Chủ Nhật, 30/08/2009 09:09

Nỗi lo sau giấy phép 3G

Giấy phép triển khai dịch vụ trên băng tần 3G mới được trao cho bốn doanh nghiệp cách đây hai tuần. Đó là MobiFone, VinaPhone, Viettel và liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom. Hiện tại áp lực giữ chân khách hàng để chuẩn bị cho việc khai thác các dịch vụ 3G đã đẩy thị trường di động vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Giá cước tiếp tục giảm

Nếu tính trung bình năm năm qua, mỗi năm giá cước dịch vụ di động Việt Nam giảm khoảng 30%, số lượng thuê bao tăng khoảng 70% và doanh thu tăng cỡ 25%. Thử lấy gói cước chuẩn trả sau để so sánh. Mức cước thấp nhất hiện do VinaPhone và MobiFone cung cấp là 1.080 đồng/phút cho cuộc gọi ngoại mạng, trong khi đó vào tháng 12-2004 (thời điểm thị trường viễn thông đã thật sự cạnh tranh) mức giá này là 2.500 đồng.

Không chỉ cạnh tranh về giá, hiện các nhà cung cấp tìm mọi hình thức khuyến mãi để thu hút khách hàng mới hoặc kích thích người dùng mở khóa các số đã hết hạn sử dụng. Số tiền trong tài khoản được tặng ít nhất bằng 100% mệnh giá nạp tiền, cá biệt có những gói cước mức này lên đến trên 230%.

Trong vòng sáu tháng qua thị trường đã trải qua hai đợt giảm cước lớn. Sau khi Vietnam Mobile gia nhập thị trường hồi tháng 3, ngay lập tức các mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt giảm cước khoảng 30%.

Khi Beeline ra mắt hồi tháng 7 với gói cước ngoại và nội mạng bằng nhau, các mạng khác nhanh chóng tăng cường nhiều hình thức khuyến mãi tặng tiền vào tài khoản cho thuê bao trả trước và tung ra nhiều chương trình chăm sóc khách hàng dành cho thuê bao trả sau. Có nhiều lý do khiến cuộc chạy đua nói trên bước vào giai đoạn khốc liệt nhất từ trước đến nay.

Theo giải thích của các doanh nghiệp lớn, sở dĩ có những chương trình khuyến mãi đột biến là do hạ tầng đang được mở rộng với dung lượng lớn, nên cần những cú hích tiêu dùng để khai thác mạng lưới hiệu quả hơn. Mặt khác, do sự cạnh tranh của các mạng mới buộc họ phải có chính sách để giữ chân khách hàng trong điều kiện doanh thu của các mạng, hiện chủ yếu từ khu vực thoại, đang tiến gần đến ngưỡng bão hòa. Thực tế cho thấy, với lượng khách hàng lớn, mức doanh thu cao và vốn đầu tư đã được thu hồi từ lâu, cả Viettel, VinaPhone và MobiFone đều có thể hạ giá cước bất cứ lúc nào để cạnh tranh với các nhà cung cấp mới.

Thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay có doanh số khoảng 5 tỉ đô la Mỹ/năm và dự báo tăng gấp đôi từ năm 2015. Các nhà cung cấp sẽ cạnh tranh trên quy mô thị trường này và doanh thu sẽ dần tiến đến ngưỡng bão hòa, chưa kể những yếu tố tác động do thay đổi công nghệ, thị trường, sáp nhập, mua bán… Chính vì thế, áp lực đối với các nhà khai thác mạng hiện nay không chỉ là cạnh tranh về giá cước mà còn là cuộc chạy đua về các dịch vụ giá trị gia tăng đồng thời cố gắng duy trì lượng khách hàng ổn định để chuẩn bị cho việc triển khai băng tần 3G với số vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.

Nỗi lo sau khi cấp phép 3G

Với hơn 100 triệu số thuê bao, hiện Việt Nam là nơi có thị trường di động phát triển nhanh trên thế giới, nhưng việc tăng trưởng này lại chứa đựng những yếu tố thiếu bền vững, không đủ làm nền tảng cho 3G phát triển. Với 90% lượng người sử dụng dịch vụ trả trước và doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi thuê bao hiện ở mức chỉ khoảng 5-6 đô la Mỹ là một khó khăn lớn đối với nhà cung cấp. Chưa kể số thuê bao ảo lên đến 50% cũng đang làm đau đầu các nhà khai thác vì các cơ hội cho dịch vụ 3G lớn mạnh là còn khá mơ hồ.

Ước tính doanh thu toàn thị trường Việt Nam từ dịch vụ gia tăng nội dung trên di động năm 2009 đạt 1.000 tỉ đồng, chủ yếu từ tin nhắn quảng cáo, cũng đang phản ánh một thị trường còn rất sơ khai. Nếu mức tăng trưởng của thị trường nội dung cứ chậm như lâu nay thì nguy cơ thất bại của các nhà cung cấp hạ tầng sẽ càng lớn.

Kinh nghiệm ở thị trường quốc tế cho thấy, mức cước thoại vẫn tiếp tục giảm và doanh thu sẽ duy trì được trong ngắn hạn. Muốn gia tăng tốc độ tăng trưởng thì các dịch vụ dữ liệu phải đóng vai trò chủ đạo trên thị trường.

Giả sử, thị trường chấp nhận giá cước thoại và tin nhắn tương đương giá cước của 2G hiện nay, nhưng giá cước các dịch vụ gia tăng phải giảm xuống ít nhất 10 lần so với giá cước truy cập qua giao thức GPRS hiện nay, hoặc giá cước dịch vụ truy nhập Internet qua mạng di động phải bảo đảm tương đương giá cước của dịch vụ ADSL thì 3G mới có thể thu hút được người dùng và cạnh tranh lẫn nhau. Ở băng tần 2G, 90% doanh thu của nhà khai thác đến từ thoại và tin nhắn nhưng với hạ tầng mới, nội dung mới là yếu tố quyết định.

Theo dự báo của các chuyên gia, để thành công thì trong năm năm đầu ra mắt dịch vụ 3G, doanh thu hàng năm từ nội dung phải đạt được ít nhất 30% và trong 10 năm là 50%.

Mặt khác, để có đủ cộng đồng sở hữu máy điện thoại truy cập được băng tần 3G là một bài toán hóc búa. Các nhà khai thác có thể hợp tác với các hãng điện thoại để trợ giá cho người dùng nhưng bài toán thu hồi vốn và mức độ chấp nhận của thị trường đến đâu còn chưa lường tính được. Bởi đa số người sử dụng không thể sẵn sàng chi trả cho chiếc điện thoại hiện đại và chấp nhận thay đổi cách thức sử dụng nếu như các dịch vụ ứng dụng không đủ thiết thực và hấp dẫn.

Mặt khác, thống kê sáu tháng đầu năm nay cho thấy 70% số lượng điện thoại di động bán ra có giá từ 2 triệu đồng trở xuống, chủ yếu là những dòng sản phẩm không có hỗ trợ tính năng 3G. Thậm chí ở phân khúc cao cấp, nơi người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho công nghệ, việc loại bỏ chiếc điện thoại hỗ trợ GPRS hiện nay để chuyển sang các thiết bị hỗ trợ ứng dụng 3G cũng là việc khó chấp nhận đối với người tiêu dùng nếu các tiện ích 3G không thật sự hữu ích.

Theo các chuyên gia, để có cơ sở hạ tầng 3G thì không khó nhưng yếu tố quyết định sự thành công là cách thức tiếp cận thị trường. Nếu có mạng 3G hoàn hảo nhưng nội dung và dịch vụ nghèo nàn, không phù hợp nhu cầu ở các phân khúc thị trường hoặc mức giá không hợp lý cũng dễ dàng thất bại.

Trong khi đó, để phát triển thị trường nội dung đòi hỏi không chỉ có vai trò của nhà cung cấp hạ tầng mà còn nhiều yếu tố khác như việc làm ra nội dung của cộng đồng công nghệ thông tin, nền hành chính công chuyên nghiệp hơn để kích thích môi trường chính phủ điện tử, thương mại điện tử phát triển. Chính vì thế việc kỳ vọng vào những khoản doanh thu lớn từ dịch vụ 3G để bù đắp cho khoản đầu tư ồ ạt ban đầu đang là một bài toán nan giải cho các nhà khai thác.

Trong tuần trước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp phép hoạt động cho Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom). Đây sẽ là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ di động không băng tần theo phương thức mạng truy nhập vô tuyến, hay còn gọi mạng di động ảo (MVNO).

Hiện Đông Dương đã thỏa thuận chia sẻ mạng vô tuyến 3G với Viettel và roaming với các mạng di động GSM khác.

Như vậy, cho đến nay có 11 doanh nghiệp đã được cấp phép thiết lập mạng viễn thông, trong đó có sáu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ di động có sở hữu hạ tầng, gồm VNPT (VinaPhone và MobiFone), Viettel, EVN Telecom, SPT, GTel và Hanoi Telecom.

Bên cạnh Đông Dương, VTC cũng đã được chấp thuận cung cấp dịch vụ di động mạng ảo. Các doanh nghiệp khác gồm FPT, CMC và Công ty Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL).

Sẽ sớm thay đổi mô hình BCC cho mạng S-Fone

Trao đổi với báo chí, ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm Điện thoại di động CDMA S-Telecom, khẳng định rằng hai bên đối tác kinh doanh mạng S-Fone gồm SK Telecom (SKT) và Saigon Postel (SPT) đang nỗ lực đàm phán để tìm ra phương thức chuyển đổi mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) sang công ty liên doanh hoặc cổ phần liên doanh. “Ngừng đầu tư không có nghĩa là SKT rút khỏi dự án nhưng vai trò của họ trong dự án là gì vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng tôi đang thảo luận để giải quyết những khác biệt và tìm kiếm quyết tâm chung cho mục tiêu chuyển sang liên doanh”, ông Sơn cho biết.

Hợp đồng BCC mạng S-Fone có thời hạn 15 năm (2001-2016) với tổng vốn đầu tư ban đầu là 218 triệu đô la Mỹ, trong đó 184 triệu đầu tư vào hệ thống mạng, gần như đã thực hiện xong từ năm 2006. Năm 2005, SKT đã công bố tăng vốn đầu tư lên 543 triệu đô la Mỹ, tuy nhiên cho đến nay nguồn đầu tư mới vẫn chưa được thực hiện. Theo ông Sơn, S-Fone là một trung tâm thuộc SPT vì thế không đủ điều kiện pháp lý để huy động đầu tư, SPT cũng không thể đầu tư cho mạng S-Fone vì trung tâm này hoạt động theo cơ chế BCC.

Ông Sơn cũng khẳng định rằng, hiện SKT vẫn là nhà đầu tư lớn trong dự án này. Tuy nhiên cho dù đối tác có tiếp tục hay không thì mạng S-Fone vẫn được duy trì và đầu tư mạnh mẽ hơn ngay trong năm nay để nâng cao năng lực và dịch vụ. Mặt khác, định hướng công nghệ CDMA vẫn sẽ tiếp tục và S-Fone sẽ phát triển các dịch vụ 3G trên nền công nghệ này.

Mạng S-Fone hoạt động từ năm 2003, cho đến nay có gần 7,3 triệu số thuê bao kích hoạt, trong đó số thuê bao trên mạng xấp xỉ 4 triệu, số hoạt động thường xuyên khoảng 1,5 triệu, và khoảng 150.000 khách hàng thuê bao dịch vụ Internet di động.

Tuyết Ân

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thị trường nhà, đất chờ... chính sách ! (30/08/2009)

>   Doanh nghiệp đồ gỗ tìm cách liên kết (30/08/2009)

>   Nhìn đâu cũng thấy hàng Trung Quốc! (30/08/2009)

>   Vốn FDI đăng ký nhiều, triển khai nhỏ giọt (30/08/2009)

>   Vĩnh Long mở rộng thị trường xuất khẩu bưởi Năm Roi (30/08/2009)

>   Petrolimex giải thích chuyện tăng giá xăng (30/08/2009)

>   Xăng lại tăng thêm 1.000 đồng mỗi lít từ 30/08 (29/08/2009)

>   Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010 (29/08/2009)

>   Các SME cần có chiến lược KD và thay đổi cách quản lý (29/08/2009)

>   Tiến vào kỷ nguyên công nghệ thông tin (29/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật