Chủ Nhật, 30/08/2009 09:19

Từ những chuyện nhỏ...

Trong tiến trình đổi mới, mở cửa nền kinh tế chúng ta luôn nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn biện chứng, khoa học. Bởi con người là trung tâm, nguồn gốc của sự phát triển, đổi mới tư duy sẽ dẫn đến chuyển biến trong hành động. Tư duy của mỗi cá nhân quyết định đến tương lai của chính họ và tư duy của một nhà lãnh đạo quyết định sự phát triển, tồn tại của cả một tập thể, tổ chức, quốc gia.

Tuy nhiên, khi chuyển tải vào cuộc sống chân lý đơn giản này không phải lúc nào cũng được nhận thức thấu đáo để hành động phù hợp. Với nhiều nhà quản lý của chúng ta, tư duy chỉ được nhìn nhận từ khía cạnh nhận thức chính trị, do đó đổi mới tư duy chỉ mới dừng lại ở mức độ quán triệt các chủ trương, đường lối.

Những tư duy mới, hiện đại về phương thức quản lý, về trách nhiệm của người lãnh đạo, về hiệu quả công việc chưa được nhận thức đầy đủ để chuyển hóa thành các hành động tích cực có thể tạo ra những đột phá trong hoạt động quản lý nhà nước. Bởi vậy sau hơn 20 năm đổi mới cơ chế quản lý, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO, kinh tế nước ta đã vận hành trên cỗ máy thị trường nhưng người điều khiển vẫn sử dụng rất nhiều kỹ năng cũ vốn tồn tại từ thời điều khiển cỗ xe bao cấp nặng nề.

Trên thực tế, trong rất nhiều lĩnh vực tư duy của các nhà quản lý mới chỉ được đổi mới về hình thức mà chưa có sự thay đổi về chất. Và xét trên quan điểm triết học về quan hệ biện chứng giữa thượng tầng (tư duy, quản lý) và hạ tầng kiến trúc (quan hệ sản xuất) thì việc chậm đổi mới tư duy đang là lực cản đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc thực hiện khoán 10 trước đây, thành tựu phát triển của các địa phương như Đà Nẵng, Bình Dương hiện nay... là những minh chứng sinh động về sự thành công của một mô hình phát triển bắt nguồn từ những tư duy mang tính cách mạng, đột phá của những nhà quản lý trong hoạch định chiến lược phát triển cũng như đổi mới phương thức quản lý hành chính. Rất tiếc những ví dụ tích cực này chưa trở thành phổ biến.

Trong thực tiễn, chúng ta vẫn thấy còn quá nhiều những phương thức quản lý dựa trên lối mòn tư duy tại các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhà nước. Đó có thể là những hiện tượng ở cấp địa phương hay Trung ương, có thể có ảnh hưởng trong phạm vi doanh nghiệp hay quốc gia... nhưng tựu trung đều phản ảnh cùng một bản chất của tư duy không cập nhật thời đại của người quản lý.

Những ví dụ sau đây có thể là rất nhỏ nhưng chúng phản ánh khá chính xác tình trạng này.Trong khi Chính phủ đã từ lâu thực hiện chủ trương gộp các chế độ vào lương thì vẫn còn doanh nghiệp nhà nước duy trì chế độ trang bị điện thoại di động hai năm một chiếc và thanh toán cước phí theo hóa đơn cho cán bộ cấp phòng trở lên.

Cách quản lý xem ra chặt chẽ về hình thức này thực chất chứa rất nhiều bất cập: lãng phí về nhân lực (kế toán theo dõi cước, tình hình mua mới điện thoại...), tiền bạc (đổi điện thoại khi chưa cần, gọi vô tư trong mức cước được thanh toán...) và tạo cơ chế xin - cho (mua điện thoại loại nào...).

Một ví dụ khác liên quan cơ chế quản lý công vụ. Các cán bộ khi đi công tác nước ngoài phải nộp hóa đơn khách sạn về kho bạc để quyết toán. Hệ quả đầu tiên của cách làm này là kho bạc phải duy trì một đội ngũ nhân sự không nhỏ chuyên để rà soát chứng từ. Thứ hai là cách làm này mặc dù tốn công sức, thời gian, nhiều khi gây ức chế cho cán bộ đi công tác nhưng lại không hiệu quả.

Ai đã đi nước ngoài đều biết rằng hầu hết các nước quản lý việc thu thuế bằng các phần mềm máy tính (không phải theo “hóa đơn đỏ” như ta) nên các khách sạn nhập dữ liệu vào máy tính và in ra muôn hình vạn trạng hóa đơn chỉ nhằm mục đích xác nhận việc thanh toán với khách. Thử hỏi, cán bộ kho bạc căn cứ vào đâu để xác định các hóa đơn mình thụ lý (từ hàng trăm khách sạn trên thế giới) là thật hay giả? Hay sẽ làm theo cảm tính, từ chối thanh toán nếu “cảm thấy” hóa đơn “không thật lắm”.

Tất cả những bất cập này có thể giải quyết đơn giản bằng cách xây dựng một mức khoán hợp lý cho cán bộ đi công tác nước ngoài, một cách làm không mới vì rất nhiều nước áp dụng. Vấn đề là người quản lý có nhận thức hết bất cập và trách nhiệm về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống quản lý mang nặng tính bao cấp này hay không

Xin nêu một ví dụ khác về hai cách tư duy với cùng vấn đề liên quan tiêu chuẩn khi đi công tác bằng máy bay. Đa số các nước quy định hạng ghế tùy thuộc vào chức vụ công chức (ở Việt Nam cán bộ cấp thứ trưởng hoặc tương đương trở lên được ngồi ghế hạng thương gia). Tuy nhiên, một số nước áp dụng bổ sung quy định hạng ghế theo độ dài đường bay. Chuyên viên được ngồi hạng thương gia đối với những chặng bay trên 5.000 ki lô mét.

Tất nhiên chế độ công vụ còn tùy thuộc khả năng ngân sách từng quốc gia nhưng cái ta có thể suy ngẫm ở đây là phương pháp tư duy giải quyết hài hòa giữa hàm cấp công chức và mục đích công việc.

Không phải mọi ý tưởng đều có thể thay đổi thế giới nhưng chắc chắn mỗi sự đổi mới trong tư duy của nhà quản lý sẽ tạo nên sức sống mới và động lực cho phát triển. Chúng ta đều hiểu rằng để phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế phải nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được khi nền hành chính của chúng ta cũng phải đủ năng lực cạnh tranh xét trên phương diện minh bạch, hiện đại, hiệu quả. Mục tiêu đó đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy của các nhà quản lý, các công chức và cả sự sàng lọc những tư duy, cách làm lạc hậu, cản trở sự phát triển.

Chi Mai

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Gia Lai: Chào đón các nhà đầu tư (30/08/2009)

>   Nỗi lo sau giấy phép 3G (30/08/2009)

>   Thị trường nhà, đất chờ... chính sách ! (30/08/2009)

>   Doanh nghiệp đồ gỗ tìm cách liên kết (30/08/2009)

>   Nhìn đâu cũng thấy hàng Trung Quốc! (30/08/2009)

>   Vốn FDI đăng ký nhiều, triển khai nhỏ giọt (30/08/2009)

>   Vĩnh Long mở rộng thị trường xuất khẩu bưởi Năm Roi (30/08/2009)

>   Petrolimex giải thích chuyện tăng giá xăng (30/08/2009)

>   Xăng lại tăng thêm 1.000 đồng mỗi lít từ 30/08 (29/08/2009)

>   Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010 (29/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật