Thị trường nông thôn mở rộng
Có thực tế là hầu hết doanh nghiệp đều muốn sản phẩm của mình tiêu thụ ở các thành phố lớn. Trong khi đó, thị trường nông thôn với nhu cầu tiêu dùng và mãi lực lớn hơn nhiều, lại bị bỏ ngỏ. Chủ trương ưu tiên tiêu thụ hàng nội địa có giúp khai phá thị trường này cả diện rộng lẫn chiều sâu?
Nông thôn vẫn thiệt thòi
Theo kết quả điều tra của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS công bố mới đây, 95% hộ gia đình nông thôn sẵn sàng mua tivi, 92% có thể mua bếp điện và gas, 33% có thể mua máy cassette/radio, 30% muốn mua tủ lạnh, 9% muốn mua máy vi tính, 1% muốn kết nối internet...
Thế nhưng, suốt thời gian dài, người tiêu dùng ở nông thôn vẫn phải sử dụng hàng hoá kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Dạo quanh các chợ vùng sâu ở An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre...nơi đâu cũng có đủ loại hàng hoá thiết yếu nhưng đa số không có nhãn mác, không tên nhà sản xuất.
Bà Phạm Thị Mơ, kinh doanh hàng gia dụng ở thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú, An Giang) cho biết, bà lấy hàng từ một mối quen về bán lại cho nông dân, chỉ biết mối hàng lấy từ biên giới Tây Nam và thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, thói quen mua hàng của nông dân cũng dễ dãi, hễ thấy giá rẻ, vừa mắt là chấp nhận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn mặt hàng tiêu dùng ở nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long đều do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Các doanh nghiệp này thường có quy mô sản xuất nhỏ, hàng hoá chất lượng thấp nên ít khi họ dán nhãn mác lên hàng hoá. Nhiều doanh nghiệp còn đem về nông thôn sản phẩm tồn kho, hàng lỗi, cũ nhưng không nói rõ điều này với người tiêu dùng. Trong số đó, có không ít doanh nghiệp làm ăn cẩu thả, gian dối...
Người tiêu dùng nông thôn bị thiệt thòi khi mua sắm các mặt hàng máy móc, thiết bị. Hầu hết những loại máy móc dùng trong sản xuất và sinh hoạt như máy gặt, máy sấy, máy bơm, hàng điện tử...đều là hàng nhập từ nước ngoài nên giá rất cao so với thu nhập của nông dân, lại khó ứng dụng vào đồng ruộng nước ta.
Một nông dân ở Cần Thơ mua một máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản với giá 20 triệu đồng. Máy chạy tốt, công suất 2ha/ngày, nhưng muốn gặt lúa phải chờ...nắng lên cho mặt ruộng khô ráo máy mới chịu chạy.
Cần sự gắn kết, phối hợp
Chương trình đưa “hàng Việt về nông thôn” đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức vào tháng 3/2009 tại tỉnh An Giang là khởi đầu đột phá, nhằm mục tiêu đẩy mạnh bán hàng tại thị trường nội địa.
Từ tháng 3 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (BSA) đã phối hợp cùng các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức 5 phiên chợ nông thôn.
Bến Tre là địa phương thứ 5 tổ chức chương trình này lại huyện Mỏ Cày Bắc. Phiên chợ đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt khoảng 400 triệu đồng. Phiên chợ có 38 doanh nghiệp tham gia với những thương hiệu tên tuổi như: Vinatex, Mỹ Hảo, ICP, Kim Hằng, Vissan, Namilux, nhựa gia dụng Duy Tân...
Trong 2 ngày tổ chức phiên chợ tại Bến Tre, các doanh nghiệp tham gia đặt mục tiêu không vì mục đích bán hàng (hầu hết đều chịu lỗ), mà nhằm giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng nên giá bán giảm so với giá thị trường từ 10- 30%.
Ông Võ Văn Thành, Phó Giám đốc Siêu thị Vinatex (Vĩnh Long), nói: So với phiên chợ tổ chức ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) hồi tháng 6, lần này doanh số bán hàng của chúng tôi chỉ đạt 15 triệu đồng, giảm 50%, nhưng thành công là hàng may mặc như Việt Tiến, Việt Thắng, Thành Công, Thắng Lợi...của Vinatex được nông dân Bến Tre biết đến.
Còn Mỹ Hảo, thương hiệu hoá mỹ phẩm tham gia xuyên suốt các phiên chợ, tiếp tục thành công, có trên 600 lượt khách đến mua hàng của Công ty hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo.
Theo Th.S Nguyễn Phạm Thanh Nam (Khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh trường Đại học Cần Thơ), nhu cầu mua hàng Việt của bà con nông dân rất cao nếu giá cả hợp với túi tiền của họ. Các doanh nghiệp cần xem đây là lợi thế trong bối cảnh khủng hoảng. Bên cạnh việc củng cố thị trường xuất khẩu, mở thị trường nông thôn là nhiệm vụ lớn của doanh nghiệp hiện nay.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nói: Hàng nội địa có thế mạnh về giá, phù hợp nhu cầu bình dân của đại đa số người dân, mạng lưới phân phối rộng khắp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, như tính ổn định của chất lượng, tính minh bạch của xuất xứ, mẫu mã, kiểu dáng nghèo nàn, thái độ phục vụ kém, chế độ hậu mãi thấp...
Chủ trương kêu gọi người Việt dùng hàng Việt sẽ thành công nếu có sự phối hợp, gắn kết từ nhiều phía.
Trước hết, các doanh nghiệp cần quan tâm sản xuất hàng hoá chất lượng cao, kiểu dáng, giá cả phù hợp, quảng cáo trung thực và đổi mới phong cách phục vụ, chế độ hậu mãi.
Về phía chính quyền, các hiệp hội cần có sự hỗ trợ về kinh phí quảng bá, xúc tiến nghiên cứu sản phẩm nhằm sản xuất nhiều sản phẩm có chất lượng thay thế hàng ngoại nhập.
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần coi trọng để người dân tin tưởng mình đặt niềm tin đúng chỗ...
Minh Trường
Tổ quốc
|