Thứ Tư, 26/08/2009 10:26

Ngân hàng rà soát lại các khoản cho vay

Chỉ vài tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức tăng trưởng dư nợ tín dụng xuống còn 25-27%, rất nhiều ngân hàng đã thận trọng hơn trong việc cho vay. Ngay cả tín dụng hỗ trợ lãi suất cũng bắt đầu giảm.

Kiểm soát chặt hơn để đáp ứng yêu cầu

Nếu như 6 tháng đầu năm 2009, dư nợ tín dụng đầu tư ra nền kinh tế luôn tăng trưởng cao hơn tốc độ huy động vốn (vốn huy động 6 tháng đầu năm tăng 16,2% so với cuối năm 2008; còn tín dụng đối với nền kinh tế tăng 17,01% so với cuối năm trước) thì thống kê của NHNN tháng 7 cho thấy, dư nợ tín dụng bắt đầu chững lại và tốc độ tăng chậm hơn tổng vốn huy động.

Cụ thể, số dư tiền gửi của khách hàng tại các NH vừa được NHNN đưa ra, tháng 7.2009 ước tăng 2,75% so với cuối tháng trước và tăng 20,92% so với cuối năm trước. Trong khi, tín dụng đầu tư cho nền kinh tế tháng 7.2009 chỉ ước tăng 2,15% so với cuối tháng trước.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trên đà giảm dần, với mức tăng tháng 7.2009 của toàn ngành NH là 2,75%, trong khi đó tháng 6 là trên 3% và tháng 5 trước đó có mức tăng trên 4,2%. Sở dĩ tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giảm dần kể từ thời điểm tăng mạnh nhất là tháng 4.2009, theo lý giải của các NH, là ảnh hưởng bởi chính sách hạ mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng của NHNN kể từ đầu tháng 7.2009. Vì vậy, các nhà băng phải điều chỉnh dần tốc độ tăng trưởng dư nợ.

Đáng chú ý là với tín dụng cá nhân ngày càng được các NH "siết" chặt hơn. Đơn cử tại DongA Bank, chương trình cho vay 24 phút được đẩy mạnh trong 4 tháng trước thì hiện bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - Phó TGĐ NH - cho biết, với chủ trương kiểm soát chặt tín dụng của NHNN vừa được đưa ra và chủ trương trong năm nay của NH là "chất lượng và bền vững" nên DongA Bank bắt đầu rà soát lại các khoản vốn cho vay (cả cá nhân cũng như DN), sàng lọc lại khách hàng và điều chỉnh tín dụng không tăng trưởng ở mức cao.

Theo đó, DongA Bank chỉ tăng khoản vốn cho vay đối với những khách hàng tốt và thu hẹp việc cung ứng vốn nếu việc vay vốn không còn khả thi. Do đó, theo bà Vân, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của DongA Bank tính đến cuối tháng chỉ mới đạt trên 20%. Trong khi trước đó, tính đến tháng 5.2009, tốc độ tăng trưởng tín dụng của DongA Bank là 30%.

Có thể nói, khác với sự ồ ạt và đẩy mạnh cho vay đối với tín dụng cá nhân 6 tháng đầu năm thì hiện các NH bắt đầu tỏ ra thận trọng. Chất lượng tín dụng tiêu dùng, nhất là với cầm cố CK và cho vay bất động sản được NH kiểm soát chặt hơn và điều kiện tín dụng đưa ra cao hơn.

Đại diện Abbank cho biết, hiện NH không có chủ trương đẩy mạnh cho vay cầm cố CK và kể cả tín dụng bất động sản, tiêu dùng cũng không mạnh tay như 6 tháng đầu năm 2009. Dù vẫn biết tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh sẽ mang lại nguồn thu lớn cho NH (được thực hiện lãi suất cho vay thỏa thuận trên mức trần 10,5%/năm), song với các NH trong lúc này không thể làm trái chủ trương đưa ra của NHNN là kiểm soát chặt tín dụng cá nhân.

Cần tiếp tục đẩy mạnh kích cầu

Với tín dụng hỗ trợ lãi suất (HTLS), khác với sự ồ ạt của 6 tháng trước đây, hiện các nhà băng cũng thận trọng cao hơn. Trong đó, không ít NH đã hạn chế cho vay để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như hạn chế rủi ro. Dẫn đến, dư nợ tín dụng cho vay HTLS ngày một giảm dần. Đặc biệt là với tín dụng HTLS trung và dài hạn theo chủ trương tại Quyết định 497 của Chính phủ hiện chỉ mới có 7/37 NHTM triển khai cho vay và dư nợ ở mức rất thấp. Báo cáo mới nhất của NHNN tuần qua cũng cho thấy mức tăng trưởng dư nợ cho vay HTLS bằng VND có mức tăng giảm dần.

Theo Sacombank, tín dụng tăng trưởng trong tháng 6.2009 của NH này cao hơn xấp xỉ 3.000 tỉ đồng so với tháng 5 thì sang tháng 7.2009, NH này chỉ giải ngân cao hơn 2.000 tỉ đồng so với tháng 6. Tính đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng của Sacombank đạt 49.820 tỉ đồng. Có thể nói, với chủ trương kiểm soát chặt tín dụng của NHNN kể từ khi hạ mục tiêu kiểm soát tăng trưởng từ 30% xuống còn 27%, các NH đều tỏ ra thận trọng.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, để kích thích được nền kinh tế phát triển và tránh mất đà phục hồi cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách HTLS, kích cầu. Ông Lịch cho rằng, nhờ chính sách HTLS, các DN đã tránh khỏi việc đối mặt với nguy cơ phá sản, sa thải công nhân. Họ đã duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như đẩy mạnh hoạt động sau một năm (2008) chịu nhiều khó khăn. Mặt khác, với chính sách HTLS theo chủ trương trên đã tạo điều kiện cho NH phát triển tín dụng.

Tuy nhiên, theo ông Lịch, cần có sự xem xét lại đối tượng khách hàng cũng như mức lãi suất hỗ trợ và có thể điều chỉnh mức lãi suất hỗ trợ từ 4% xuống còn 2%/năm, đồng thời nên xem xét để thu hẹp đối tượng được hưởng mức hỗ trợ. Vì hiện các DN đã phần nào giảm bớt khó khăn. Song với các đối tượng được hưởng HTLS trong gói vốn thứ hai trung và dài hạn theo chủ trương tại Quyết định 497/QĐ-TTg là nông dân ở khu vực nông thôn cũng như các làng nghề cần được mở rộng hơn. Bởi nếu gói vốn HTLS kích cầu thứ 2 này tạo được điều kiện cho các làng nghề tại khu vực nông thôn sẽ rất tốt, từ đó tạo được việc làm cho người lao động.

Vi Nguyễn

lao động

Các tin tức khác

>   Ngân hàng hậu suy thoái: "Chạy đua" tăng vốn, lên sàn (26/08/2009)

>   Thuế TNCN từ giao dịch BĐS: Nhiều kẽ hở, dễ thất thu (26/08/2009)

>   Miễn thuế thu nhập cá nhân ra sao? (26/08/2009)

>   Quản lý sàn vàng: Vẫn đang chờ quy chế (25/08/2009)

>   Khủng hoảng tài chính và các vấn đề chính của SEACEN trong thời gian tới (25/08/2009)

>   Trầm lắng thị trường trái phiếu (25/08/2009)

>   TPHCM: Tám tháng, huy động tăng nhanh hơn tín dụng (25/08/2009)

>   ADB xem xét cho vay giải quyết khủng hoảng (25/08/2009)

>   Bảo hiểm nhân thọ lên chiến lược mở rộng mạng lưới (25/08/2009)

>   Cuộc chiến thị phần và nhân sự (25/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật