Thứ Tư, 19/08/2009 13:44

Thiếu đường, sốt giá

Đầu năm, giá đường bán lẻ chỉ ở mức 8.000-8.500 đ/kg nhưng sau 7 tháng liên tục tăng, giá đường đã tăng đội thêm 8.000 đ/kg, gấp đôi so với ban đầu và đạt mức cao nhất trong ba năm gần đây.

Tính riêng hai tuần đầu tháng 8, các siêu thị, quầy bán lẻ liên tục phải thay bảng niêm yết vì giá đường biến động mỗi ngày, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiện 1 kg đường trắng tinh luyện phổ biến ở mức 16.000 đ/kg, một số loại đường xuất khẩu còn lên đến 17.000 -17.500 đ/kg.

Thời sự như… giá đường

Chủ nhật tuần đầu tháng 8, giá bán lẻ đường trắng tinh luyện của Công ty Đường Biên Hòa tại siêu thị Hapro vẫn còn ở mức 14.500 đ/kg.

5 ngày sau đã thấy thay bảng giá mới: 16.000 đ/kg.

Nhân lúc vắng khách, cô nhân viên thu ngân lôi ra một tờ báo giá phân trần “giá đường được công ty cập nhật mỗi ngày xuống đến các siêu thị, chúng em cứ phải thay đổi luôn vì liên tục tăng”.

Khảo sát của VietNamNet tại các chợ như Ngọc Hà, Thành Công, ngõ chợ Khâm Thiên và một số điểm bán lẻ cũng cho thấy, chỉ trong hai tuần đầu tháng 8, giá đường trắng tinh luyện đã tăng 1.000-1.500 đ/kg. Hiện phổ biến ở mức 16.000-16.500 đồng/kg, cá biệt một số loại đường xuất khẩu loại 1 thậm chí đã lên mức 17.500 đ/kg.

Theo bà Vũ Thị Hoa, bán hàng tại chợ Ngọc Hà, giá đường đang tăng mạnh, biến động từng ngày.

“Đường vàng tuần trước mới 13.000 đ/kg nay đã lên 14.000 đ/kg. Đường trắng, đường xuất khẩu cũng liên tục nhảy từ 12.000 đồng lên 13.000 đồng, 14.000 đồng, 15.000 đồng, 15.500 đồng rồi 16.000 đ/kg trong vài tháng gần đây”, bà Hoa cho biết.

Xác nhận điều này, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Mía đường Lam Sơn cũng dự đoán giá đường sẽ còn leo thang, ít nhất cho đến hết tháng 10.

“Việt Nam năm nay vốn dĩ đã thiếu đường, hụt so với năm ngoái hơn 20% nên giá đường sẽ còn căng cho đến khi các nhà máy đi vào sản xuất vụ mới. Từ giờ đến lúc đó, giá đường bán buôn có thể sẽ lên đến 15.000 đ/kg. Nhưng dù lên cũng chẳng còn nhiều mà bán, các nhà máy thì hết cả rồi”, ông Tam cho biết.

Hiện giá đường bán tại nhà máy phổ biến ở mức 11.000-12.000 đ/kg. Như vậy, nếu giá bán buôn lên đến 15.000 đồng thì không biết giá đường đến tay người tiêu dùng còn lên đến đâu?

Bánh trung thu sẽ đội giá

Thiếu đường, sốt giá trên thực tế không ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng vì lượng tiêu thụ một tháng không nhiều. Tuy nhiên đây lại là chuyện “thời sự nóng” của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất bánh kẹo, nhất là bánh trung thu.

Nhiều nhà sản xuất bánh trung thu khẳng định dù chưa định giá cụ thể cho các loại bánh vì mới bắt đầu vào vụ nhưng chắc chắn “giá bánh sẽ lên theo giá đường”.

Bà Nghĩa, chủ một cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô nhỏ cho biết dù đã dự đoán trước giá đường sẽ lên nhưng cơ sở không thể tích trữ vì không có kho chứa.

Bà than vãn: “Tuần trước, tôi mua giá sỉ mà đã là 14.000 đ/kg đường rồi, giá cao hay thấp dĩ nhiên đều hạch toán cả vào giá bánh nên chắc mỗi loại sẽ lên giá vài nghìn so với năm ngoái”.

Tuy không tiết lộ cụ thể như bà Nghĩa song đại diện một số doanh nghiệp bánh kẹo lớn như Hải Hà, Kinh Đô… cũng khẳng định giá bánh trung thu năm nay sẽ nhỉnh hơn năm trước do các yếu tố đầu vào cao.

Ở góc độ doanh nghiệp “nguồn cung”, ông Lê Văn Tam dự báo khoảng cuối tháng 10 -11, các nhà máy đồng loạt sẽ vào vụ kéo giá đường xuống, dao động quanh 12.000 đ/kg.

Tuy nhiên, từ giờ đến lúc bắt đầu vụ mới, ông Tam khuyến cáo, Nhà nước phải khuyến khích nhập đường không thì “trung thu này sẽ gay go”.

Sốt giá vì thiếu dự trữ

Thực tế, thiếu đường là câu chuyện được các bộ ngành dự báo từ đầu năm chứ không phải bây giờ mới “phát sinh”.

Ngay từ tháng 4 đã có nhiều nhà máy được buộc phải ngừng sản xuất vì hết mía do dân chặt bỏ trồng cây khác kinh tế hơn. Đến tháng 6, toàn bộ 40 nhà máy đường cả nước đã đóng cửa, kết thúc vụ sớm hơn khoảng hai tháng so với mọi năm. Sản lượng đường năm nay chỉ đạt 909.000 tấn, giảm 240.000 – 260.000 tấn.

Lượng đường lưu kho trong các nhà máy khi kết thúc vụ đường cũng giảm thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 170.000 tấn, chỉ đạt trên 185.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ cả vụ vào khoảng 1,2 triệu tấn.

Dù kết thúc sớm nhưng vụ tới lại có thể phải khởi động muộn (đầu tháng 11) cộng thêm mùa hè kéo dài do nhuận tháng 5 nên Bộ Công Thương dự báo lượng thiếu hụt sẽ lên đến 150.000-160.000 tấn đường.

Con số này đã trừ đi 61.000 tấn đường nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan nên hiện nhiều doanh nghiệp đang xin Bộ Công Thương cho nhập khẩu bổ sung đường với số lượng khoảng 115.000 tấn nhằm bình ổn thị trường.

Trong khi Bộ Công Thương còn đang “suy nghĩ” thì thị trường đã tự điều tiết theo quy luật “nước chảy chỗ trũng” bằng đường… lậu.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong tháng 7, đường lậu qua khu vực An Giang đã chi phối toàn bộ thị trường miền Tây Nam bộ và một phần tại thị trường TP. Hồ Chí Minh (bình quân khoảng 300 tấn/ngày). Tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, đường lậu qua cửa khẩu Cầu Treo cũng khoảng 100 tấn/ngày.

Giá đường tăng cũng gây tâm lý tích trữ đường trong một số doanh nghiệp và nhà phân phối. Kết quả là lượng đường cung ra thị trường gần đây khá dè dặt do nhiều nhà cung cấp sợ bán “hớ”. Thậm chí có không ít ý kiến cho rằng thị trường đường đang bị các nhà đầu cơ “làm giá”.

Như vậy, việc điều hành thị trường với cơ chế hạn chế nhập khẩu bằng hạn ngạch, thuế suất cao (80% với đường thô và 100% với đường trắng) rõ ràng không phù hợp với thực tế.

Nhìn vào căn nguyên sâu xa hơn, ông Lê Văn Tam - “người trong cuộc” của ngành đường mấy chục năm thẳng thắn cho rằng đây là sai lầm của Nhà nước vì không có dự trữ.

“Các nước ngay bên cạnh ta như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… đều có kho dự trữ đường để khi giá cả lên xuống có thể điều chỉnh được, chỉ có Việt Nam là thả phóng ra nên dù có dự báo được trước cũng không bình ổn được”, ông Tam nhận định.

Giá đường thế giới đang leo thang

Ngày 17/8, giá đường thế giới đạt mức 560 USD/tấn, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên do là sản lượng đường thế giới năm 2009 giảm mạnh so với năm trước. Ấn Độ hụt từ 26 triệu tấn năm trước xuống còn 14 triệu tấn và đang phải ồ ạt nhập khẩu 6 triệu tấn. Tình hình thiếu đường cũng khá gay gắt ở Trung Quốc, thậm chí “thủ đô đường” là Brazil cũng bị giảm sản lượng do thời tiết.

Mức giá 560 USD/tấn đường tương đương 12.000 VNĐ/kg (chưa bao gồm thuế má, vận tải…) không chênh lệch nhiều so với giá đường tại Việt Nam. Đó là lý do, giá đường nhập lậu từ Thái Lan chỉ rẻ hơn khảng 15% nhờ trốn thuế vì nhập chính ngạch thì cũng tương đương giá của các nhà máy trong nước.

Phan Hùng

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Sẽ quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm (19/08/2009)

>   Thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản (19/08/2009)

>   Giá xăng dầu ít tác động đến chỉ số giá tiêu dùng TP HCM (19/08/2009)

>   Chủ đầu tư Nhật rút khỏi dự án hàng đầu Hà Nội (19/08/2009)

>   Dệt may Việt Nam khảo sát thị trường Nam Mỹ (19/08/2009)

>   Giám sát hiệu quả gói kích cầu (19/08/2009)

>   Tăng lượng hàng xuất khẩu thủy sản sang Nhật (19/08/2009)

>   Thép xây dựng: Không có lý do để "sốt nóng" (19/08/2009)

>   EVN xin “tăng” mục tiêu tổn thất điện năng (19/08/2009)

>   Dựng tiền đồn cho hàng Việt (19/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật