Chủ Nhật, 30/08/2009 09:13

Gia Lai: Chào đón các nhà đầu tư

Thời gian tới Gia Lai tiếp tục cập nhật bổ sung, cùng với việc nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế 1 cửa liên thông trên 1 số lĩnh vực, nâng cao chất lượng lập và thẩm định các dự án, không ngừng cải tiến thủ tục đầu tư... Đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư vào địa bàn tỉnh Gia Lai.

Gia Lai - Tiềm năng chờ khai phá

Gia Lai là tỉnh nằm ở bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 15.536,92 km2 , với 7 nhóm đất nhóm đất khác nhau, phù hợp với nhiều loại cây trồng; dân số 1.263.000 người, trong đó dân tộc kinh: 701.400 người, chiếm 45,54 %, các dân tộc khác: 561.600 người chiếm 44,46%. Gia Lai có 16 đơn vị hành chính gồm 13 huyện, 2 thị xã và TP. Pleiku.

Sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh, với nguồn tài nguyên đất đai rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Hiện Gia Lai có 76.367 ha cây cà phê, 73.218 ha cao su, 20.568 ha cây điều, 5.050 ha hồ tiêu, 19.325 ha mía, 55.357 ha ngô, 60.820 ha cây sắn, 2.970 ha cây thuốc lá,… đủ điều kiện để phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hiện đàn trâu, bò, heo cũng phát triển mạnh, là môi trường tốt để các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc với qui mô công nghiệp, gắn với xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản, thuộc da....

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 đạt 2.913 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2007. Trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên, sản lượng các loại cây trồng vật nuôi mở ra triển vọng phát triển các ngành thủy điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sâu nông lâm thổ sản với quy mô vừa và lớn.

Thành phố Pleiku có Khu công nghiệp Trà Đa 109,3ha, đã xây dựng và đi vào hoạt động, điều kiện hạ tầng hoàn chỉnh, đã có 95% diện tích được các nhà đầu tư thuê, đang mở rộng lên 200ha. Khu công nghiệp tây Pleiku được quy hoạch tổng thể với quy mô 528ha, Khu công nghiệp An Khê nằm bên quốc lộ 19, Khu công nghiệp khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Bên cạnh đó còn có các cụm công nghiệp khác như: Cụm tiểu thủ công nghiệp Diên Phú (Pleiku), Bắc Biển Hồ, cụm công nghiệp Chư Sê nằm cạnh giao lộ 14 và 25; cụm công nghiệp Ayunpa nằm cạnh quốc lộ 25,... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chọn lựa địa điểm xây dựng nhà máy.

Gia Lai cũng là một trong những vùng giàu tài nguyên về khoáng sản, trong đó đáng kể là bôxít, đá vôi, đá bazan, đá granít, sắt, chì, vàng, đá quý, đá bazơlan, manêzít,… có nhiều triển vọng để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Giao thông vận tải của Gia Lai hiện cũng đang có nhiều thuận lợi. Việc Chính phủ Việt Nam và Campuchia quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu Lệ Thanh - Gia Lai và Oyadao - Campuchia lên cửa khẩu quốc tế đã mở ra triển vọng mới đầy tiềm năng cho hoạt động xúc tiến đầu tư; thương mại và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh bởi tính ưu việt về hệ thống giao thông được nối từ các tỉnh đông bắc Campuchia, nam Lào, đông Thái Lan đến khu kinh tế Nhơn Hội, cảng Quy Nhơn (Bình Định - Việt Nam) qua quốc lộ 19 Gia Lai (Việt Nam) và đường 78 Campuchia, nơi đây sẽ là một tiểu hành lang kinh tế đông - tây – lợi thế không nơi nào có được do địa hình bằng phẳng, đường giao thông không quanh co. Đường hàng không Pleiku đã nối chuyến đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và ngược lại.

Thị trường hàng hoá ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Dịch vụ vận tải phục vụ tốt nhu cầu giao lưu hàng hoá và đi lại của nhân dân với nhiều loại hình đa dạng, phương thức vận tải ngày càng được cải thiện và thuận lợi hơn. Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh và khá hiện đại. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,... phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Gia Lai có tiềm năng lớn về phát triển du lịch - dịch vụ lữ hành, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, thiên nhiên đã được công nhận, đặc biệt là không gian văn hoá cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hoá phi vật thể của nhân loại; các địa danh: Biển Hồ, núi Hàm Rồng, vườn quốc gia KonKaKinh, khu bảo tồn thiên nhiên KonChưRăng, Tây Sơn thượng đạo, Làng STơr - quê hương Anh hùng Núp, thác Phú Cường, hồ Ayun Hạ, hồ Ia Ly,… đã đi vào lịch sử, sẽ là nơi tổ chức các dịch vụ du lịch - du lịch lữ hành, tạo dấu ấn về không gian du lịch mới, sản phẩm du lịch mới cho du khách trong và ngoài nước.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm; toàn tỉnh có 670 trường học mầm non và phổ thông; có 28 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt trên 96,5%, có 95% giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, 100% giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển, từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng và đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; các chương trình y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả nên dịch bệnh giảm nhiều. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, hiện Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã khởi công bệnh viện chất lượng cao với qui mô 200 giường, Công ty Cổ phần Ngôi sao Phố núi đã đầu tư xây dựng Trường bán trú, nội trú Nguyễn Văn Linh với quy mô 4.000 học sinh.

Những chính sách thu hút đầu tư

Xác định Gia Lai có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP. Pleiku không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để được khuyến khích đầu tư; cơ sở hạ tầng của tỉnh còn yếu kém và không đồng bộ, công tác quy hoạch đất sử dụng đất của tỉnh chưa hoàn chỉnh nên việc giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư còn bị động, chưa có mặt bằng sạch để đáp ứng nhà đầu tư... vì thế, trong nỗ lực để ngày càng cải thiện môi trường đầu tư, ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước áp dụng trên toàn quốc, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, được thể hiện bằng Quyết định số 84/2007/QĐ-UBND ngày 27/8/2007 về việc ban hành Quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, quy trình và thủ tục thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đặc biệt với cơ chế một cửa liên thông về đăng ký và thành lập doanh nghiệp, các nhà đầu tư chỉ nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư sau 12 ngày sẽ nhận được giấy đăng ký kinh doanh, mã số thuế. Bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là từ khi tỉnh Gia Lai xúc tiến đầu tư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ký kết hợp tác đầu tư với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên , đã có 76 dự án đầu tư vào Gia Lai với số vốn trên 8.000 tỷ đồng. Hiện nay, nhu cầu đầu tư vào tỉnh Gia Lai còn rất lớn, giai đoạn 2009-2015, các ngành, địa phương đã xây dựng hơn 20 dự án để kêu gọi đầu tư. Tỉnh Gia Lai sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để chào đón các doanh nhân, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đến tỉnh để cùng biến các cơ hội tiềm năng thành những công trình hợp tác có hiệu quả cao nhất.

Về địa bàn ưu đãi đầu tư: Gia Lai gồm toàn bộ các huyện và thị xã (trừ thành phố Pleiku) được hưởng tiêu chuẩn địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (phụ lục II-Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ).

Về phần hỗ trợ, hiện Gia Lai đang thực hiện các chính sách như: hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho các dự án đầu tư trên địa bàn, tùy theo từng loại hình đào tạo; hỗ trợ chuyển giao công nghệ: trong phạm vi chương trình của tỉnh sẽ có sự hỗ trợ ngân sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua các ứng dụng công nghệ; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thực hiện việc đền bù giải tỏa để giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong khu công nghiệp: Các dự án đầu tư vào các KCN được miễn phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật trong 5 năm đầu tiên kể từ khi thực hiện dự án và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Ủy ban nhân dân tỉnh qui định cụ thể phí sử dụng hạ tầng cho từng KCN…

Công Thương

Các tin tức khác

>   Nỗi lo sau giấy phép 3G (30/08/2009)

>   Thị trường nhà, đất chờ... chính sách ! (30/08/2009)

>   Doanh nghiệp đồ gỗ tìm cách liên kết (30/08/2009)

>   Nhìn đâu cũng thấy hàng Trung Quốc! (30/08/2009)

>   Vốn FDI đăng ký nhiều, triển khai nhỏ giọt (30/08/2009)

>   Vĩnh Long mở rộng thị trường xuất khẩu bưởi Năm Roi (30/08/2009)

>   Petrolimex giải thích chuyện tăng giá xăng (30/08/2009)

>   Xăng lại tăng thêm 1.000 đồng mỗi lít từ 30/08 (29/08/2009)

>   Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010 (29/08/2009)

>   Các SME cần có chiến lược KD và thay đổi cách quản lý (29/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật