Thứ Tư, 26/08/2009 17:39

Cần nâng tăng trưởng tín dụng năm 2009 lên 30%

Chính phủ đề ra kế hoạch 21% cho mức tăng tín dụng năm nay nhưng qua 7 tháng đã thực hiện 20%. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm nay là 5% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức trên dưới 30%.

Ông Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, mức tăng tín dụng của năm 2009 phải nâng lên trên dưới 30%.

Theo ông Kiêm, gói kích cầu đã có kết quả, chuyển biến nhưng chưa giải quyết hết  được tất cả yêu cầu của các doanh nghiệp. Ví dụ trước đây nguồn vốn 1.000 tỷ USD (khoảng 17.000 tỷ đồng) thì mới giải quyết được 1/3 yêu cầu vốn, mặc dù Chính phủ đã có thêm một số vốn khác nhưng khả năng đáp ứng vốn còn rất hạn chế.

Thưa ông, dựa trên những tính toán nào để đưa ra mức tăng trưởng tín dụng 30%?

Chúng ta chống suy giảm kinh tế cũng chỉ bước đầu có chuyển biến chứ chưa phải đã thực hiện trọn vẹn và có kết quả vào nền kinh tế. Chính vì thế, giờ phải tiếp tục cần có chỉnh sửa, bổ sung, việc đầu tiên là mức vốn tín dụng. Trước đây, chúng ta đặt ra kế hoạch 21% cho mức tăng tín dụng năm nay nhưng qua 7 tháng chúng ta đã thực hiện 20%. Vừa qua, Chính phủ định nâng lên 27%, nhưng theo tôi mức này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm, trước hết là những đơn vị có đủ điều kiện có cơ hội phát triển nhưng giờ đang thiếu vốn thì phải đáp ứng vốn để khôi phục vượt qua khó khăn. Theo đó, mức tăng tín dụng phải nâng lên trên dưới 30%.

Đưa ra mức tăng này theo tôi có hai căn cứ cơ bản: thứ nhất là do yêu cầu của nền kinh tế, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm nay là 5%. Thứ hai là các đơn vị đang được hưởng ưu đãi lãi suất, nếu mặt bằng chung của lãi suất hiện nay là 6/10% (tức là giảm gần một nửa). Khi nền kinh tế được khôi phục thì chúng ta phải thực hiện việc cho vay bình thường nhưng nếu để hẫng từ 6% lên 10% rồi 12% thì doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, kể cả ngân hàng sẽ rất khó khăn trong việc chống đỡ những hụt hẫng và khả năng thanh khoản.

Giải pháp đưa ra là phải có những gói kích cầu tiếp hoặc là cách xử lý tiếp để xuống thang dần, giúp doanh nghiệp thích nghi và dần ổn định, để khi bỏ ưu đãi lãi suất không bị hụt hẫng, rủi ro…

Việc tăng tín dụng thì có lo ngại tái lạm phát tăng cao, thưa ông?

Lo ngại này là hoàn toàn đúng, vì nếu đưa một lượng tín dụng lớn như vậy và không tìm cách rút về hoặc không tạo được nguồn hàng hoá tương ứng hoặc không quản lý lãi suất, tỷ giá phù hợp thì tạo sức ép mới, đặc biệt lạm phát trở lại.

Khi đề ra giải pháp này chúng ta đã phải có những chú ý, đề phòng lạm phát trở lại. Ví dụ như phải kiểm soát chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, hiệu quả, cho những nơi sử dụng nhiều lao động, tạo thu nhập, việc làm vay. Tất cả những điều này tạo ra nguồn hàng cân đối lại, tạo sức mua để thu tiền về. Bên cạnh đó, chúng ta còn có những động tác thu tiền về bằng những biện pháp phi hàng hoá như phát hành trái phiếu, các hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp… Cách điều hành như vậy đã thể hiện tốt trong 7 tháng qua. Năm nay, Quốc hội dự kiến lạm phát ở mức dưới 2 con số, khả năng chúng ta còn thực hiện được dưới mức này và kiểm soát được tình hình.

Vấn đề lạm phát trở lại là có thực nhưng không đáng lo ngại đến mức mà chúng ta cần có những động tác xử lý ngay mà chỉ đề phòng, ngăn ngừa. Khả năng năm nay, lạm phát sẽ dừng ở mức trên dưới 7%.

Mọi chính sách đều có độ trễ. Liệu tăng tín dụng năm 2009 có ảnh hưởng tới lạm phát 2010, thưa ông?

Đúng là mọi chính sách đều có độ trễ. Nếu phán đoán đúng thì đầu 2010 nền kinh tế thế giới và trong nước sẽ ở tình trạng ổn định và đòi hỏi về lượng vốn ra rất lớn để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng. Lo ngại của chúng ta là về ảnh hưởng của độ trễ chính sách và yêu cầu của tình hình mới. Nhưng chúng ta cần có biện pháp xử lý, đề phòng chứ không thụ động. Hiện nay, chúng ta đang tập trung cho mục tiêu chống suy giảm, tập trung đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và giữ cho nền kinh tế ổn định.

Còn giải pháp ngăn ngừa lạm phát trở lại thì chúng ta đã và đang thực hiện rồi khi nó xảy ra thì chúng ta có những biện pháp tương ứng để xử lý dứt điểm.

Vậy theo ông, từ nay tới cuối năm chúng ta cần thực hiện một chính sách tiền tệ như thế nào và lãi suất cơ bản nên điều chỉnh ra sao?

Với tình hình này thì lãi suất cơ bản từ nay đến cuối năm cơ bản giữ nguyên và việc điều hành lãi suất cần theo hướng ổn định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, ổn định tình hình, vượt qua được khó khăn, thực hiện kế hoạch năm nay tốt nhất. Còn sau đó diễn biến như thế nào thì chúng ta tiếp tục có biện pháp ứng phó.

Thưa ông, hiện nay có một thực tế là ngân hàng thương mại thừa USD, thiếu VND. Phải chăng việc điều hành chính sách tiền tệ của chúng ta có vấn đề?

Tất cả những đồng tiền doanh nghiệp làm ra qua xuất khẩu và thu được gửi trên tài khoản là quyền của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã không bán ra do sợ lạm phát trở lại, cộng với phán đoán đồng USD tăng lên nên dự trữ, giữ lại kiếm lời. Tất nhiên phán đoán này không có cơ sở, không có thông tin chính thức, từ đó ngân hàng không hình thành được vốn chuyển từ nội tệ sang ngoại tệ và ngược lại. Thừa ngoại tệ, thiếu nội tệ, thừa ngoại tệ trên tài khoản nhưng thiếu ngoại tệ để bán ra ngoài là thực tế vì có hiện tượng găm giữ, người có thì không bán còn người mua cứ phải yêu cầu, người chưa cần đến thì giữ lại hoặc tiếp tục săn lùng để mua….

Thứ nữa, vì chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ nên có thể có những đơn vị lợi dụng vay VND để mua ngoại tệ. Vì đã làm kinh doanh thì kể cả tư nhân, hay nhà nước đều phải tính cái gì có lợi nhất thì làm. Khi thấy rằng, chênh lệch quá cao thì doanh nghiệp phải đảm bảo cái lợi cho mình.

Để giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết tận gốc vấn đề cung-cầu ngoại tệ, nội tệ, cung - cầu này phải phản ảnh đúng thực chất, không bị ảo, không có yếu tố tâm lý chi phối. Thứ hai, tỷ giá-lãi suất phải điều chỉnh hợp lý, không để những bất hợp lý để người ta lợi dụng; Thứ ba là chống tâm lý (đồn thổi nâng lên một cách vô lý làm cho thị trường ảo, rối lên).

Nhưng thực tế là Nhà nước thu mua ngoại tệ với tỷ giá lại thấp hơn thị trường tự do?

Một số thời kỳ cung - cầu ngoại tệ không đáp ứng nên tỷ giá trên thị trường tự do vẫn cao hơn thị trường chính thức, nhiều người lợi dụng thường bán ngoại tệ để kiếm lời. Để giải quyết thực tế này thì cần có cơ chế, có thể dùng kinh tế và biện pháp hành chính. Nếu Nhà nước đáp ứng cho doanh nghiệp về ngoại tệ thì khi anh có ngoại tệ phải bán cho Nhà nước chứ không thể đem ra thị trường bán kiếm lời.

Xin cảm ơn ông!/.

Lãi suất cơ bản tiếp tục giữ ở mức 7%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu vừa có quyết định số 2024 về việc giữ nguyên mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam ở mức 7%/năm từ ngày 1/9/2009.

Cũng từ thời điểm này, mức lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 7,0%/năm còn lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 5,0%/năm.

Mức lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng được quy định là 7,0%/năm

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 8 tháng qua, kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%; tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát và khống chế tăng chỉ số giá tiêu dùng thì mức lãi suất cơ bản giữ ở 7%/năm là hợp lý./.

Vũ Hạnh

VOV

Các tin tức khác

>   Kết quả đấu thầu TPCP phát hành bằng ngoại tệ kỳ hạn 2 năm (26/08/2009)

>   Standard Chartered VN đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối (26/08/2009)

>   Lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam duy trì 7%/ năm (26/08/2009)

>   Tọa đàm về các sản phẩm tài chính của ADB (26/08/2009)

>   Standard dự báo tiền đồng không giảm nhiều trong ngắn hạn (26/08/2009)

>   Ngân hàng lo vốn dài hạn (26/08/2009)

>   "Ngân hàng Nhà nước chưa có chủ trương nào cụ thể" (26/08/2009)

>   Hỗ trợ lãi suất: Thông quyết định, tắc thủ tục ! (26/08/2009)

>   Sáng 26/08, thị trường vàng ít sóng (26/08/2009)

>   Ngân hàng rà soát lại các khoản cho vay (26/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật