Năm bộ quản lý, 80 tiêu chuẩn nhưng vẫn thiếu
Sữa thuộc danh mục thực phẩm được quản lý và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh, an toàn nên có tới năm bộ quản lý sữa. Bộ Y tế quản lý chất lượng vệ sinh an toàn; bộ Công thương quản lý ngành sản xuất sữa, chống hàng giả, hàng nhái, các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm luật cạnh tranh; bộ Khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm ban hành các tiêu chuẩn về sữa, kiểm soát nhãn hàng hoá và tiến hành chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; bộ Tài chính quy định thuế và kiểm soát giá sữa; bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý ngành chăn nuôi bò sữa.
Mặc dù đã có sự phối hợp liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra song hiệu quả không cao. Tiến sĩ Hồ Tất Thắng, phó chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận xét: “Cơ sở để quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh là các tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cho đến nay Nhà nước đã ban hành hơn 80 tiêu chuẩn quốc gia về sữa và sản phẩm từ sữa nhưng chỉ mang tính định hướng. Chúng ta còn thiếu nhiều quy chuẩn kỹ thuật quy định mức giới hạn hàm lượng dinh dưỡng, yêu cầu an toàn và điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, kinh doanh”.
Trên thực tế, số vụ vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng khá nhiều. Chẳng hạn tỷ lệ sữa có hàm lượng đạm thấp hơn so với tiêu chuẩn công bố là 50%, theo kết quả khảo sát của hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Hàng rào thuế quan, cơ quan giám sát hành vi gian lận thương mại, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát quảng cáo sữa… thoạt nhìn có vẻ dày đặc là thế, nhưng sữa nhập vào Việt Nam giá 64.000đ/hộp nhưng đến tay người tiêu dùng lên lại cao hơn 220% so với giá vốn.
Bích Thảo
Sài Gòn Tiếp thị
|