Vào mùa trung thu và cớ tăng giá bánh
Mùa trung thu đã bắt đầu khởi động với những cửa hàng bán bánh mở rải rác trên các tuyến đường, trước cửa các siêu thị, nhà hàng, khách sạn ở TP.HCM. Giá bánh năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 5 - 10% tùy loại.
Sự thay đổi rõ nét nhất của trung thu 2009 này là việc chọn lựa lại các hình ảnh làm biểu trưng cho bao bì, và tìm kiếm nguyên liệu mới để gia tăng thêm cho nhân bánh.
Công ty mới nhất tham gia thị trường trung thu năm nay là nhãn hiệu trà và cà phê Phúc Long, tận dụng ưu thế trong lĩnh vực trà và cà phê để tung ra bánh trung thu trà xanh và cà phê. Còn lại, xu hướng chung của hầu hết các nhà sản xuất là chọn các nguyên liệu thảo mộc, thiên nhiên, đặc sản qúi hiếm hoặc có tác dụng tốt cho sức khoẻ làm nhân bánh. Và hầu như hãng nào cũng có loại bánh mới. Như Maxim"s Bakery có thêm bánh nhân hạt dẻ. Thành Long đưa ra loại loại bánh đậu xanh gấc - bắp tươi và bánh thập cẩm bạch quả, hạnh nhân. Givral có bánh vi cá yến sào…
Xu hướng giảm ngọt, giảm béo đã trở nên quen thuộc, có đơn vị còn làm hẳn bánh trung thu nhân mặn, hay bánh trung thu có thể ăn lạnh cho lạ miệng. Tính trên các tờ bướm mà các nhãn hiệu đang phát ra, bình quân mỗi nhà sản xuất có từ 65 - 90 loại bánh khác nhau.
Nếu đầu tư cho sáng tạo loại bánh mới, cải tiến chất lượng được chính các nhà kinh doanh nhìn nhận như một nét chấm phá để… quảng cáo, vì loại bánh bán chạy nhất, chiếm 80% doanh thu vẫn là bánh đậu xanh, thập cẩm, thì bao bì mới chính là yếu tố được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất. Một bộ hộp bánh trung thu hiện nay khá cầu kỳ, bao gồm vỏ nhựa bọc bánh, hộp giấy con, hộp giấy lớn, giỏ xách, nơ hoặc đai hộp, dao nĩa, thiệp chúc, hộp quà tặng đi kèm… Công phu hơn, có đơn vị còn mua cả các hạt nhựa về đính cho hình ảnh “lưỡng long chầu minh châu” thêm sinh động.
Đầu tư để tạo thêm một chút mới của các nhà sản xuất, nhằm xây dựng hình ảnh đẹp hơn, sang trọng hơn, cao cấp hơn cho từng hộp bánh đang tạo nên cớ để tăng giá bán. Bởi trên thực tế, dù giá đường tăng gần 50% (giá năm ngoái là 8.500đ/kg, hiện nay 13.500đ/kg) và trứng muối tăng khoảng 35% (giá năm ngoái 1.700đ/trứng, năm nay 2.500đ/trứng), giá hạt dưa tăng khoảng 30% (61.000đ lên 87.000đ/kg), thì cũng có những nguyên liệu khác giảm giá. Chẳng hạn bột mì từ 13.000đ/kg còn 10.000đ/kg, hạt mè, hạt điều, dầu ăn… cũng giảm 10- 20%. Tính về giá thành, mỗi chiếc bánh chỉ tăng khoảng từ 1.000 - 5.000đ. Thế nhưng trên giá bán lẻ, giá bánh đã tăng từ 8.000- 35.000đ/chiếc. Chẳng hạn bánh thập cẩm vi cá của G. niêm yết là 102.000đ/chiếc so với năm ngoái chỉ 75.000đ/chiếc, của N. là 75.000đ/chiếc so với năm ngoái 65.000đ/chiếc.
Những hộp bánh gọi là cao cấp còn tăng giá dữ dội hơn. Tham khảo bảng giá của một nhà cung cấp bao bì, trọn bộ hộp giấy cao cấp dùng cho các loại bánh trên 300.000đ có giá vào khoảng 26.000đ, nhưng cũng loại bánh ấy khi chuyển sang loại hộp thượng hạng bán với giá 450.000đ thì bộ hộp có giá là 40.000đ. Vậy nên bán bánh trung thu có một mùa, mà nhiều nhà kinh doanh sẵn sàng đầu tư hàng chục tỉ đồng cho quảng cáo, sẵn sàng chiết khấu đến 35 - 45% cho đại lý là vậy.
Đáng chú ý, chủ một cơ sở sản xuất bánh trung thu trên 30 năm ở Q.5 nói: “Làm hộp cao cấp, đẩy giá cho cao để lấy tiếng vậy thôi, để khách mua mang biếu hãnh diện, chứ thức ra với mối mua hàng lâu năm, thì tăng chiết khấu đến 45% cho loại hộp cao cấp, tính ra cũng chỉ bằng bánh thường.”
Đã mấy năm rồi, mùa trung thu chẳng còn mang đậm dấu ấn của đoàn viên, sum họp gia đình mà nó đã trở thành mùa quà biếu, và mùa của giao tế lấy lòng nhau, hay còn gọi là mùa biếu xén công khai.
B.T
Sài Gòn Tiếp thị
|