việt Nam cho các mặt hàng còn lại phụ thuộc vào những yêu cầu chi tiết về chuyển đổi cơ bản của các nước mà Việt Nam xuất hàng sang.

Tuy nhiên, một khi mà mặt hàng được gắn mác hợp pháp là sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam) thì về mặt pháp lý đó là hàng Việt Nam, cho dù giá trị công đoạn được thực hiện tại Việt Nam có thể dưới xa 50% tổng giá trị sản xuất.

Chính sách phù hợp

Với cách phân loại hàng Việt Nam như trên thì có thể thấy rằng cần có những chính sách ngắn hạn và dài hạn thông qua sự cộng tác của Chính phủ, nhà sản xuất, và người tiêu dùng để thúc đẩy việc tiêu thụ cũng như sản xuất hàng Việt Nam đúng mục tiêu và có hiệu quả. Sau đây là một số động thái cụ thể nên được thực hiện.

Thứ nhất, Việt Nam cần có một kế hoạch chi tiết về mua sắm của Chính phủ để ưu tiên cho các mặt hàng có thể sản xuất được trong nước. Hàng năm, việc mua sắm của Chính phủ lên đến 14% GDP, cho nên cần phải sử dụng sức mua tương đối lớn này một cách thiết thực để ủng hộ hàng Việt Nam. Muốn tạo một nếp văn hóa người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì Chính phủ phải đi tiên phong để làm gương.

Trước tiên là cần ưu tiên mua các mặt hàng “thuần Việt” và các mặt hàng có tỷ lệ nội địa hóa cao. (Như một chi tiết tham khảo, trong điều khoản yêu cầu mua hàng Mỹ được lồng vào gói kích cầu gần đây, Chính phủ Mỹ quy định rằng để được coi là hàng Mỹ thì mặt hàng đó phải được sản xuất tại Mỹ và các linh kiện Mỹ phải có giá trị trên 50% tổng giá thành sản xuất mặt hàng đó).

Tuy nhiên, cũng tùy mặt hàng mà nhắm đến tỷ lệ thích hợp; đối với mặt hàng như ô tô thì cho dù tỷ lệ nội địa hóa không là bao nhiêu, nhưng mua xe lắp ráp trong nước để sử dụng cho việc công thì vẫn tốt hơn nhiều cho đất nước so với nhập khẩu. Đối với các mặt hàng không thể sản xuất được ở Việt Nam thì cần tránh mua các công nghệ lạc hậu mà một số nước muốn bán tháo bán đổ.

Bên cạnh đó cũng nên quan tâm mua hàng từ các nước có giao thương tốt với Việt Nam, chẳng hạn như Nhật và Mỹ, để thắt chặt thêm mối quan hệ. Thông thường việc mua sắm của chính phủ không bị ràng buộc bởi hai quy tắc về tối huệ quốc và đối xử quốc gia của WTO cho nên những việc làm trên là khả thi.

Hơn nữa, Việt Nam hiện nay vẫn chưa ký Hiệp định Mua sắm Chính phủ của WTO cho nên việc Chính phủ Việt Nam ưu tiên mua hàng nội sẽ không vi phạm các điều lệ của WTO. Thứ nhì, Việt Nam nên tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ giá đối với các mặt hàng nhập khẩu siêu rẻ đang tràn lan thị trường.

Nhìn sơ bộ về các yếu tố như sự thiệt hại nặng nề của các nhà sản xuất nội địa, mức độ nhập khẩu tăng vùn vụt trong những năm gần đây, giá hàng nhập khẩu rẻ một cách bất bình thường... thì cũng có cơ sở để nhận định rằng một số mặt hàng ngoại nhập đã được bán phá giá vào Việt Nam.

Muốn hàng Việt Nam đến được người tiêu dùng Việt Nam thì trước hết phải bảo đảm một sân chơi cạnh tranh công bằng để các nhà sản xuất trong nước có cơ hội tồn tại. Ở khía cạnh này, việc tiến hành điều tra nên bắt đầu từ các mặt hàng mà Việt Nam có thể sản xuất gần như hoàn toàn trong nước, không sử dụng nhiều linh kiện nhập.

Thứ ba, trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam thương lượng trong tương lai, Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên cho việc thương thuyết dành ưu đãi thuế quan tối đa cho các mặt hàng vừa tương đối “thuần Việt” vừa có lợi thế so sánh tốt. Tăng thêm đầu ra để đạt được quy mô kinh tế là một trong những cách tốt nhất để vừa hạ giá thành sản xuất vừa tăng chất lượng mặt hàng nhằm tạo ra những thương hiệu Việt Nam có uy tín trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và hiệp hội trong nước, đặc biệt là thành phần tư nhân, cần được tạo điều kiện để tham gia trực tiếp góp ý với Chính phủ trong suốt quá trình đàm phán nhằm bảo vệ quyền lợi của họ trước khi một hiệp định được ký kết.

Trong tương lai, để người Việt Nam có thể mua được những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn nhưng tương đối “thuần Việt” hơn thì bắt buộc phải có những chính sách để nâng cao hàm lượng nội địa hóa của các mặt hàng mà hiện nay Việt Nam vẫn tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp.

Ở khía cạnh này, chính sách phát triển nền công nghiệp phụ trợ là rất cần thiết. Có được một nền công nghiệp phụ trợ hiệu quả không những chắc chắn sẽ làm tăng tỷ lệ nội địa hóa mà còn tạo ra các hiệu ứng lan tỏa rất quan trọng cho việc thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, cần rà soát, đánh giá để ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới thay vì phát triển tràn lan, gây lãng phí những tài nguyên hữu hạn. Đây là một thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần toàn tâm toàn lực vượt qua để thật sự tạo ra một biến chuyển tích cực mới cho nền kinh tế.

Trần Lê Anh - GS. Đại học Lasell, Mỹ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bài 1: Còn nhiều trăn trở (29/08/2009)

>   Chính phủ cho phép xuất khẩu 500.000 tấn quặng sắt (29/08/2009)

>   Ngày hội Golf mừng 4 năm ra mắt Tạp chí Golf & Cuộc sống (29/08/2009)

>   Giày VN bị áp thuế phá giá ở Canada (29/08/2009)

>   Gần 3 tỉ đô la Mỹ được cam kết đầu tư vào Cần Thơ (29/08/2009)

>   Thủ tục thông quan hàng hóa XNK: Hải quan cũng than khổ (29/08/2009)

>   Nhà thầu XD giao thông lại đối mặt với nỗi lo bỏ thầu thấp (29/08/2009)

>   TPHCM: Tăng 40% lượng khách nhờ kích cầu du lịch (29/08/2009)

>   Bất động sản bỏ hoang để chờ bán... sang tay (29/08/2009)

>   Một triệu tỷ đồng đầu tư giao thông đường bộ đến năm 2020 (29/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật