Cánh cửa ảo đưa hàng Trung Quốc vào Việt Nam
Không chỉ xây dựng kho hàng khổng lồ, đi kèm với những chính sách giảm thuế để hỗ trợ nhà sản xuất bán được hàng, hàng Trung Quốc còn được tiếp sức nhờ trang mạng Alibaba, cánh cửa ảo giới thiệu hàng Trung Quốc đến phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Minh chuyên buôn bán điện thoại di động ở TP.HCM thừa nhận, nếu không có website www.alibaba.com sự hiểu biết của ông về hàng Trung Quốc trong lĩnh vực điện máy, điện thoại di động không như ngày hôm nay.
Kênh “PR” hàng hoá
Không thông qua đối tác của nhà mạng này tại Việt Nam là công ty cổ phần đầu tư và thương mại OSB, ông Minh vào trực tiếp mạng Alibaba.com, sau đó đăng ký một địa chỉ để giao dịch. Sau khi tìm được một nhà cung cấp linh kiện và thiết bị điện thoại di động, ông thường xuyên “chat” với đối tác để có thêm thông tin, tìm hiểu giá. “Chuyện mua bán cũng khá đơn giản. Sau khi có báo giá, xem hàng mẫu qua mạng, nếu thấy được thì đặt hàng mẫu gởi qua đường chuyển phát nhanh”, ông Minh kể.
Còn ông Đinh Dũng (TP.HCM), một tay chuyên săn hàng trên mạng Alibaba nói rằng: khi cần một mặt hàng nào đó, chỉ cần gõ từ khoá nhóm hàng đó là hàng ngàn mail từ các nhà cung cấp gởi tới để chào hàng. Ông Dũng cho biết, các nhà cung cấp hàng của Trung Quốc tham gia kênh này luôn trong tình trạng “Active” để chờ đón khách hàng. “Tôi phải thừa nhận là họ làm ăn chuyên nghiệp và có hiểu biết về kinh doanh trên mạng. Khác với doanh nghiệp của mình, quăng hàng lên mạng xong là nằm chờ, bán được thì bán, còn không thì thôi. Các nhà cung cấp hàng trên Alibaba còn có một đội ngũ chuyên chăm sóc đối tác trên mạng. Chuyên nghiệp lắm”, ông Dũng nhận xét.
Theo một chuyên gia về thương mại điện tử, Alibaba.com có chính sách ưu tiên hàng hoá của các doanh nghiệp Trung Quốc luôn lên đầu trang hoặc xuất hiện ở những vị trí thuận lợi nhất, còn doanh nghiệp của các quốc gia khác thường đặt ở hàng cuối.
Vai trò “người dẫn đường”
Khi được hỏi về những ngành hàng nào được các doanh nghiệp Việt Nam mua nhiều nhất cũng như giá trị giao dịch…, ông Bùi Đức Tuấn, phụ trách kinh doanh của OSB từ chối cung cấp thông tin vì vi phạm chính sách bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ đặt ra.
Qua tìm hiểu từ các doanh nghiệp Việt Nam đã nhiều lần tìm và đặt hàng trên kênh Alibaba, việc giao dịch qua kênh này khá có hiệu quả, có nhiều nguồn hàng để đối chiếu so sánh về giá trị sản phẩm, giá cả, chi phí vận chuyển… nhưng để mua hàng trực tiếp từ những nhà cung cấp trên mạng, hầu như không thể thực hiện được. Ông T.S (Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đã bị hai nhà cung cấp lừa hai lô hàng, dù giá trị không cao. Giữa sản phẩm mẫu và hàng thật có độ chênh cao lắm. Mẫu một đằng, hàng thật một nẻo”. Còn theo lời ông Minh, qua mạng chỉ để xem hàng, còn muốn đặt những lô hàng lớn buộc phải bay qua gặp họ để tìm hiểu thực tế về chất lượng hàng hoá, đàm phán giá cả… “Chưa lần nào tôi đặt hàng qua mạng. Tôi không tin”, ông Minh cho biết.
Ông Dũng cũng vậy, dù xem hàng mẫu đẹp, giá chấp nhận được nhưng cũng chưa bao giờ đặt hàng qua mạng vì lý do: không tin nhà cung cấp vì sợ bị tráo hàng. “Một phần mình không tin đối tác, mặt khác văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam là phải xem hàng trực tiếp mới ký kết hợp đồng. Thà tốn thêm ít chi phí nhưng qua đó đặt hàng an tâm hơn”, ông Dũng nói thêm.
Dù chỉ là xem hàng, sau đó đàm phán trực tiếp để mua hàng nhưng các doanh nghiệp trong nước ghi nhận rằng, những thao tác trên đã tiết kiệm khá nhiều chi phí đi lại, tìm nguồn hàng… so với trước đây. “Có thể những khoản chi đó với các doanh nghiệp Việt Nam không lớn vì chúng ta gần họ nhưng với các doanh nghiệp từ châu Mỹ, Phi… những khoản chi trên không hề nhỏ”, ông Minh nhận xét.
Gia Vinh
Sài Gòn Tiếp thị
|