Đồ gỗ nội thất tìm cơ hội
Chọn năm 2009 để kinh doanh đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại thị trường nội địa được xem là cơ hội cho những doanh nghiệp biết nhanh nhạy nắm bắt thị trường.
Nhiều cách tiếp cận
Cuối tháng 7-2009, bà Trần Thị Mến, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khang Gia, quyết định sử dụng căn nhà của mình trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM, để mở cửa hàng bán đồ gỗ nội thất châu Âu xuất khẩu, nhằm tiết giảm chi phí và tiếp cận các khu dân cư mới hình thành ở khu vực này và cả bên quận 2. “Những năm trước, mỗi tháng công ty tốn cả trăm triệu đồng chi phí thuê mặt bằng mở phòng trưng bày trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Từ tháng 9-2008 đến nay, do làm ăn khó khăn, hàng xuất không được nhiều nên phải tìm cách xoay trở, quay lại thị trường trong nước cũng là giải pháp hợp lý”, bà Mến nói.
Khang Gia là đơn vị chuyên phân phối đồ gỗ nội thất cao cấp xuất khẩu và đồ gỗ cấp trung cho những doanh nghiệp khác. Bà Mến cho biết mở cửa hàng tại nhà giúp tiết giảm chi phí thuê mặt bằng, điện nước, nhân viên… Với khoản tiết giảm đó, công ty chủ động giảm giá bán 15-20%.
Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, bên cạnh Khang Gia còn có “người hàng xóm” - cơ sở Đức Lộc ra đời cách đây khoảng ba tháng - và gần đây nhất là cửa hàng Nội thất rẻ ở cuối đường, gần chân cầu Sài Gòn. Nguyễn Thanh Tùng, thành viên sáng lập trang web và cửa hàng Nội thất rẻ, khẳng định mình chỉ là kẻ “ngoại đạo” trong lĩnh vực này nhưng cũng tin rằng đây là thời điểm tốt nhất để kinh doanh đồ gỗ châu Âu giá rẻ tại thị trường trong nước.
Tùng kể: “Năm ngoái, khi gia đình xây nhà, tôi phụ trách khâu mua đồ trang trí nội thất, tình cờ phát hiện các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu có lượng hàng tồn kho rất lớn. Qua quan sát thị trường, tôi nhận thấy người tiêu dùng trong nước có mức thu nhập từ khá trở lên đang có xu hướng ưa chuộng đồ gỗ có kiểu dáng châu Âu vì lạ và sang trọng. Thế là thử sức!”.
Thời gian đầu Tùng tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Dương, Đồng Nai đề nghị được trở thành nhà phân phối sản phẩm và đã được chấp thuận. “Hàng mua của doanh nghiệp tiền trao cháo múc, không gối đầu, giá bán ra thị trường giảm 20% nên khách dễ chấp nhận. Lúc mới ra nghề, tôi tận dụng mặt bằng của gia đình trên đường Hữu Nghị, quận Thủ Đức để bán hàng. Nay công việc có xu hướng phát triển nên thuê tiếp mặt bằng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh để tiếp cận khách hàng ở các khu dân cư mới trong khu vực hoặc bên quận 2”, Tùng cho biết.
Tại TPHCM, những nơi bán đồ gỗ nội thất, đồ gỗ - mỹ nghệ xuất khẩu đều tập trung theo từng tuyến đường. Tồn tại hàng chục năm qua thì có khu Cộng Hòa (quận Tân Bình), mới nhất là khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. “Từ đầu năm 2009 đến nay, trên đường Huỳnh Tấn Phát trung bình hai tháng lại có thêm một cửa hàng bán đồ gỗ nội thất xuất hiện”, anh Du, chủ cửa hàng Nội thất Việt, phường Tân Phú, quận 7, cho biết.
Ông Hoàng Văn Cương, chủ cơ sở đồ mỹ nghệ xuất khẩu Hoàng Anh, phường Phú Thuận, quận 7, cho rằng những quận có tốc độ phát triển khu đô thị nhanh như quận 7 thì cơ hội cho những người biết cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng là rất lớn. Ông Cương cho biết đồ gỗ mà Hoàng Anh đang cung cấp cho thị trường TPHCM và xuất khẩu từ tháng 3-2009 đến nay được lấy “từ gốc” là các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở Nam Định.
Tại Tân Bình, sau 10 năm gắn bó với nghề gỗ, anh Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Hưng Yên, đã mở cửa hàng bán hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu “Đẹp và Độc” vào cuối quí 1-2009. Theo anh Nam, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay dù ở trong nước hoặc nước ngoài đều ưa chuộng những sản phẩm đồ gỗ có vẻ đẹp tự nhiên. Đối với nhóm khách hàng này giá cả không quan trọng, vấn đề là sản phẩm có đáp ứng được thị hiếu của họ hay không!
Cơ hội trong âu lo
Vì xác định sản phẩm của cửa hàng thuộc dòng “nội thất rẻ” nên trong thời gian qua, Nguyễn Thanh Tùng đã không ngừng tìm nhà cung cấp có mức giá “dễ chịu” nhất để phục vụ khách. “Tuy nhiên, từ tháng 7-2009, khi thị trường tiêu thụ đồ gỗ có dấu hiệu hồi phục, các doanh nghiệp sản xuất lại “lên mặt” với nhà phân phối. Trước đây tôi có thể tìm nguồn hàng một cách thoải mái, được họ tiếp đón ân cần. Còn bây giờ thì họ đòi tăng giá đơn hàng hoặc chỉ làm thêm 10-20 bộ đi kèm theo lô hàng mà khách nước ngoài đặt. Cho dù giá sản phẩm tăng nhưng cửa hàng Nội thất rẻ vẫn không tăng giá cho đến hết năm 2009. Sau đó tình hình diễn tiến tới đâu chúng tôi sẽ có giải pháp đối phó đến đó”, Tùng nói.
Doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ Sơn Thành, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cũng là đơn vị có thâm niên gần 10 năm trong lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ, Cuba, Đức, Trung Quốc, Đài Loan. Ông Chu Văn Sơn, Giám đốc Sơn Thành, thừa nhận từ quí 2-2008 đến nay, việc xuất khẩu của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp trong thời gian qua được Sơn Thành vận dụng là quan tâm hơn đến các nhà phân phối sản phẩm ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Trong bối cảnh sản xuất giảm, ông Sơn cho “đóng” trang web của doanh nghiệp. Ngoài lý do tiết giảm chi phí, ông còn giải thích đó là cách tốt nhất để tránh việc bị các đối thủ ăn cắp mẫu mã sản phẩm.
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ nội thất xuất khẩu đều thừa nhận trong thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cắt hết chi phí quảng cáo. Đối với Công ty Khang Gia, bà Trần Thị Mến cho biết: “Hiện nay công ty chỉ áp dụng hình thức quảng cáo bằng cách phát tờ rơi trong các khu dân cư mới, khu nhà phố hoặc biệt thự đang xây”.
Từng “sa lầy” vào việc đầu tư sản xuất đồ gỗ nội thất do không am hiểu gì về lĩnh vực này, ông Phạm Đức Bình, thành viên sáng lập Công ty cổ phần Đồ gỗ Lạc Viên (Đồng Nai), cho biết đó là bài học mà ông phải trả giá khá đắt. Theo ông Bình, đến tháng 8-2009, nếu doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu nào còn hoạt động thì sẽ có cơ may tồn tại. Ông Bình than phiền “cách làm của doanh nghiệp trong nước trong thời khủng hoảng là đua nhau bán hàng phá giá làm “chết” chìm cả đám”.
Theo kế hoạch, khoảng trung tuần tháng 8-2009, Nam Hưng Yên sẽ mở thêm cửa hàng chuyên bán đá mỹ nghệ cao cấp tại 170 Cộng Hòa, quận Tân Bình. Anh Nguyễn Hải Nam, Giám đốc công ty, cho rằng trong năm 2009 cơ hội cho doanh nghiệp “sống sót” trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ là 5:5. Trong lĩnh vực kinh doanh dòng sản phẩm gỗ cao cấp, anh Nam cho rằng thị trường vẫn còn rộng cửa nếu doanh nghiệp biết chọn cho mình lối đi riêng, thực hiện đúng cam kết với khách khi bán hàng.
Uyên Viễn
TBKTSG Online
|