Thứ Bảy, 29/08/2009 12:04

Phát triển tập đoàn kinh tế - không thể vội vàng:

Bài 1: Còn nhiều trăn trở

Trong thời điểm hiện nay, việc cân nhắc nên hay không nên thành lập và thành lập tập đoàn kinh tế nào là cần thiết , lộ trình ra sao… đang được các chuyên gia cân nhắc cho ý kiến.

* Bài 2: Nên cân nhắc việc ra đời tập đoàn cơ khí?

Thông tin mới đây về việc, Bộ Xây dựng (BXD) chuẩn bị Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam giai đoạn 2009 -2010 (Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng và cơ khí nặng) với quy mô gồm 6 Tổng công ty (Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - COMA, Tổng công ty CP đầu tư phát triển xây dựng - DIC; Tổng công ty lắp máy VN - LILAMA và Tổng công ty XD và phát triển hạ tầng - LICOGI) đã gặp phải những phản ứng quyết liệt từ phía các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp.

Xung khắc về quan điểm

Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam bày tỏ quan ngại khi đề án của BXD đưa ra việc thành lập tập đoàn mà lẫn cả 2 lĩnh vực xây dựng và cơ khí…Việc xây dựng các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí không thể tiến hành một cách vội vàng, đốt cháy giai đoạn. Trong ngành xây dựng hiện nay, vấn đề ưu tiên là tập trung vào cổ phần hóa các đơn vị thay vì gộp tất cả vào để hình thành một tập đoàn gồm cả lĩnh vực xây dựng và công nghiệp nặng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hùng - Tổng giám đốc LILAMA khẳng định, kinh nghiệm thành lập tập đoàn kinh tế (TĐKT) trên thế giới đã có nhiều và chúng ta phải coi đó là bài học, không thể coi chúng ta là một trường hợp ngoại lệ. Ví như, tập đoàn công nghiệp nặng Mitsumishi, Siemens của Đức… Qua đó, ông Hùng bày tỏ sự không đồng tình khi cho rằng chưa thấy tập đoàn nào lại mang tên Tập đoàn xây dựng công nghiệp nặng cơ khí… Theo quan điểm của ông Hùng, việc thành lập tập đoàn theo phép cộng để có số vốn lớn là không đúng. Vốn ở đây chỉ là một yếu tố, điều quan trọng mà chúng ta cần xem xét đó là chiến lược phát triển ngành nghề, phát huy mũi nhọn, cơ hội sinh lời và khả năng cạnh tranh. “Tất cả những thứ đó nếu không tính đến thì không thể gọi là tập đoàn” - ông Hùng khẳng định

Được biết, Hiệp hội năng lượng Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí đề xuất với Chính phủ cho thành lập 2 tập đoàn: Thứ nhất, Tập đoàn xây dựng công nghiệp, dân dụng, bất động sản (BĐS) Việt Nam, lấy Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt. Tập đoàn này gồm các tổng công ty, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, khu đô thị, xây dựng dân dụng, kinh doanh bất động sản…

Thứ hai, Tập đoàn công nghiệp cơ khí và lắp máy Việt Nam lấy Tổng công ty lắp máy Việt Nam làm nòng cốt. Tập đoàn này bao gồm các tổng công ty, các công ty hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất cơ khí, lắp máy và các dịch vụ hoạt động khác kèm theo.

Ông Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, cho hay, nếu nói thành lập các tập đoàn là thí điểm thì đề án của BXD không còn là thí điểm nữa, vì tất cả các tổng công ty đã gom vào đây hết rồi. Không hiểu sau 2 tập đoàn này thì còn có thêm 1 tập đoàn nào khác ở trong ngành xây dựng, bởi vì chỉ còn là những công ty nhỏ lẻ mà thôi, không còn đối tượng nào để có thể xây dựng thành mô hình tập đoàn nữa…

Theo ông Khoa, trước mắt chỉ nên xây dựng thí điểm 2 tập đoàn về lĩnh vực xây dựng dân dụng và lĩnh vực công nghiệp cơ khí trên cơ sở của 2 tổng công ty trong ngành hiện đang được đánh giá là có đủ tiềm lực để trở thành tập đoàn, đó là Tổng công ty Sông Đà và Tổng Công ty lắp máy Việt Nam - LILAMA, còn lại nên tập trung vào việc cổ phần hóa doanh nghiệp vì bản thân hoạt động cổ phần hóa trong ngành xây dựng đã rất chậm.

Cần khung pháp lý

Theo ông Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam: “Rất tiếc là hiện nay theo Nghị định 09 của Chính phủ thì tập đoàn không có tư cách pháp nhân. Như vậy thì tổng giám đốc của tập đoàn là gì... Theo tôi, trước tiên chúng ta phải hoàn thiện qui chế, qui định, điều lệ về tập đoàn. Trong giai đoạn này chúng ta chỉ nên làm thí điểm để từ đó xây dựng được các điều lệ chứ không nên quá vội vàng gom tất cả các công ty vào một tập đoàn...”.

Ý tưởng xây dựng các tập đoàn kinh tế đã xuất hiện từ năm 1994 - với việc ban hành Quyết định số 91/TTg - ngày 07/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh. Tháng 11/2005, tập đoàn kinh tế đầu tiên ở Việt Nam chính thức được thành lập là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Đến nay, đã có 8 tập đoàn kinh tế được thành lập và đi vào hoạt động trên cơ sở các Tổng công ty nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động của các tập đoàn này bước đầu đã cho những kết quả nhất định, như: đảm nhiệm vai trò nòng cốt của nền kinh tế; thực hiện nghĩa vụ đảm bảo cân đối vĩ mô và bình ổn thị trường; cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, yêu cầu cho quốc phòng, an ninh…

Song, cũng qua thực tế hoạt động của các tập đoàn kinh tế thời gian qua đã bộc lộ một số vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý, vận hành, chính sách, pháp lý còn yếu và thiếu. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cho rằng: “Chúng ta cần khảo sát một cách đầy đủ, độc lập, nghiêm túc về thực trạng tập đoàn – cái mà chúng ta gọi là thí điểm từ năm 2006 cho đến nay, và khung pháp luật chúng ta cần phải quản lý là gì. Tôi không muốn chúng ta có một khung pháp luật hành chính để siết tập đoàn. Nhưng chúng ta rất cần quản lý vốn chủ sở hữu, rất cần phải giám sát thực hiện pháp luật… phải tuân thủ luật cạnh tranh... và tránh việc lạm dụng lợi thế thống lĩnh thị trường và độc quyền…”.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ đổi mới doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ, cho hay, phần lớn các quy định về tổ chức và hoạt động đối với các TĐKT về cơ bản đều dựa trên những quy định hiện hành. Vì vậy, tổ chức và hoạt động của các TĐKT chưa có sự đổi mới nhiều so với mô hình Tổng công ty nhà nước. Cũng có hiện tượng công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ - tập đoàn, việc làm này pháp luật không cấm song làm cho quan hệ đầu tư trong nội bộ tập đoàn trở nên phức tạp, chồng chéo, rất khó kiểm soát; vẫn chưa tách bạch được chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng của chủ sở hữu nhà nước đối với các TĐKT; công tác dự báo, giám sát, đánh giá đối với hoạt động của các TĐKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình này..

Từ những phân tích trên, ông Phạm Tuấn Anh, cho rằng, để tiếp tục hoàn thiện, phát triển mô hình TĐKT cần chú trọng 4 vấn đề lớn, đó là: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các TĐKT, bảo đảm yêu cầu phát triển của các tập đoàn và sự quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước; Xây dựng chiến lược phát triển của từng TĐKT, xác định cơ cấu ngành kinh doanh chủ lực, ngành phụ trợ, ngành có liên quan, có lợi thế so sánh của mỗi tập đoàn để có chiến lược phát triển phù hợp; Hoàn thiện quy chế quản lý tài chính đối với các tập đoàn kinh tế phù hợp đặc thù của từng tập đoàn, bảo đảm phát triển vốn nhà nước, tiến hành đánh giá lại giá trị vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; Tiếp tục thí điểm thành lập một vài TĐKT hoạt động trong các lĩnh vực, như: hóa chất, công nghiệp xây dựng, đầu tư và kinh doanh BĐS trên cơ sở tổ chức lại các tổng công ty nhà nước, hoạt động trong các lĩnh vực này để có đủ cơ sở đánh giá và hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý TĐKT.

Vũ Hạnh – Quang Tuấn

VOV

Các tin tức khác

>   Chính phủ cho phép xuất khẩu 500.000 tấn quặng sắt (29/08/2009)

>   Ngày hội Golf mừng 4 năm ra mắt Tạp chí Golf & Cuộc sống (29/08/2009)

>   Giày VN bị áp thuế phá giá ở Canada (29/08/2009)

>   Gần 3 tỉ đô la Mỹ được cam kết đầu tư vào Cần Thơ (29/08/2009)

>   Thủ tục thông quan hàng hóa XNK: Hải quan cũng than khổ (29/08/2009)

>   Nhà thầu XD giao thông lại đối mặt với nỗi lo bỏ thầu thấp (29/08/2009)

>   TPHCM: Tăng 40% lượng khách nhờ kích cầu du lịch (29/08/2009)

>   Bất động sản bỏ hoang để chờ bán... sang tay (29/08/2009)

>   Một triệu tỷ đồng đầu tư giao thông đường bộ đến năm 2020 (29/08/2009)

>   Lâm Đồng: Điểm đến hấp dẫn (29/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật