Thứ Ba, 18/08/2009 13:34

Tìm giải pháp nuôi và tiêu thụ cá tra bền vững

Các nhà thủy sản cho rằng cá tra của ĐBSCL cần được duy trì sản lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, sản xuất và tiêu thụ cá tra phát triển tự phát nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường, thị trường, dịch bệnh…

Xuất phát từ thực tế trên, cuối năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2010 diện tích nuôi cá tra ĐBSCL sẽ là 8.600 héc ta, với sản lượng 1,25 triệu tấn, chế biến thành phẩm 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,3 - 1,5 tỉ đô la Mỹ, giải quyết việc làm cho 200.000 người. Đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra tăng lên 13.000 héc ta, sản lượng 1,85 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu 2,1 - 2,3 tỉ đô la Mỹ.

Mặc dù quy hoạch như vậy nhưng năm nay cả người nuôi và nhà chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn nên chỉ có thể thả nuôi đạt khoảng trên dưới 5.000 héc ta, giảm hơn so với năm trước. Với tình hình như vậy, mục tiêu nuôi cá tra 8.600 héc ta vào năm 2010 khó đạt được.

Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) lại cho rằng sự bùng nổ về công nghiệp nuôi cá tra đã đặt ra nhiều thách thức, cả trong thực tế lẫn trong dự báo. Theo WWF, muốn phát triển nuôi cá tra bền vững phải tuân thủ 8 nguyên tắc.

Đó là xây dựng và điều hành các trại nuôi phải hạn chế tối đa tác động xấu lên môi trường và những người sử dụng khác, hạn chế tác động tiêu cực lên các nguồn nước, hạn chế tối đa tác động lên hệ sinh thái khu vực và các sinh vật sống tự nhiên.

Một giải pháp cho yêu cầu này là xây dựng một hệ thống bao gồm các tiêu chuẩn về sản xuất nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm và một tiến trình cấp chứng nhận cho các nhà sản xuất đạt được các tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn khi đã được thông qua có thể xem như một sự cam đoan của người nuôi, người sản xuất, người bán với người mua thủy sản rằng các sản phẩm được nuôi trồng không có những tác động bất lợi cho sự bền vững môi trường xã hội bằng cách chỉ chọn mua các sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo đúng những tiêu chuẩn này.

Tiến sĩ Flavio Corsin, cố vấn cao cấp về nuôi trồng thủy sản của WWF Greater Mekong - Chương trình Việt Nam, cho rằng: “Những điều này sẽ giúp người dân nông thôn được hưởng lợi từ nuôi cá tra, đồng thời giải quyết vấn đề môi trường và xã hội trong tương lai…”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì từ nay đến cuối năm ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn do giá cả thị trường có nhiều biến động khó lường, các nước nhập khẩu tăng cường các rào cản kỹ thuật.

Vì thế, để sản xuất và tiêu thụ cá tra ổn định và bền vững, giải pháp trước mắt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra là bám sát thị trường tiêu thụ, tổ chức tốt mối liên kết giữa nhà chế biến xuất khẩu và người nuôi cá tra, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nuôi cá tra thương phẩm, bảo vệ môi trường vùng nuôi, nâng cao chất lượng con giống, và đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm chí phí đầu vào để hạ giá thành sản xuất.

Về lâu dài, bộ yêu cầu nhanh chóng triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tra tập trung các tình An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Xây dựng mô hình nuôi cá tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhân rộng ra toàn vùng. Ngoài ra, việc đầu tư cho nghiên cứu tạo đàn cá tra bố mẹ chất lượng cao thay thế đàn cá hiện tại đã bị thoái hóa cũng là điều cần thiết.

Năm 2007, sản lượng cá tra tăng vọt lên một triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu vượt qua một tỉ đô la Mỹ. Năm 2008, tuy bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính, cá tra ĐBSCL vẫn là mặt hàng thủy sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, chiếm 32,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đạt 640.829 tấn, trị giá hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Huỳnh Biển

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Ai Cập mong muốn Việt Nam hỗ trợ phát triển thuỷ sản (18/08/2009)

>   Tái định cư: Quá nhiều bất cập (18/08/2009)

>   Nếu tự nâng giá thép DN sẽ mất thị phần (18/08/2009)

>   Việt kiều mua nhà: Không nhiều đột biến (18/08/2009)

>   Giá nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng trở lại (18/08/2009)

>   Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu dùng trong nước (18/08/2009)

>   Muốn xóa độc quyền phải chờ quy hoạch (18/08/2009)

>   Cơ quan kiểm dịch: không có chuyện thịt nhập khẩu ách tắc (18/08/2009)

>   Doanh nghiệp chấp nhận cuộc chơi nghiệt ngã? (18/08/2009)

>   Phạt 20 triệu nếu ưu tiên thuê lao động nước ngoài (18/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật