Mở tuyến đường biển từ Việt Nam đến bờ Đông nước Mỹ
Hãng tàu K Line của Nhật ngày 18-8 đã đưa con tàu mang tên Verrazano Bridge với trọng tải hơn 54.500 tấn cập cảng SP-PSA tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bắt đầu dịch vụ vận chuyển hàng trực tiếp từ Việt Nam đi miền Đông nước Mỹ.
Tàu Verrazano Bridge với công suất vận chuyển hơn 4.000 TEU (một TEU tương đương một container 20 feet) cùng với 7 tàu thành viên khác nằm trong liên minh CKYH ( gồm các hãng tàu Coscon, K Line, Yang Ming và Hanjin) đi theo lịch trình hàng tuần ghé các cảng Singapore, Cái Mép, Shekou, Hong Kong, Yantian, Norfolk, New York, Halifax rồi quay lại Singapore.
Hồi tháng 6, hãng tàu Hanjin cũng đã mở tuyến đường biển trực tiếp từ cảng Tân Cảng-Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) đi đến Nhật và miền Tây nước Mỹ. Theo ông Hiroshi Kono, Tổng giám đốc K Line Vietnam, với việc ghé cảng SP-PSA ngày 18-8, có thể xem như liên minh CKYH là nhà khai thác tuyến dịch vụ đầu tiên trên cả hai tuyến đường biển từ Việt Nam đến miền Đông và miền Tây nước Mỹ.
Trước K Line và Hanjin đã có hai hãng tàu là APL (Singapore) và MOL (Nhật) cũng đã mở tuyến đường biển thẳng từ Việt Nam đến bờ Tây nước Mỹ.
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch HĐQT cảng SP-PSA cho biết cảng hiện đã tiếp nhận dịch vụ vận chuyển hàng trực tiếp từ Việt Nam đi cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ. SP-PSA là liên doanh giữa cảng Sài Gòn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và PSA Vietnam - công ty con của tập đoàn PSA International (Singapore).
Cảng container nước sâu này mở cửa ngày 29-5, sau khi hoàn tất giai đoạn 1 với công suất xếp dỡ 1,1 triệu TEU/năm. Dự kiến sau khi hoàn thành cả hai giai đoạn, SP-PSA sẽ có công suất xếp dỡ hàng năm lên đến 2 triệu TEU.
Một cảng nước sâu khác cũng tại Bà Rịa – Vũng Tàu mở cửa sau SP-PSA vài ngày là Tân Cảng – Cái Mép với công suất thiết kế của cảng trong giai đoạn 1 là 650.000 TEU/năm.
Yến Dung
TBKTSG Online
|