Cuộc chiến thị phần và nhân sự
Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trên thị trường Việt Nam hiện tại là 12. Con số này có lẽ đã là đủ cho mức độ phát triển của thị trường? Những thông tin về việc cơ quan quản lý có thể cấp phép thêm những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới dường như không khiến các doanh nghiệp trên thị trường quá bận tâm.
Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Vietnam, ông Takashi Fujii tỏ ra rất bình thản rằng: "Thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam thì đương nhiên là có nhiều công ty nhòm ngó và việc có thêm các doanh nghiệp mới chỉ là vấn đề thời gian".
Nguyên tắc thị trường…
Một vị quan chức thuộc Bộ Tài chính cho biết, hiện vẫn có khá nhiều hồ sơ xin thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đương nhiên, các điều kiện để tham gia thị trường đã có và "tới khi nào các công ty đáp ứng đủ các yêu cầu của cơ quan quản lý thì sẽ được cấp phép".
Dĩ nhiên, nhìn vào một thị trường với dân số trên 80 triệu người, nền kinh tế phát triển với tốc độ cao nhất nhì châu Á thì rõ ràng là một tiềm năng không thể bỏ qua.
Với một quy chế cấp phép rõ ràng và minh bạch, thị trường đã mở cửa từ nhiều năm, rõ ràng, việc cấp phép các công ty bảo hiểm mới chỉ là vấn đề thời gian. Hiện nay, mức vốn tối thiểu của một công ty bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng.
Từ góc nhìn của một chuyên gia lâu năm, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm tỏ ra lo ngại rằng, việc cấp phép thêm công ty bảo hiểm nhân thọ mới sẽ khiến thị trường cạnh tranh quá nóng.
Ông Lộc cho rằng hiện nay, với 12 công ty (bao gồm cả liên doanh Vietcombank-Cardiff được cấp phép từ cuối năm 2008), mức độ cạnh tranh đã là rất gay gắt.
Tuy nhiên, đã mở cửa thị trường thì phải theo nguyên tắc thị trường. Về mặt lý thuyết, càng có nhiều công ty tham gia thì người dân càng có lợi, càng có điều kiện tiếp cận sản phẩm tốt hơn.
Một đặc điểm nổi bật của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là "chỉ số tập trung" rất cao so với các thị trường khác. Chỉ riêng 5 công ty lớn nhất thị trường là Prudential, Dai-ichi Life Vietnam, Manulife, AIA và Bảo Việt đã chiếm tới trên dưới 90% thị phần. Theo kinh nghiệm tại các thị trường có "chỉ số tập trung" cao như Singapore hay Đài Loan, các công ty nhỏ thường đưa ra những sản phẩm rất mới và thường có tỷ suất lợi nhuận khá cao. Theo vị lãnh đạo của Bộ Tài chính, xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Điều này có lẽ cũng nên nhìn nhận là một yếu tố tích cực cho khách hàng.
Nhìn từ góc độ các công ty bảo hiểm, rõ ràng xâm nhập một thị trường có sự phân hoá cao như Việt Nam không phải dễ dàng. Đầu năm 2007, có lẽ không ai có thể quên sự kiện hãng bảo hiểm lớn của Mỹ là New York Life đã xin rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau khi đã được cấp phép hoạt động.
…và vấn đề nhân sự
Tương tự như nhiều ngành khác, nhân sự có lẽ là một vấn đề đau đầu với nhiều công ty bảo hiểm hiện nay.
Ông Fujii cho biết, đành rằng thị trường còn nhiều tiềm năng và phát triển rất nhanh, chỉ có một lo ngại nhỏ về nguồn nhân sự cho ngành bảo hiểm hiện chưa thể theo kịp tốc dộ phát triển. Có nghĩa là việc mở rộng hoạt động của các công ty trên thị trường đã gặp khó khăn về nhân sự, chứ chưa nói tới nhu cầu nhân sự phát sinh thêm khi có các công ty thành lập mới.
Có những câu chuyện như công ty bảo hiểm X mới được thành lập đã tìm mọi cách "câu" người từ công ty Y đã hoạt động. Việc "rút ruột" này nhiều đến mức giới bảo hiểm tại TP. HCM đã "đặt biệt danh" cho công ty X là công ty Y'.
"Do vậy, việc có thêm các công ty bảo hiểm mới có thể gây thêm xáo trộn thị trường khi mà các công ty bảo hiểm mới phải tìm cách "câu" nhân sự từ các công ty đã hoạt động trên thị trường", ông Fujii nhận định.
Vũ Giang
đầu tư chứng khoán
|