“Hàm lượng” yêu nước
Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" là một cuộc vận động đúng lúc và cần thiết. Đúng lúc vì hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà hàng VN phải đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, khi VN đã chính thức là một thành viên của WTO, và đã mở cửa cho những kênh bán lẻ thế giới vào VN theo đúng lộ trình mà WTO quy định.
Cần thiết vì hàng VN nếu không thể thắng trên sân nhà, không được người tiêu dùng trong nước chấp nhận, thì không mong gì thắng trên sân khách, được người tiêu dùng thế giới để mắt tới. Đây thực sự là chuyện sống còn với hàng VN, lẽ ra, cuộc vận động này phải đến ngay khi VN chính thức là thành viên WTO kia, chứ không phải đợi tới bây giờ.
Khi kêu gọi người tiêu dùng Việt "dùng hàng Việt là yêu nước", là chúng ta đã biết đến sức mạnh của lòng yêu nước, của tinh thần tự hào dân tộc. Nhưng, nói đi thì phải nói lại, trong nền kinh tế thị trường, thì lòng yêu nước không chỉ đến từ một phía-phía người tiêu dùng-mà quan trọng hơn, lòng yêu nước phải được nhà sản xuất thể hiện trước, và thể hiện một cách mạnh mẽ thông qua những sản phẩm của mình.
"Hàm lượng yêu nước" bây giờ phải được thể hiện ngay trong chất lượng và giá thành, giá bán sản phẩm mang nhãn hiệu made in VN. Nhưng làm sao để có những sản phẩm Việt giá cả tương xứng với chất lượng, có cách đi đến với người tiêu dùng vừa thân thiện vừa thông minh, "theo cách VN" mà chúng ta thường hay tự hào nhiều khi quá đáng? Câu hỏi ấy nhà sản xuất phải trả lời, nhưng riêng mình nhà sản xuất thì chưa đủ để trả lời. Vì một lẽ đơn giản: bất cứ một sản phẩm Việt phục vụ người tiêu dùng Việt nào cũng được làm nên từ những mối liên kết, phân phối nguyên vật liệu trong nền kinh tế VN hiện nay. Không thể có sản phẩm giá thành hạ trong khi giá đầu vào của xăng dầu, điện, nước... cứ mải miết tăng không theo những quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường, vì những mặt hàng "nền" ấy đều nằm trong tay những tập đoàn kinh doanh theo kiểu độc quyền. Một khi lợi ích không được chia sẻ, giá thành không được chung lo, những rủi ro không được chung lưng gánh vác, thì nhà sản xuất những sản phẩm tiêu dùng thật khó để có được những sản phẩm chất lượng cao mà giá hạ.
Nhưng lại phải nói thẳng điều này, là những nhà sản xuất hàng tiêu dùng của ta hiện nay vẫn chưa thể hiện đủ lòng yêu nước của mình qua việc tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, và để hết tâm hồn, lòng yêu nước thương dân (tức là thương yêu người tiêu dùng) của mình vào từng sản phẩm do mình làm nên. Chính trách nhiệm khởi từ tình yêu, từ lương tâm của nhà sản xuất sẽ quyết định không chỉ chất lượng sản phẩm mà còn cả giá thành sản phẩm. Không ít nhà sản xuất sau khi có được một số mặt hàng bán chạy, được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm, đã vội vàng "đi tắt" để sản xuất những mặt hàng "nhiều, nhanh,... xấu và... không rẻ", và cuối cùng bị người tiêu dùng quay lưng từ chối. Cái cung cách "ăn xổi ở thì" ấy quả thật không hiếm trong thương trường Việt, và chính nó đã làm hại nhà sản xuất và sản phẩm của họ rất nhiều.
Lòng yêu nước bây giờ, nhất là trong kinh tế thị trường, là lòng yêu nước tỉnh táo, đầy cân nhắc, đầy suy nghĩ. Không ai có thể buộc người tiêu dùng phải mua những mặt hàng, dù là hàng made in VN, mà vừa xấu vừa đắt so với những mặt hàng ngoại nhập cùng chủng loại.
Thanh Thảo
Thanh niên
|