Đầu tư Tây Nguyên, 'đánh lẻ' sẽ khó
"Tây Nguyên là một cô gái đẹp, nhưng chỉ để nhìn thôi thì không có ý nghĩa gì". Ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng giám đốc Saigontourist, trao đổi sáng 19/8 tại buổi gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư chuẩn bị cho Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên.
Theo ông, hơn bao giờ hết, lúc này nhà đầu tư trong nước hãy liên kết với nhau, cùng nhau đầu tư vào Tây Nguyên. Doanh nghiệp trong nước phải là những người đi đầu trong việc khai phá, sau đó mới có thể kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Theo ông Thọ, hiện chỉ còn Gia Lai trong số 5 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên là Saigontourist chưa đầu tư, nhưng nếu “đánh” đơn lẻ doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi, những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào Tây Nguyên thường phải chịu lỗ thời gian đầu, do đó cần có sự bắt tay giữa các nhà đầu tư để đạt hiệu quả hơn.
Ngoài ra, ông cho rằng, ở Tây Nguyên, chính quyền địa phương thường đi sau doanh nghiệp, gây khó khăn cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong khâu thủ tục.
Theo ông Thọ, để đầu tư một dự án du lịch phức hợp, doanh nghiệp phải bỏ ra vài trăm tỷ đồng, nếu đồng vốn không được phát huy nhanh thì lãi suất sẽ “ăn” hết.
“Chính quyền nên có những mối quan hệ thân thiện với cộng đồng doanh nghiệp, làm bạn với doanh nghiệp để có thể hiểu rõ hơn những khó khăn của họ khi tham gia đầu tư vào đây.
Nếu các tỉnh chưa hiểu doanh nghiệp, chưa ngồi với doanh nghiệp như những người bạn thì không thể hiểu được mong muốn, vướng mắc của họ”, ông Thọ nói.
Ông Lê Ngọc Báu, Phó ban chỉ đạo Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009 thừa nhận, hiện cơ chế và chính sách thu hút đầu tư của một số tỉnh vẫn còn nhiều cản trở cho nhà đầu tư.
Đây chính là mục đích của Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009.
Ngoài ra, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Intimex, cho biết công ty ông đã đầu tư quy mô vào lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản ở Tây Nguyên, nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhân lực.
“Nhân lực ở Tây Nguyên không thiếu. Rất nhiều con em của Tây Nguyên được đào tạo, nhưng sau đó đa số lại vào TP.HCM. Chúng tôi muốn mời họ trở lại Tây Nguyên, nhưng rất khó khăn. Điều nhân lực từ TP.HCM lên với chi phí rất cao, nhưng cũng không kiếm đâu ra người”, ông Nam nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ kiến nghị lên Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ để hỗ trợ nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tìm đến Tây Nguyên.
Sắp tới, các tỉnh Tây Nguyên sẽ cung cấp thông tin có hệ thống về danh mục các dự án, những lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư của khu vực để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu, lựa chọn và quyết định đầu tư.
Mỗi tỉnh sẽ chọn ra từ 25–27 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế… để giới thiệu và kêu gọi đầu tư.
Ca Hảo
VIETNAMNET
|