Chủ Nhật, 23/08/2009 08:35

Hồi phục sản xuất cây bông vải: Hành trình gian nan

Dệt may Việt Nam (VN) đã lọt vào top 10 nước xuất khẩu (XK) hàng dệt may lớn nhất thế giới. Kim ngạch XK hàng dệt may luôn đứng ở vị trí đầu nhưng giá trị gia tăng còn thấp vì vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. Trong đó, sản lượng bông vải tại VN cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 2% nhu cầu bông xơ cho ngành sợi.

Cây bông “thoi thóp”

Năng suất và giá bán cây bông vải thấp nên người dân trồng bông đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích trồng bông tại VN đã giảm nghiêm trọng.

Theo thống kê, ở thời điểm năm 2001-2002, diện tích trồng bông trên cả nước trên 32.600 ha. Nhưng đến niên vụ 2008-2009, chỉ còn dưới 3.000 ha. Ngành dệt sợi của VN xem như mất trắng nguồn cung nguyên liệu từ trong nước và phải nhập khẩu gần 100% bông xơ từ nước ngoài.

Bài toán năng suất của cây bông đã được đặt ra nhưng ngành bông cũng đành bất lực vì cây bông tại VN chủ yếu được trồng ở những vùng đất tận dụng nguồn nước mưa nên năng suất thấp.

Theo kỹ thuật trồng trên vùng đất có nước tưới và chăm sóc tốt, sản lượng bông hạt sẽ đạt khoảng 3-4 tấn/ha. Thế nhưng, dù không bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán mà nâng suất trung bình tại VN chỉ đạt 1-1,2 tấn bông hạt/ha.Với sản lượng này, khi chế biến ra chỉ được khoảng 400kg bông xơ/ha.

Cây bông vải xem như sống thoi thóp. Với kế hoạch phục hồi cây bông vải, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang xây dựng chương trình phát triển cây bông vải với nhiều dự án sản xuất quy mô trên diện tích rộng lớn như nông trường, trang trại tại các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung. Công ty CP Bông Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, diện tích trồng bông vải trên cả nước trong niên vụ 2009-2010 này sẽ tăng từ 3.000 ha lên 8.500 ha. Trong đó, chỉ có khoảng 1.000 ha bông trồng có nước tưới, còn lại là bông trồng sử dụng nước mưa. Thuận lợi là hiện nay, người dân trồng bông ở một số vùng vẫn có thói quen giữ hạt bông làm giống để sản xuất tự túc nên sản lượng hạt bông thu hoạch trong niên vụ 2009-2010 năm nay ước đạt khoảng 10.000 tấn.

Vụ gieo trồng chính (sử dụng nguồn nước mưa làm nước tưới) bắt đầu từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 hàng năm. Vụ đông xuân có nước tưới được xem là mô hình mới được gieo khoảng tháng 12. Đây là vụ có thể cho năng suất cao hơn vì có nước tưới. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế do cây bông mang lại không bằng trồng lúa, các loại hoa màu nên phần lớn người dân không mặn mà khi sử dụng đất màu, có nước tưới để trồng bông. Đến thời điểm này, diện tích gieo trồng cho vụ chính đạt khoảng 2/3 diện tích, phần còn lại sẽ hoàn tất trong khoảng từ ngày 15 đến 20-8-2009.

Hồi phục sản xuất: mới bắt đầu

Ngành sợi VN hiện có 4 triệu cọc sợi - trung bình 1 cọc sợi cần khoảng 100kg bông xơ/năm. Nếu tính như trên thì ngành sợi cần khoảng 400.000 tấn nguyên liệu/năm cho sản xuất. Hiện nay, ngành sợi sử dụng 50% sợi bông và 50% sợi tổng hợp. Như vậy, bông xơ cần sử dụng khoảng 200.000 tấn/năm. Khi tăng thêm diện tích trồng bông lên 8.500 ha trong năm nay, với sản lượng dự kiến thu hoạch được 10.000 tấn bông hạt thì sản lượng bông xơ cả năm chỉ được khoảng 3.500-3.700 tấn - chỉ đáp ứng 2% nhu cầu.

Hiện nay, diện tích trồng bông tại VN tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên (42%), vùng duyên hải miền Trung (33%), miền Bắc (20%) và Đông Nam bộ (5%).

Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Vinatex làm đầu mối hồi phục phát triển cây bông, đi cùng với đó là các dự án phát triển thủy lợi phục vụ nước tưới ở vùng trọng điểm trồng bông.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bông Việt Nam cho biết, hiện nay đã có 8 dự án phát triển cây bông của VinatexMart, Viện nghiên cứu bông Nha Hố, Công ty CP Bông Tây Nguyên… được đầu tư quy mô, trồng theo mô hình trang trại, nông trường ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung trên diện tích 22.000 ha. Diện tích mỗi trang trại từ 1.000 ha đến 4.500 ha, tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Giai Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông. Vinatex dự kiến, đến năm 2020 diện tích trồng bông tại VN sẽ tăng lên 76.000 ha.

Tuy nhiên, đây là việc đầu tư mang tính lâu dài, sẽ trải qua nhiều quá trình. Để chuẩn bị trồng trên diện rộng, hiện các đơn vị đã tiến hành trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ, ở 2 trung tâm giống tại Phan Rang (Ninh Thuận). Hiện nay, việc đầu tư sản xuất cây bông vải chủ yếu đầu tư, liên kết sản xuất trong nông dân. Theo kế hoạch của Công ty CP Bông VN, việc hồi phục phát triển cây bông mới bắt đầu, hiện tại chỉ dừng lại ở việc duy trì sản xuất và chuẩn bị cho việc mở rộng diện tích sau này. Giống cây trồng vẫn sử dụng nguồn giống có sẵn trong nước.

Trước áp lực giá bông thế giới giảm, để duy trì giá bông và để đạt được hiệu quả, ngành bông VN đã thành lập Quỹ ổn định sản xuất bông cho người trồng. Hiện nay, các doanh nghiệp liên kết đầu tư sẽ cung cấp giống, thuốc trừ sâu, kỹ thuật trồng miễn phí cho nông dân. Giá thu mua tăng lên 9.000 đồng/kg bông hạt so với giá 7.000 đồng/kg thời điểm năm 2008. Dự kiến diện tích trồng bông trên cả nước trong niên vụ sau sẽ tăng lên khoảng 10.500 ha

Mỹ Hạnh

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Vietnam Airlines nâng cấp đội bay ATR 72-200 (22/08/2009)

>   Gần 2.800 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp (22/08/2009)

>   Người việt dùng hàng việt: Bắt đầu từ sữa ! (22/08/2009)

>   Từ Franchise đến Licensing (22/08/2009)

>   TT xuất khẩu cao su sôi động trở lại: Cơ hội tốt để đầu tư (22/08/2009)

>   Những quy định khó khả thi (22/08/2009)

>   Hàng nhập lậu gia tăng (22/08/2009)

>   Giá thuốc chỉ biến động nhẹ (22/08/2009)

>   Nhập khẩu gạch ốp, lát từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh (22/08/2009)

>   Không có chuyện “đặc quyền” (22/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật