Thứ Ba, 25/08/2009 21:52

Khủng hoảng tài chính và các vấn đề chính của SEACEN trong thời gian tới

Các nền kinh tế SEACEN* ít hay nhiều đều bị tác động của những xáo trộn tài chính toàn cầu hiện nay. Ngân hàng trung ương và các cơ quan hoạch định chính sách của các nước này đang phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng là xây dựng các quy chế mới. Tại Hội nghị Lãnh đạo các Cơ quan giám sát các nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương SEACEN lần thứ 11 tại Bangkok vào ngày 29/7, ông Bandid Nijathaworn - Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã có bài phát biểu, trong đó phân tích nguyên nhân khủng hoảng tài chính, kinh nghiệm của Thái Lan và một số vấn đề chính của SEACEN trong thời gian tới. Bài viết xin trình bày lại các nội dung này:

1. Nguyên nhân của khủng hoảng tài chính

Theo một nghiên cứu nổi tiếng năm 2008 của Reinhart và Rogoff thì kể từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 19 các cuộc khủng hoảng tài chính mang nhiều nguyên nhân chung. Trong đó chủ yếu là nguyên nhân về mất cân đối kinh tế vĩ mô, vai trò của những luồng vốn lớn và liên tục, bong bóng giá tài sản và bùng nổ tín dụng. Mặc dù cuộc khủng hoảng hiện nay khác cuộc khủng hoảng tài chính châu Á về tác động, quy mô, và vai trò của những đổi mới tài chính, nhưng cả hai cuộc khủng hoảng đều mang những nguyên nhân chung được nêu ở trên.

Chẳng hạn như nguyên nhân do giá tài sản và bùng nổ tín dụng, tại Mỹ trong thời gian 2002 - 2006 giá nhà đất tăng hơn 40%, và tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là các khoản cho vay cầm cố tăng nhanh trong cùng khoảng thời gian này. Ở Đông Á trước cuộc khủng hoảng năm 1997 cũng có những dấu hiệu này. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, bùng nổ chứng khoán hóa và nới lỏng chính sách tiền tệ tại Mỹ đã giúp tài trợ cho tăng trưởng tín dụng, còn ở cuộc khủng hoảng châu Á, chính dòng vốn vào lớn dưới dạng vay trực tiếp đã tài trợ cho tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, tiêu chuẩn bao mua thấp của các ngân hàng đều đóng một vai trò quan trọng.

2. Một số kinh nghiệm của Thái Lan

Sau khủng hoảng tài chính châu Á, cải cách tài chính trở thành ưu tiên hàng đầu của Thái Lan sau khi đã phục hồi và ổn định tài chính vào những năm đầu thế kỷ 21, với việc tập trung vào các quy chế thận trọng và quản lý rủi ro hiệu quả. Thái Lan đã thông qua cách tiếp cận thận trọng vĩ mô vào những năm đầu của thế kỷ 21, với việc nhìn nhận mối liên quan hệ thống giữa hệ thống tài chính và các điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng mở, đồng thời tận dụng những lợi thế sẵn có của các tổ chức khi tiếp tục thực hiện giám sát chính sách tiền tệ và các tổ chức tài chính. Do đó, từ năm 2003 đến 2006, một loạt các biện pháp thận trọng vĩ mô đã được đưa ra nhằm hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng lúc đó, đặc biệt là vay qua thẻ tín dụng và vay cầm cố. Các biện pháp ngăn ngừa được đưa ra bao gồm đặt ra giới hạn đối với tỷ lệ khoản vay và giá trị tài sản cầm cố, nâng yêu cầu hoàn trả tối thiếu đối với thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân, tăng cường các quy định về nợ xấu theo các tiêu chuẩn đánh giá của IAS 39. Nhìn lại có thể thấy các biện pháp này đã rất hiệu quả trong việc hạn chế lực đòn bẩy quá mức và giảm tình trạng nợ nần của các hộ gia đình, từ đó giúp duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính trong nước.

Giám sát dựa trên rủi ro là một động lực chính để tăng cường công tác quản lý rủi ro tại các tổ chức tài chính của Thái Lan. Luật ngân hàng trung ương và các tổ chính tài chính đã được xem xét lại toàn bộ để theo kịp với tính phức tạp tăng lên của hệ thống tài chính. Đạo luật về hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính mới được ban hành vào tháng 8/2008 đã trao cho Ngân hàng Trung ương Thái Lan thẩm quyền quản lý các ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng theo quy chế giám sát tập đoàn. Hơn nữa, quản lý rủi ro và công tác quản lý của các tổ chức tài chính cũng được tăng cường. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc xây dựng mục tiêu chiến lược và chính sách của ngân hàng mình, đồng thời hướng dẫn về quản lý doanh nghiệp và báo cáo việc bổ nhiệm ban lãnh đạo ngân hàng theo quy định về người đủ tiêu chuẩn đã được ban hành. Các tổ chức tài chính đã phản ứng tích cực với những thay đổi này vì những thay đổi này góp phần tạo nên một hệ thống tài chính mở, có trách nhiệm và minh bạch hơn.

Với những biến động trong hệ thống tài chính, quản lý rủi ro và giám sát rủi ro phải hướng tới tương lai và nhìn nhận sai số trong các mô hình quản lý rủi ro. Do đó, tiếp cận thận trọng là phương thức hợp lý. Cũng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thử độ căng” như là một công cụ để quản lý và giám sát. Hiện nay, “thử độ căng” đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình giám sát tại Thái Lan. Theo kinh nghiệm đúc rút được, thử độ căng là một công cụ thực sự hữu ích, giúp đối thoại với các ngân hàng để xác định các yếu kém tiềm tàng của các ngân hàng theo cách thức tiếp cận tương lai, cũng như giúp cảnh báo ban lãnh đạo các ngân hàng sớm thực hiện những hành động sửa chữa cần thiết.

Với việc thực hiện thận trọng vĩ mô và tập trung giám sát nâng cao nghiệp vụ quản lý rủi ro của các ngân hàng, đến thời điểm hiện tại các tổ chức tài chính của Thái Lan vẫn chống đỡ được với những tác động của biến động tài chính toàn cầu.

3. Một số vấn đề chính của các nước khu vực SEACEN trong thời gian tới

Trong tương lai, theo ông Bandid Nijathaworn, khi hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu phục hồi, những vấn đề chính trong khu vực SEACEN sẽ bao gồm:

- Các luồng vốn vào lớn và mối quan hệ tới khả năng quản lý rủi ro của hệ thống tài chính;

- Vấn đề “cùng chiều chu kỳ kinh tế” và phương thức để hạn chế một cách hiệu quả tính cùng chiều chu kỳ kinh tế thông qua quy chế và giám sát ngân hàng;

 - Quản lý những tác động xuyên biên giới có thể gây nên rủi ro hệ thống.

Trước hết về luồng vốn, trong tương lai gần các thị trường mới nổi với triển vọng tăng trưởng khả quan hơn có thể nhận được luồng vốn vào phục hồi mạnh khi cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay đi qua. Do luồng vốn vào lớn được biết đến như là một trong những nguyên nhân chính gây nên nhiều cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ, nên việc chuẩn bị cho hệ thống tài chính kinh tế thực hiện vai trò điều phối trung gian đối với luồng vốn này và quản lý được những rủi ro liên quan nhằm duy trì ổn định tài chính sẽ trở thành thách thức hàng đầu và quan trọng nhất đối với các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách của các nước ASEAN. Trước đây đã xảy ra hiện tượng do luồng vốn vào mạnh và thanh khoản dồi dào, các ngân hàng có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bao mua và điều này đã thúc đẩy hình thành bong bóng giá tài sản. Vì vậy, trong thời gian tới, nghiệp vụ quản lý rủi ro của các ngân hàng phải tiếp tục được tăng cường và các nhà quản lý phải sẵn sàng sử dụng sớm các biện pháp vĩ mô thận trọng cần thiết để giảm thiểu các rủi ro. Điều này có nghĩa là các tiêu chuẩn tín dụng và các quy định về vốn ngân hàng vẫn phải tiếp tục thận trọng bất kể trạng thái dư thừa thanh khoản.

Thứ hai, kể từ khi bắt đầu khủng hoảng, tín dụng suy giảm làm các hoạt động kinh tế bị chậm lại, đã có một số đề nghị giải quyết vấn đề “cùng chiều chu kỳ kinh tế”. Cho đến nay tranh luận vẫn còn để ngỏ. Các vấn đề hiện nay bao gồm từ sự lựa chọn giữa việc để cho các ngân hàng tự quyết về vốn của mình hay phải tuân theo các quy định, đến tỷ lệ đòn bẩy, và cách thức thực hiện các biện pháp hiệu quả trong bối cảnh một hệ thống tài chính không phức tạp – chính là trường hợp của các nước SEACEN. Về vấn đề này, theo quan điểm của ông Bandid Nijathaworn, việc các cơ quan giám sát và các ngân hàng tích cực thực hiện “thử độ căng” có thể giúp quản lý được các tác động của xu hướng cùng chiều chu kỳ kinh tế.

Cuối cùng, sau khủng hoảng thì tính phức tạp và mối quan hệ tương tác xuyên biên giới của hệ thống tài chính sẽ tiếp tục tăng chứ không giảm. Mặt khác, cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả và đúng đắn trên toàn cầu đối với mối tương tác xuyên biên giới này vẫn còn đang trong quá trình phát triển, trong khi trao đổi thông tin và hợp tác giữa các cơ quan quản lý, giám sát hiện nay vẫn còn hạn chế. Rõ ràng là nếu việc trao đổi thông tin và hợp tác giữa các cơ quan giám sát không được cải thiện đáng kể thì việc lan rộng của các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai sẽ rất khó được ngăn chặn hiệu quả.

Các nước SEACEN có cùng chung các thách thức và thông qua trao đổi quan điểm, cùng nỗ lực hợp tác, các nước SEACEN sẽ trở nên mạnh hơn để cùng giải quyết những khó khăn của mình.

(SEACEN viết tắt của The South East Asian Central Banks – Ngân hàng trung ương các quốc gia Đông Nam Á)

Lan Hương (Theo BIS)

SBV

Các tin tức khác

>   Trầm lắng thị trường trái phiếu (25/08/2009)

>   TPHCM: Tám tháng, huy động tăng nhanh hơn tín dụng (25/08/2009)

>   ADB xem xét cho vay giải quyết khủng hoảng (25/08/2009)

>   Bảo hiểm nhân thọ lên chiến lược mở rộng mạng lưới (25/08/2009)

>   Cuộc chiến thị phần và nhân sự (25/08/2009)

>   Vàng quay đầu giảm giá mạnh (25/08/2009)

>   Áp thuế Thu nhập DN 10% cho các hoạt động lĩnh vực xã hội hóa (25/08/2009)

>   "Nhà băng tăng lãi suất huy động là do thị trường chi phối" (25/08/2009)

>   Xu hướng ngân hàng liên kết cùng phát triển (25/08/2009)

>   Dần tiến tới dùng thẻ chip (25/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật