Thứ Tư, 19/08/2009 08:30

EVN xin “tăng” mục tiêu tổn thất điện năng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, do thiếu vốn nên mục tiêu phải giảm tổn thất điện năng xuống 8% vào năm 2010 là khó khả thi.

Xin tăng lên 9%

Cục Điều tiết điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, đã xác nhận bản đề án Giảm tổn thất điện năng giai đoạn năm 2009-2012 của EVN được gửi tới Cục vào đầu tháng 8 này.

Hiểu nôm na thì tỷ lệ tổn thất điện năng chính là thước đo cho chất lượng hạ tầng hệ thống điện và hiệu quả của việc cung ứng điện. Nếu tỷ lệ tổn thất điện năng cao thì lượng điện bị “hao” lớn trong quá trình truyền tải phân phối. Nếu tỷ lệ này nhỏ thì lượng điện “thất thoát” thấp, độ tin cậy cấp điện cao.

Vì vậy, giảm được tỷ lệ tổn thất điện năng có ý nghĩa rất quan trọng cả về lợi ích kinh tế và chất lượng cung cấp điện.

Ngay từ cuối năm 2006, Thủ tướng đã yêu cầu ngành điện phải hạ tổn thất điện năng xuống mức 8% vào năm 2010 (Quyết định 276/2006/QĐ-TTg).

Tuy nhiên, sau 3 năm, thay vì nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu trên, EVN lại có “nguyện vọng” khá ngược đời là muốn xin Chính phủ cho phép lùi mục tiêu, giãn lộ trình thực hiện nhiệm vụ này. Và thực tế là tập đoàn này đang “xin tăng” tỷ lệ lãng phí điện năng so với mục tiêu của Chính phủ.

Đề án của EVN đề xuất một lộ trình “dễ thở” hơn là năm 2010 đạt tỷ lệ tổn thất điện năng 9%, năm 2011 là 8,9% và năm 2012 là 8,8%. Năm nay, tỷ lệ này sẽ là 9,21%.

Đặc biệt, nếu tính cả ảnh hưởng của việc tiếp nhận lưới điện nông thôn thì đến năm 2010, tỷ lệ này tăng lên 10,9%, đến 2011 giảm xuống 10,1% và đến 2012 là 9,67%.

Trong vòng 3 năm tới, các tỷ lệ tổn thất điện năng mà EVN dự kiến đều cách xa so với yêu cầu của Chính phủ.

Thiếu vốn không phải là lý do duy nhất

Trong bản đề án, EVN cho rằng, việc lo vốn đầu tư phát triển lưới điện theo quy hoạch đã gặp không ít khó khăn, nay phải lo vốn cải tạo nâng cấp lưới điện cũ nên càng khó khăn. Vì vậy, việc giảm tổn thất điện năng xuống 8% năm 2010 là không thể thực hiện được.

Trong giai đoạn 2009-2012, tổng vốn đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện trung, hạ áp đáp ứng yêu cầu cấp điện và giảm tổn thất điện năng là 45.573 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, theo EVN, nếu cố gắng đạt tỷ lệ 8% theo chỉ đạo của Chính phủ thì cũng không có tính kinh tế cao. Khi đó, lượng điện tổn thất tương ứng giảm được 1,902 tỉ kWh. Kết quả trên chỉ tương ứng số tiền trên 1.658 tỷ đồng.

Chưa kể đến trả lãi vay, vốn đầu tư trong trường hợp này lớn gấp hơn 7,4 lần so với hiệu quả giảm tổn thất điện năng mang lại.

Đồng thời, nếu thực hiện kế hoạch cải tạo gấp lưới điện trên diện rộng, trong thời gian ngắn thì phải cắt điện nhiều, như vậy, sẽ ảnh hưởng lớn đến cấp điện cho phụ tải.

Hàng loạt lý do trên được EVN phân tích khá hợp lý. Tuy nhiên, lý do chủ yếu ở đây không đơn thuần là thiếu vốn. EVN e ngại không thể hoàn thành chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng của Chính phủ còn bởi, hiện trạng của hạ tầng hệ thống điện còn đang quá kém.

Việc phải truyền tải điện cao trên đường dây 500 kV Bắc- Nam đã làm tăng tổn thất trên lưới 500 kV.

Lưới điện 220kV, 110kV kéo dài đang có nhiều khu vực đã đầy tải như khu vực TP.HCM, công ty điện lực 1. Lưới điện trung áp 35 kV, 15 kV, 10kV, 6 kV đã cũ. Nhiều máy biến áp, đường dây có tổn thất cao, tiết diện nhỏ nhưng vẫn phải vận hành.

Trong khi đó, hàng năm, các công ty điện lực chỉ cải tạo chống quá tải hoặc sửa chữa củng cố hư hỏng nhỏ về xà sứ, tiếp địa, chống sét, dây tựa…

Mặc dù năm nay không xảy ra sự cố điện lớn như năm 2007-2008, song điều kỳ lạ là tỷ lệ tổn thất điện năng lại không giảm mà đang có xu hướng tăng lên. Sáu tháng đầu năm, tỷ lệ này đã tăng 0,76% so với cùng kỳ năm 2008, ở mức 10,39%.

Bên cạnh đó, EVN đang tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với tỷ lệ tổn thất điện năng khu vực này lên tới 25-30%.

Nếu tính chung cho lưới điện toàn quốc, EVN sẽ không thể nào giảm được tỷ lệ này mà còn tăng lên, dự kiến đến năm 2010 là 10,9%.

Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành nhiệm vụ thì việc doanh nghiệp phải “lobby chính sách” như vậy là cách làm thường thấy ở nhiều tập đoàn còn đang độc quyền.

Dự kiến, tuần tới, Cục Điều tiết điện lực sẽ thẩm định đề án này trước khi trình Bộ Công Thương. Cuộc họp sẽ làm rõ các tính toán trên của EVN liệu có chính xác và phù hợp cũng như đánh giá lại việc EVN đã thực sự nỗ lực đầu tư cải tạo lưới điện trong 3 năm qua hay chưa.

Tính toán sơ bộ của EVN cho thấy, để đạt mục tiêu trên, tổng vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện năm 2009-2010 sẽ cần 15.596 tỷ đồng. EVN cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì việc huy động vốn như vậy vượt quá khả năng tài chính của tập đoàn.

Trong giai đoạn 2004-2008, EVN đã phấn đấu giảm tổn thất điện năng từ 12,23% xuống 9,21%. Bình quân mỗi năm EVN giảm được 0,604%.

Phạm Huyền

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Dựng tiền đồn cho hàng Việt (19/08/2009)

>   Thực hiện luật Bảo hiểm y tế mới (19/08/2009)

>   Khắc phục độc quyền trong nhập khẩu, phân phối sữa (19/08/2009)

>   Việt Nam chuẩn bị triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản (19/08/2009)

>   Một cửa hàng chỉ được kinh doanh 3 thương hiệu gas (19/08/2009)

>   Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM: Cầu vượt quá cung (19/08/2009)

>   Mở tuyến đường biển từ Việt Nam đến bờ Đông nước Mỹ (18/08/2009)

>   Cơ hội hợp tác với Malaysia về xây dựng (18/08/2009)

>   Người tiêu dùng có thêm lợi thế đi kiện (18/08/2009)

>   Sẽ cải tạo và xây dựng lại toàn bộ các chung cư cũ, hư hỏng (18/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật