Thứ Sáu, 14/08/2009 22:01

Doanh nghiệp gặp khó... vì kẹt xe

Tình trạng ách tắc giao thông ở những cửa ngõ ra vào của TPHCM không những gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải mà còn tạo nên những khó khăn dây chuyền cho những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác.

Doanh nghiệp vận tải: nhiều mối lo

Ách tắc giao thông kéo dài trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải. Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TPHCM, ví von tình trạng này như một “trận địa”: “Xe đầu kéo container ở ngoài đường đang bị mai phục tứ bề, không nhích đi được. Doanh nghiệp vận tải đang bị lao đao vì chi phí tăng, từ phí nhiên liệu, khấu hao máy móc đến tiền đền hợp đồng cho chủ hàng...”.

Nếu đường thông thoáng, vận hành mỗi xe container tiêu tốn khoảng 35 lít dầu D.O cho 100 ki lô mét. Đường kẹt, xe đông, nếu thời gian ùn tắc là 1 giờ, nhiên liệu tiêu hao thêm khoảng 10 lít dầu, tương đương với 115.000 đồng. Tuyến Thủ Đức - Cát Lái - Tân Vạn chỉ dài khoảng 30 ki lô mét, trong điều kiện bình thường, tài xế sẽ mất khoảng 1 giờ để đi, còn nếu bị kẹt xe phải mất đến 8 giờ.

“Do ùn tắc giao thông, trung bình mỗi xe, chúng tôi phải chi thêm gần 1 triệu đồng tiền nhiên liệu cho quãng đường 30 ki lô mét này”, ông Chung nói. Từ cảng Cát Lái ra đến xa lộ Hà Nội, do bị ách tắc, đoàn xe nối đuôi nhau khoảng 5 ki lô mét cũng phải mất thời gian từ 5 giờ đến cả ngày để đi hết quãng đường này.

Trung bình mỗi ngày, có khoảng 15.000 lượt xe container ra vào cảng Cát Lái; với tình trạng ách tắc như hiện nay, thiệt hại tính cụ thể là rất lớn. Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, xe ra vào thành phố buổi sáng, theo quy định từ 8-9 giờ sáng, nếu bị ùn tắc vào giờ này, công ty chỉ mất khoảng 1-3 giờ đồng hồ.

Trong khi đó, vào buổi chiều, giao thông ngưng trệ, thời gian lãng phí cho đến 9 giờ sáng ngày hôm sau. “Thực tế, mỗi xe phải hoạt động bình thường khoảng 5-8 tiếng mỗi ngày, chúng tôi mới có lời. Do ách tắc, thời gian hoạt động chỉ đạt 1-2 giờ đồng hồ”, ông Quản nói, việc này đã dẫn đến kinh doanh vận tải bị lỗ nặng, do chi phí phát sinh thêm, cộng với xe không hoạt động hết công suất.

Không những bị ách tắc ở phía Đông Sài Gòn, cửa ngõ ra vào ở phía Tây TPHCM cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ứ đọng xe. Đoạn từ cầu Bình Điền đến gần chợ Bình Chánh thường xảy ra ùn, tắc kéo dài tới 4-5 tiếng khiến hàng hóa vận chuyển về miền Tây thường bị trễ từ 4-5 giờ đồng hồ. Điển hình, theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, tuyến Long An - TPHCM nếu không kẹt xe, chỉ cần 2 giờ là chạy được một lượt xe, nhưng nếu kẹt xe nhiều khi lên đến 4-5 giờ mới được một lượt xe.

Điều lo lắng nhất của các doanh nghiệp là vận chuyển các mặt hàng xuất khẩu, gặp tình trạng kẹt xe, làm chậm trễ việc giao hàng theo kế hoạch. Khi đó các doanh nghiệp vận tải sẽ bị chủ hàng phạt hợp đồng. Ông Thái Văn Chung dẫn chứng đã có tình trạng doanh nghiệp vận tải do giao trễ  một container hàng xuất khẩu đi Mỹ, chủ hàng buộc phải chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí cao, khoảng hơn 60.000 đô la/container.

Chi phí này doanh nghiệp vận tải phải chịu nếu giao hàng tại cảng bị trễ hơn hợp đồng đã ký với chủ hàng.

Thiệt hại dây chuyền

Ách tắc giao thông ở những cửa ngõ ra vào TPHCM không chỉ là vấn đề  của doanh nghiệp vận tải, mà còn là “nỗi ám ảnh” thường trực đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Gần một tháng qua, nhiều doanh nghiệp dệt may đã “chạy đôn chạy đáo” vay mượn nguyên phụ liệu của doanh nghiệp bạn để hoàn tất những đơn hàng xuất khẩu vừa ký kết được.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, đây là cách ứng phó với việc ùn tắc giao thông ở cảng, nguyên phụ liệu không kịp chở về kho. Vay mượn nguyên phụ liệu lẫn nhau đã gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp, do chi phí giá thành trên mỗi sản phẩm tiếp tục tăng cao, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm ở thời “nhiều người bán ít người mua” này.

Nhưng, ngành may vẫn may mắn hơn những doanh nghiệp xuất khẩu. Công ty TNHH TM & DV Bảo Thanh vừa “mất trắng” một lô hàng thanh long trị giá 200.000 đô la do đối tác Trung Quốc từ chối nhận hàng vì công ty giao hàng trễ và chất lượng trái thanh long không đảm bảo, do thời gian vận chuyển quá lâu.

Ông Huỳnh Lê Linh Vũ, phụ trách vận tải xuất khẩu của Bảo Thanh, than vãn: “Kẹt xe vào cảng Cát Lái, dẫn đến trễ tàu...”. Theo hợp đồng vận chuyển, lô hàng thanh long của Công ty Bảo Thanh phải đến cảng lúc 4 giờ chiều, cân tải xếp hàng lên tàu cho đến 5 giờ chiều, nhưng đến 6 giờ (giờ kết sổ tàu - tàu sẽ không nhận hàng), lô hàng vẫn chưa đến nơi.

Kẹt đường, lô hàng bị trễ 1 ngày, Công ty Bảo Thanh phải đăng lý lại bộ chứng từ xuất khẩu, tìm chuyến tàu khác để vận chuyển hàng đi. Theo ông Lý Hải Long, Giám đốc xuất khẩu của Bảo Thanh, công ty phải chịu thêm chi phí làm lại bộ chứng từ xuất khẩu, chi phí kho bãi, giữ lạnh... phí vận chuyển tăng thêm ít nhất 20%, nếu bị trễ tàu.

“Nói là phạt những chủ vận tải, nhưng thực tế doanh nghiệp phải oằn lưng ra gánh hết những chi phí này. Vì là hàng trái cây đông lạnh, càng giữ lâu thiệt hại càng nhiều”, ông Long chua chát nói.

Chưa hết, doanh nghiệp không giao hàng đúng hẹn lại bị nhà nhập khẩu ép giá, phạt hợp đồng. Điều quan trọng hơn, theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, “kinh tế toàn cầu đang suy thoái, tìm khách hàng đã khó khăn, doanh nghiệp muốn giữ uy tín để làm ăn lâu dài với họ cũng không được... vì kẹt xe”.

Ông Lương Hoàng Trung, Giám đốc Công ty TNHH TM - DV - Cơ khí ôtô vận tải, số 116, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM:

Nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ ra vào TPHCM gần đây là do tốc độ phát triển đường sá hạ tầng ở TPHCM không theo kịp với tốc độ tăng trưởng của hàng hóa vận chuyển.

Tuy nhiên, ngoài lý do này, hiệp hội đã kiến nghị các cơ quan chức năng, trên các tuyến cửa ngõ ra vào TPHCM có những công trình xây dựng phát sinh, các cơ quan thi công nên thông báo với hiệp hội và các ngành nghề khác để chung nhau giải quyết vấn đề, không riêng gì ngành vận tải.

Nếu biết tiến độ xây dựng của công trình, hay lưu lượng xe lưu thông vào giờ cao điểm, hiệp hội và các cơ quan thi công sẽ có giải pháp giảm thiểu những thiệt hại không đáng có do việc ách tắc giao thông gây ra. Đơn cử, chỉ cần điều chỉnh giải phân cách ở một công trình, hoặc di dời một tiểu đảo đã có thể làm cho tình hình giao thông dễ dàng hơn. Việc mạnh ai nấy làm gây nên tình trạng ách tắc như hiện nay. Chúng tôi đã kiến nghị điều này, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi từ các cơ quan có thẩm quyền.

Trần Ban Mai

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Hãng Nitori tăng sản lượng hàng nội thất ở VN (14/08/2009)

>   Sắp khởi công nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (14/08/2009)

>   PCI: Củng cố và nâng cao niềm tin của DN (14/08/2009)

>   Hạ giá bất động sản bằng cách nào? (14/08/2009)

>   Để người Việt dùng hàng Việt (14/08/2009)

>   Hướng dẫn cho vay đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở thu nhập thấp (15/08/2009)

>   Tuyên Quang cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế (14/08/2009)

>   Chủ đầu tư sẽ phải bán 10% quỹ đất cho thành phố (14/08/2009)

>   Khai thác các thị trường Trung Đông và châu Phi (14/08/2009)

>   Hàng Việt Nam - đã đến lúc giành thế thượng phong (14/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật