Thứ Ba, 25/08/2009 21:26

Trầm lắng thị trường trái phiếu

Trái phiếu được xem là một trong những công cụ hút tiền từ lưu thông về, đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả đối với Chính phủ và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động của thị trường trái phiếu còn manh mún, rời rạc và khá trầm lắng, ngay cả đối với trái phiếu Chính phut vốn được coi là rất an toàn.

Tính tới cuối năm 2008, tổng lượng trái phiếu lưu hành của Việt Nam chỉ bằng 14,2% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực luôn ở mức cao, như Singapore: 66,8%, Thái Lan: 52,4%, hay Philippin: 34,2%...

Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị trái phiếu trên thị trường. Theo số liệu tổng hợp tính đến cuối năm 2008, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp mới đạt 5,84 trong tổng tổng lượng trái phiếu lưu hành của Việt Nam.

Trong khi đó, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trong tổng giá trị trái phiếu trên thị trường ở các nước trong khu vực là: Philippin: 10,68%, Malaysia: 83,57%, Singapore: 76,72%...

Đánh giá về nguyên nhân, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bắt nguồn từ việc thị trường trái phiếu Việt Nam là một trong những thị trường non trẻ và đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển.

Trên thực tế, đến ngày 17/8 vừa qua Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) với mục đích là thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu và các công cụ nợ khác tại Việt Nam, mới chính thức được thành lập.

Năm 2008, tổng lượng trái phiếu lưu hành của Việt Nam chỉ bằng 14,2% GDP.

Dù chiếm tỷ trọng chủ yếu trên thị trường, song trái phiếu Chính phủ tại các phiên đấu thầu từ đầu năm 2009 đến nay hầu như không đạt được mục tiêu thu hút tiền từ lưu thông đề ra.

Mới đây, ngày 11/8/2009, 3000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành, có 4 thành viên tham gia đấu thầu, tổng số tiền đăng ký là 185 tỷ đồng, lãi suất đăng ký thấp nhất là 9,50%/năm; lãi suất đăng ký cao nhất là 10,60%/năm, trong khi đó lãi suất trúng thầu chỉ là 9,10%/năm. Do vậy, kết quả đã không có đơn vị nào trúng thầu cả.

Trước đó, ngày 29/5/2009, trong một phiên đấu thầu trái phiếu 500 tỷ đồng cũng không ai thành công do bên bán đặt lãi suất trần cao nhất chỉ 8,5%, trong khi lãi suất kỳ vọng mà các bên mua yêu cầu thấp nhất là 9,25%. Và đương nhiên, giao dịch đấu thầu đã không thể thành công.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm 2009 đến nay Kho bạc Nhà nước đã có 6 lần đấu thầu trái phiếu với khối lượng lớn nhưng chỉ bán được khoảng 100 tỷ đồng còn lại đa số là thất bại.

Tương tự, Ngân hàng Chính sách xã hội 5 lần đấu thầu, Ngân hàng Phát triển 3 lần tổ chức đấu thầu nhưng số tiền thu về đều bằng 0.

Giải ngân yếu

Không những thu hút thông qua phát hành trái phiếu đạt thấp, mà việc giải ngân nguồn vốn ít ỏi này cũng không đơn giản.

Theo tính toán của Chính phủ, với 36.000 tỷ đồng vốn trái phiếu theo kế hoạch, cùng với 20.000 tỷ đồng bổ sung và gần 8.000 tỷ đồng từ năm 2008 chuyển sang, tổng vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ lên tới 64.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2008.

Theo kế hoạch, số vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 được bố trí cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó giao thông: 8.300 tỷ đồng, thuỷ lợi: 4.200 tỷ đồng, giáo dục: 5.500 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 9.826,5 tỷ đồng, bằng 27,3% kế hoạch giao, trong đó giải ngân các dự án do Trung ương quản lý đạt 6.640 tỷ đồng, bằng 39,4% kế hoạch; giải ngân các dự án do địa phương quản lý đạt 3.186,5 tỷ đồng, bằng 16,6% kế hoạch.

Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, nguồn lực từ trái phiếu Chính phủ tập trung chủ yếu phát triển cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm...góp phần tạo ra nhiều việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ban Tư vấn tiền tệ quốc gia: Phát hành thành công mà không giải ngân được, giải ngân chậm hay giải ngân vào những công trình không hiệu quả sẽ gây ra thất thoát, lãng phí lớn, đồng thời tạo sức ép lên lạm phát.

Chưa hấp dẫn

Lý giải nguyên nhân của sự ảm đạm trên thị trường trái phiếu, ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cho biết: Liên tiếp có những đợt phát hành trái phiếu không thành công là do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thị trường là quan trọng. Lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng luôn có xu hướng tăng lên kèm theo đó là lo ngại về nguy cơ lạm phát trở lại đã khiến thị trường trái phiếu kém hấp dẫn, đông thời các nhà đầu tư luôn tính tới % rủi ro.

Ông Cao Sỹ Kiêm, cho rằng, thời gian qua kết quả của các đợt phát hành trái phiếu chưa như mong đợi là vì thực hiện trong điều kiện chưa hội tụ đủ các điều kiện cần thiết.

Bên cạnh đó, việc giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn trái phiếu cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

“Theo tôi, vấn đề mấu chốt vẫn là lãi suất chưa thực sự hấp dẫn”- ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Còn theo ông Hoàng Huy Hà, Chủ tịch VBMA: “Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay chưa phát triển nên các quy định cụ thể về phát hành trái phiếu cho từng doanh nghiệp cũng như các quy định về phát hành trái phiếu của các đơn vị tư vấn bảo lãnh còn nhiều điểm khác biết, không thống nhất và chưa chuẩn hoá”.

Hiện, Việt Nam có hơn 500 loại trái phiếu, phát hành thành nhiều lô nhỏ, ngày phát hành khác nhau, ngày đến hạn khác nhau. Do vậy, nhiều khi một nhà đầu tư mua một lô trái phiếu và giữ rịt lại, lập tức chúng không thể giao dịch được cho đến khi đến hạn thanh toán.

Thực tế này không chỉ làm cho tính thanh khoản của thị trường thấp mà còn khó hình thành đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường vốn.

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững thị trường trái phiếu, cần nhanh chóng cơ cấu lại danh mục trái phiếu, cần bảo đảm khả năng thanh khoản của trái phiếu cho nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng; từng bước phát triển thị trường mua đi bán lại.

Nguyễn Thành

Tổ Quốc

Các tin tức khác

>   TPHCM: Tám tháng, huy động tăng nhanh hơn tín dụng (25/08/2009)

>   ADB xem xét cho vay giải quyết khủng hoảng (25/08/2009)

>   Bảo hiểm nhân thọ lên chiến lược mở rộng mạng lưới (25/08/2009)

>   Cuộc chiến thị phần và nhân sự (25/08/2009)

>   Vàng quay đầu giảm giá mạnh (25/08/2009)

>   Áp thuế Thu nhập DN 10% cho các hoạt động lĩnh vực xã hội hóa (25/08/2009)

>   "Nhà băng tăng lãi suất huy động là do thị trường chi phối" (25/08/2009)

>   Xu hướng ngân hàng liên kết cùng phát triển (25/08/2009)

>   Dần tiến tới dùng thẻ chip (25/08/2009)

>   Doanh nghiệp vay ngoại tệ nhiều hơn (24/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật