Dựng tiền đồn cho hàng Việt
Sron Phor, trưởng ấp 8 thuộc xã Chrey Thom, huyện Koh Thum, tỉnh Kaldal nghe tin ngày hội hàng Việt ở Tịnh Biên, có khám bệnh, phát thuốc miễn phí, bán nhiều hàng Việt Nam lại “phân bì” sao không tổ chức ngày hội ở bên sông Bình Di (huyện An Phú), qua cửa khẩu Khánh Bình là tới rồi.
Từ khách hàng
Sron Phor cho biết hiện nay dân từ Campuchia vẫn sang An Phú lấy hàng, tới bệnh viện An Giang khám bệnh và bên đây bến phà Bình Di có một công ty xe khách, cứ một tiếng đồng hồ có một chuyến xe Kandal – TP.HCM. Hàng Việt Nam không còn lạ lẫm với họ, nhưng ngày hội hàng Việt ở dọc biên giới chỉ mới nghe lần đầu.
Theo Phnom Penh Post, ông Chap Sotharith, một nhà kinh tế của viện Hoà bình và hợp tác Campuchia nhận xét mậu dịch xuyên biên giới giữa Việt Nam – Campuchia đã gia tăng khi Việt Nam miễn visa nhập cảnh cho người dân Campuchia trong khi Thái Lan nghiêm khắc hơn rất nhiều. Thường chở vợ sang An Phú mua hàng về bán lẻ, Sron Phor cho biết, anh có thể mua hàng nợ gối đầu với tiểu thương ở An Phú. Hiện nay, con gái Sron Phor cũng đã sang Việt Nam học tiếng Việt để sau này giao dịch thuận tiện hơn.
Ông Trần Thanh Phúc, chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho nông dân Campuchia thuộc công ty bảo vệ thực vật An Giang nhận xét: “Những thương nhân ở Campuchia rất chịu khó học tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa. Một thế hệ doanh nhân mới giỏi giang hơn trước rất nhiều”. Theo ông Lê Hữu Trang, phó ban kinh tế cửa khẩu An Giang, thương mại giữa hai nước đã tăng lên 1,7 tỉ USD hồi năm ngoái và sẽ lên 2 tỉ USD trong năm tới. Con số này sẽ tiếp tục lên tới 5 tỉ USD trong thời kỳ năm 2015 – 2020. Do đó, việc tổ chức lại hoạt động ở khu kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ doanh nhân Campuchia và bà con Việt kiều đang kinh doanh bên đó là cần thiết.
Đến đối tác
Các doanh nhân ở Châu Đốc cho biết qua những đợt khảo sát thị trường riêng lẻ, ít nhất năm công ty xuất nhập khẩu hàng nông sản Thái Lan đã tới Campuchia để nghiên cứu thị trường và gặp gỡ các đối tác để bàn về việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả tươi sang thị trường này và nhập khẩu nông sản thô để tái chế xuất khẩu sang các thị trường khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam tới Campuchia lo giúp người dân được khám bệnh, phát thuốc miễn phí hoặc tư vấn kỹ thuật giúp nông dân nắm được kỹ thuật canh tác nhiều loại cây trồng, vật nuôi tạo thành nguồn hàng tham gia thị trường, chủ động cải thiện thu nhập.
Các nhà kinh doanh hàng hoá có cái nhìn lạc quan hơn với chương trình kích cầu hàng Việt dọc theo tuyến biên giới. Ông Trần Văn Lạc, giám đốc công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu An Biên (siêu thị miễn thuế An Biên, khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang) nói, từ trước tới nay, do đặc thù kinh doanh các loại hàng hoá nhập khẩu các hình thức khuyến mãi chưa từng được áp dụng ở siêu thị này. Các hình thức quảng bá với người tiêu dùng chủ yếu thông qua kênh “truyền miệng”. Dù vậy, lượng khách hàng từ phía Campuchia – những người bán lẻ, chiếm tỷ lệ 30% tổng số khách hàng. Ông Lạc hy vọng, tới đây khi hàng Việt được xúc tiến tại khu vực này và các biện pháp kích cầu từ trung tâm thương mại hàng Việt, nhiều người tiêu dùng Campuchia sẽ biết đến “kho” hàng Việt này. Bên cạnh đó, các hình thức thu hút và giữ chân khách hàng sẽ linh hoạt, mạnh tay hơn với các chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Theo ông Lê Hữu Trang, hiện có 24 doanh nghiệp hoạt động tại đây. Bình quân có khoảng 1.500 lượt khách đến tham quan mua sắm mỗi ngày, doanh số bình quân khoảng một tỉ đồng/ngày.
Ông Phan Phát Đạt, phó giám đốc công ty TNHH Thiên Thiên Phú, đơn vị quản lý siêu thị miễn thuế Thiên Thiên Phú, tin rằng, sau sự kiện khai trương trung tâm hàng Việt tại khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên vào ngày 22.8 tới cùng với việc kích cầu trong suốt tháng hàng Việt, có nhiều người tiêu dùng Campuchia sẽ trở thành khách hàng thậm chí sẽ là đối tác phân phối hàng hoá cho các siêu thị này. Theo ông Trang, hàng hoá, dịch vụ từ khu thương mại Tịnh Biên được miễn thuế xuất khẩu; không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngọc Tùng – Gia Khiêm
Sài Gòn tiếp thị
|