Chuẩn bị mùa hàng tết: Lo với giá đường
Ngay thời điểm này, một số công ty sản xuất bánh kẹo, thực phẩm cỡ lớn đã xong kế hoạch sản xuất và kinh doanh hàng tết và chuẩn bị thực hiện, trong khi một vài doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất hộ gia đình vẫn còn toan tính. Vấn đề đau đầu nhất của các doanh nghiệp này là giá đường trong nước đang tăng quá cao.
Hàng thực phẩm tết sẽ tăng theo giá đường
Trên thị trường, giá đường bán lẻ đang đứng ở mức cao, từ 14.500 - 15.000đ/kg. Riêng những nhà sản xuất có qui mô lớn vẫn còn giữ được hợp đồng mua đường với giá khoảng 12.500 - 13.000đ/kg, đơn vị sản xuất nhỏ hơn phải chấp nhận giá lên đến 13.500đ/kg. Giá mua sỉ này, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, đã tăng khoảng 3.500 - 4.500đ/kg. Trong cơ cấu giá thành của bánh, kẹo, nước giải khát thì chi phí đường chiếm từ 8 - 20% giá sản xuất. Cộng thêm các yếu tố giá bao bì, bột mì, bơ sữa cũng đang nhích lên, các doanh nghiệp dự báo giá nhóm hàng thực phẩm công nghệ sẽ tăng vào dịp tết.
Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc công ty Bibica nói: “Chúng tôi đã làm xong kế hoạch sản xuất dự trữ hàng bán tết. Dự kiến sản lượng bánh kẹo các loại sẽ tăng khoảng 10%, nhưng vì giá thành bánh tăng 2% và giá thành kẹo tăng 5%, nên giá bán của hàng tết sẽ tăng thêm so với năm trước một chút.”
Giá thực phẩm công nghệ mùa tết sẽ tăng khoảng 5% so với năm ngoái là dự báo được một số doanh nghiệp đưa ra. Ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc công ty nước giải khát Bidrico nhận xét: “Giá đường đã tăng, nhưng hiện nay chưa đơn vị nào dám tăng giá bán sản phẩm vì sức mua đang chậm, thị trường chưa có cơ hội thực hiện tăng giá. Nhưng sau trung thu, chắc chắn sẽ có đợt điều chỉnh và công bố bảng giá hàng tết cho các nhà phân phối, vì với mức tăng giá nguyên liệu đang diễn ra, khó mà chịu đựng lâu dài được.” Nhưng ở khía cạnh khác, nhà sản xuất vẫn lo vì không đoán được sức mua dịp tết này sẽ như thế nào. Ông Hoàng Thọ Vĩnh, giám đốc công ty SNfoods cho biết: "Tôi đang tính toán kế hoạch hàng tết, nhưng thông tin từ một vài nhà phân phối lớn nhất khu vực TP.HCM đang cho thấy sự bi quan. Theo họ, sức mua đang giảm ở các tháng vừa qua, tình hình các công ty xí nghiệp cũng không khả quan, chắc chắn lương thưởng tết cho công nhân khó mà tăng cao, thì tiêu thụ bánh kẹo, nước giải khát mùa tết làm sao tăng nhiều được.”
Giá tăng cao là do giá thế giới!
Nhiều doanh nghiệp ngành đường khẳng định, giá đường bán lẻ trong nước tăng cao hiện nay do thị trường quyết định, không phải ảnh hưởng từ cung - cầu. Ông Võ Thành Đàng, chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, đồng thời là tổng giám đốc công ty cổ phần mía đường Quảng Ngãi phân tích: chỉ trong khoảng một tháng rưỡi, từ giữa tháng 7.2009 đến nay, giá đường thế giới tăng thêm 200 USD, lên gần 595 USD/tấn. Khi giá đường thế giới biến động, lập tức từ nhà máy, đại lý kinh doanh, tiểu thương trong nước đồng loạt nâng giá đường. Theo ông Đàng, việc nâng giá đường tăng tương ứng với giá thế giới là quy luật hội nhập thị trường tự nhiên chứ hoàn toàn không phải do thiếu đường hay đầu cơ.
Theo tính toán của ông Đàng, với mức tiêu dùng đầu người khoảng 10 kg đường/năm, thì việc giá đường tăng thêm vài ngàn đồng cũng không ảnh hưởng lớn lắm đến chi tiêu của mỗi gia đình (?).
Nguồn cung đủ, giá đường cũng vẫn cao!
Hiệp hội mía đường đưa ra con số tồn kho đường đến thời điểm này là trên 100.000 tấn. Trong khi, hiện nay đã có hai nhà máy, một ở Hậu Giang và một ở Tây Ninh, tổng công suất 3.000 tấn mía/ngày, đã vào vụ ép mía. Đến 15.9, tức khoảng 20 ngày nữa, các nhà máy ở ĐBSCL, miền Đông sẽ vào vụ đồng loạt. Như vậy, cùng với sản lượng đường tồn kho, thì việc bổ sung thêm lượng đường mới khi nhà máy vào vụ ép mía sẽ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm 2009, dự kiến khoảng 70.000-80.000 tấn/tháng.
Vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm hiện nay là, khi thị trường có bổ sung thêm đường vụ mới, thì có mua được đường giá rẻ? Câu trả lời từ chính ông chủ tịch Hiệp hội mía đường Võ Thành Đàng là giá sẽ không giảm. Bởi theo ông, giá trong nước vẫn phải so kè với giá thế giới, để doanh nghiệp mua mía của nông dân với giá khoảng 700.000 đồng/tấn (loại 10 chữ đường). Việc mua mía nguyên liệu với giá cao như thế, theo Hiệp hội, vừa giúp nông dân có thu nhập, sống được với nghề trồng mía, vừa duy trì diện tích mía ổn định cho các năm tới.
Theo Tổ chức đường thế giới, niên vụ 2008 - 2009, tổng sản lượng đường thế giới đạt hơn 161,5 triệu tấn, giảm hơn 7 triệu tấn (4,2%) so cùng kỳ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng cả năm ước tính hơn 165 triệu tấn. Nguồn cung khan đẩy giá đường lên cao, đường trắng tại London ngày 25.8 ở mức 595USD/tấn.
Sài Gòn Tiếp thị
|