Cải cách hành chính ngành Thuế và Hải quan mạnh hơn nữa
Sáng 18/8, làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác cải cách hành chính (CCHC) ngành Thuế và Hải quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thủ tục hành chính (TTHC) của hai ngành này có phạm vi và đối tượng áp dụng rộng, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, từ nay đến năm 2010 phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực này, thực hiện quyết liệt hơn nữa việc đơn giản hóa các TTHC.
Tuy là Bộ quản lý đa ngành với các lĩnh vực phức tạp, nhưng Bộ TC được Tổ công tác chuyên trách CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao trong việc cố gắng đơn giản hóa quy định hiện hành về TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tuy đã có những bước chuyển nhất định, nhưng trình độ quản lý thuế và hải quan của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới. Về thuế, theo báo cáo môi trường kinh doanh hàng năm, các tổ chức quốc tế xếp thứ hạng về thuế của Việt Nam ở mức 140/182 nước (Singapore thứ 5, Malaysia thứ 21, Thái Lan thứ 82); thời gian doanh nghiệp làm các thủ tục về thuế và các nghĩa vụ với ngân sách là 1.050 giờ (trong đó bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế chiếm 400 giờ), trong khi Singapore là 84 giờ, Indonesia 266 giờ, Malaysia 145 giờ, Thái Lan 264 giờ.
Về hải quan, việc kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện thủ công; khai hải quan, nộp thuế chưa được điện tử hóa… thời gian thông quan còn kéo dài; tỷ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra thực tế cao gấp 2 lần các nước trong khu vực; gấp 3 lần các nước tiên tiến.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, riêng đối với hai ngành này việc chỉ đạo thực hiện CCHC chưa mạnh mặc dù đã cho thấy sự quyết tâm.
Phó Thủ tướng yêu cầu, cần chấn chỉnh kịp thời, làm quyết liệt, giảm bớt các TTHC còn gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện tốt Đề án 30.
Phó Thủ tướng đề nghị, hiện đại hóa công nghệ trong quá trình kiểm tra kiểm soát trước và sau khi thông quan, trước và sau khi thu thuế, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức đối với đội ngũ cán bộ, trong đó trình độ cán bộ phải chuyên sâu, chuyên nghiệp; đủ năng lực giải quyết mọi vấn đề theo đúng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu cụ thể, năm 2010 phải đạt được thứ hạng cạnh tranh về thuế ở mức 115, năm 2011 đạt thứ hạng 100 hoặc bằng với Thái Lan (82); thời gian doanh nghiệp làm các thủ tục về thuế và các nghĩa vụ với ngân sách giảm 400 giờ; năm 2010 phải đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình.
Về các giải pháp đẩy mạnh CCHC thời gian tới, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, đối với ngành thuế, sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc về chính sách, chế độ thuế của người nộp thuế còn tồn đọng và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh mới. Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế thông qua việc thực hiện Đề án “Thí điểm nộp hồ sơ thuế qua mạng Internet trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu” vào tháng 8/2009; năm 2010 áp dụng nộp hồ sơ khai thuế qua mạng đối với các doanh nghiệp ở những địa bàn có điều kiện (đảm bảo khoảng 80% số thu ngân sách nhà nước(NSNN)); Mở rộng triển khai dự án tập trung thu NSNN qua việc ứng dụng và kết nối thông tin giữa cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và tài chính, trong đó cuối năm 2009 triển khai ở 33 tỉnh, thành phố; Triển khai dự án “Nộp thuế qua Ngân hàng” trên các địa bàn lớn, thí điểm việc nộp thuế qua máy ATM, bằng tài khoản tại ngân hàng qua điện thoại di động và các hình thức nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại…
Đối với ngành hải quan, mở rộng khai hải quan từ xa qua mạng tại tất cả các cục hải quan tỉnh, thành phố, nâng tỷ lệ khai hải quan từ xa qua mạng trên cả nước lên 80% trong năm 2009 và trên 90% trong năm 2010; Xây dựng quy trình về quản lý, giám sát hải quan cảng biển quốc tế, hàng hóa chuyển phát nhanh quốc tế, quy định về địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, đầu tư phương tiện hiện đại hóa giám sát kiểm tra hải quan, đưa máy soi container Cát Lái (3/2010) và Hải Phòng (8/2010) vào hoạt động, đầu tư hệ thống giám sát hải quan (camera, cân hàng hóa điện tử, máy soi hàng hóa…) ở các cửa khẩu quan trọng; Thực hiện đề án nâng cấp, đổi mới hệ thống quản lý rủi ro, đến cuối năm 2009, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu xuống dưới 20%, trong đó 70% các lô hàng kiểm tra thực tế hàng hóa được dựa trên tiêu chí quản lý rủi ro…
Bộ TC đã hoàn thành thống kê và công bố 840 thủ tục hành chính được thực hiện tại các cấp chính quyền thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp như thuế, phí, lệ phí; hải quan; tài chính doanh nghiệp; quản lý giá; dịch vụ tài chính… Trong đó, thuế là 330 thủ tục, hải quan là 239 thủ tục.
Kiều Liên
Chính phủ
|