Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn giới đầu tư
Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa đến nay, các nước Á châu vẫn dẫn đầu về lượng đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Đài Loan đầu tư nhiều nhất với tổng cộng 21,2 tỷ USD, sau đó là Hàn Quốc với 20,1 tỷ USD.
Trong bài viết đăng trên mục Tiêu điểm châu Á của nhật báo “Bưu điện Băngcốc” hôm cuối tuần, ông Wittaya Supatanakul- nguyên Tổng giám đốc văn phòng ngân hàng Bangkok Bank Plc tại Việt Nam- nói rằng, cho dù còn những hạn chế như thiếu cấu trúc hạ tầng, nhưng với quyết tâm, Chính phủ Việt Nam đã thu hút được giới đầu tư bằng chính sách ưu đãi về thuế và các hình thức khuyến khích khác trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất về đầu tư với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động đông, nguồn tài nguyên dồi dào.
Hãng BBC cũng vừa loan tin Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong năm nay.
Hãng Thông tấn Đức trích lời bà Lê Hải Vân- một quan chức Bộ Kế hoạch Đầu tư- cho biết, Mỹ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 3,95 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam tính tới tháng 8/2009. Đầu tư từ Mỹ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là khách sạn và du lịch. Trước đây, các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, Nhật Bản và Xingapo trong khi Mỹ đứng ở vị trí khá xa so với những nước này. Nay tám tháng đầu năm, đứng sau Mỹ là Đài Loan với 1,35 tỷ USD, tiếp đó là British Virgin Islands với 1,24 tỷ.
Tổng đầu tư nước ngoài trong thời gian này là 10,45 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó đầu tư mới là 5,6 tỷ USD cho 504 dự án mới nhận giấy phép.
Trong thời gian qua, 6,5 tỷ USD tiền đầu tư đã được giải ngân, tương đương 91,8% cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư hiện có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa đến nay, các nước Á châu vẫn dẫn đầu về lượng đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Đài Loan đầu tư nhiều nhất với tổng cộng 21,2 tỷ USD, sau đó là Hàn Quốc với 20,1 tỷ USD.
Trong bối cảnh sự phát triển chậm lại của kinh tế toàn cầu hiện nay, Chính phủ Việt Nam tích cực làm việc chuyển đổi nhiều quy chế, chính sách thích ứng để giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng và sự suy giảm kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ. Nhờ đó, trong lúc kinh tế Thái Lan sụt giảm 7,1% trong quý I/2009 thì GDP của Việt Nam tăng 3,9% và Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng 5% cho năm nay.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam là một thị trường lớn, với gần 86 triệu người tiêu dùng trong nước và 3,2 triệu Việt kiều, những người đã gửi lượng kiều hối trị giá 8 tỷ USD cho người thân năm 2008. Đặc biệt chăm chỉ lao động và tiếp thu nhanh, người lao động Việt Nam (khoảng 46,5 triệu lao động) được đánh giá là nguồn nhân công có chất lượng và chi phí lương tương đối thấp. Điều quan trọng hơn là chính sách thuế của Việt Nam có lợi cho các doanh nhân nước ngoài. Các công ty nhà nước và tư nhân đều nộp thuế lợi nhuận (profittax 25%), nhưng doanh nghiệp nào được hưởng chính sách khuyến khích chỉ phải nộp 10% đến 20% trong vòng 15 năm.
Bên cạnh đó, các doanh nhân có thể được miễn giảm thuế hoàn toàn trong thời gian 2 - 4 năm, bắt đầu từ năm đầu tiên làm ăn có lãi và được miễn giảm 50% trong 4 - 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư vào những khu vực kém phát triển cũng sẽ được miễn giảm phí thuê đất trong 11 năm, trong khi các dự án lớn và một số doanh nghiệp được khuyến khích hoạt động trong các lĩnh vực như công nghiệp cao, y tế và giáo dục, có thể trực tiếp đề nghị được hưởng chế độ ưu đãi theo từng trường hợp.
Một số công ty nước ngoài như Tập đoàn Formosa (vùng lãnh thổ Đài Loan) và nhà sản xuất chip nhớ điện tử Intel (Mỹ) đang được miễn thuế trong 10 năm và sau đó chỉ phải nộp mức thuế 10% trong 50 năm. Chính sự hấp dẫn đó,một số doanh nghiệp trong các ngành cần nhiều nhân lực, chẳng hạn như dệt may, hiện đã chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Thái Lan sang Việt Nam để tiếp cận với chế độ ưu đãi nhất là nguồn nhân công giá rẻ hơn.
Đắc Hanh
Công Thương
|