Hỗ trợ lãi suất: Thông quyết định, tắc thủ tục !
Chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã hết 2/3 thời gian. Tác dụng của chương trình là tạo ra khoản cho vay khổng lồ, lên tới vài trăm nghìn tỷ VND từ các ngân hàng rót vào các DN. Tuy nhiên, chương trình này có thực sự là cứu cánh với DN hay không ? Báo DĐDN Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Cty TNHH chế biến thực phẩm Phú Cường (Hải Phòng).
- Bà đánh giá thế nào về tác động của chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ với hoạt động của DN mình ?
Cho đến nay, DN của tôi đã 5 lần vay vốn có hỗ trợ lãi suất. Tổng giá trị các khoản vay được hỗ trợ lãi suất của chúng tôi khoảng trên 1 tỷ VND. Việc vay được vốn với lãi suất hỗ trợ đã giảm phần nào khó khăn của chúng tôi trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế là các DN mạnh thường dễ tiếp cận nguồn vốn hơn các DNNVV. Lý do là họ “quen” thực hiện thủ tục vay.
- Như vậy, bình quân mỗi lần DN bà vay là khoảng 200 triệu VND, dường như DN của bà chỉ cần vay từng ấy thôi, thưa bà ?
Giá trị vay như vậy với DN của tôi là nhỏ. Nhưng cũng không có cách nào hơn nên phải vay thôi. Vì theo quy định cho vay hiện nay, tài sản thế chấp của chúng tôi đến đâu chỉ được vay đến thế. Chưa tính tới các điều kiện khác rất ngặt nghèo như các loại hóa đơn chứng minh việc hình thành nên tài sản, rồi phải chứng minh bằng báo cáo tài chính 3 năm liền kề phải có lãi... Nói chúng là rất rườm rà và vì thế đi kèm luôn cả bất hợp lý.
- Việc cho vay phải thế nào mới phù hợp với nguyện vọng của DN, thưa bà ?
Tôi cho rằng quyết định hỗ trợ lãi suất cho vay là rất đúng đắn, nhưng vì hàng rào thủ tục không có sự cải thiện tương ứng mà nhiều DN đang trong tình trạng khó khăn vẫn không tiếp cận được nguồn vốn. Việc vay vốn gắn chặt với điều kiện phải có tài sản bảo đảm đã hạn chế rất nhiều khả năng tiếp cận vốn của DN. Trong khi đó thì mục tiêu ban hành hỗ trợ lãi suất lại là nhằm khuyến khích các giao dịch giữa ngân hàng và DN.
Mặt khác, mức cho vay hỗ trợ lại căn cứ trên cơ sở vốn điều lệ của DN là quy định gây khó cho DN. Một DN có thể đăng ký vốn thấp, nhưng doanh thu lại cao. Và nếu căn cứ quy định này thì đương nhiên DN đó rất khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Còn nữa, có sự khác biệt rõ ràng trong hoạt động giữa các DN sản xuất với các DN thuần túy thương mại. Theo đó, những DN làm thương mại thuần túy có vòng quay vốn thường ngắn. Nhưng những DN làm sản xuất vòng quay vốn thường dài hơn, thậm chí có thể lên tới 12 tháng. Tuy nhiên, quy định cho vay không phân biệt DN sản xuất hay DN thương mại để có hỗ trợ tương ứng với từng loại hình DN. Kết quả là các ngân hàng thường thích cho DN làm thương mại vay vốn hơn (vì vốn quay vòng nhanh). Vì thế, DN sản xuất, đặc biệt các DN có vòng quay vốn dài – đối tượng cần được hỗ trợ nhất – lại rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Việc dỡ bỏ, điều chỉnh được những hạn chế ấy cũng chính là mong muốn của DN.
Thực tế là nếu đã “thông” về quyết định mà vẫn “tắc” về quy trình, thủ tục thì khó có thể nói đã hỗ trợ tốt cho DN. Rõ ràng là rất nhiều DN vẫn rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và cũng không ít DN lại... sợ, không dám vay.
- Thực tế thì sau gói hỗ trợ ngắn hạn, một gói hỗ trợ trung hạn cũng đã được ban hành, và rõ ràng cũng đã tác động tích cực tới các DN đó thôi, thưa bà ?
Hỗ trợ lãi suất cho DN là quyết định rất nhanh nhạy, hợp lý của Nhà nước trong giai đoạn khủng hoảng. Nhưng sự nhanh nhạy hợp lý ấy không đi kèm với sự linh hoạt, uyển chuyển trong quy trình, thủ tục. Hỗ trợ lãi suất vay trung hạn hay ngắn hạn cũng đều đưa tới kết quả hạn chế như nhau khi thiếu sự linh hoạt, uyển chuyển về quy trình, thủ tục.
Thực tế là nếu đã “thông” về quyết định mà vẫn “tắc” về quy trình, thủ tục thì khó có thể nói đã hỗ trợ tốt cho DN. Rõ ràng là rất nhiều DN vẫn rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và cũng không ít DN lại... sợ, không dám vay. Mà là sợ các quy định cho vay ấy. Chẳng hạn như quy định 3 năm liền kề phải có lãi mới cho vay đã phủ nhận tính khả thi của dự án hay phương án sử dụng vốn. Dù việc lành mạnh về tài chính chỉ là một tiêu chuẩn, giống như tính khả thi của dự án cũng là tiêu chuẩn trong cho vay.
- Gần đây có ý kiến cho rằng không nên kết thúc chương trình hỗ trợ lãi suất đột ngột, quan điểm của bà về ý kiến này như thế nào, thưa bà ?
Tôi cho rằng rất không nên dừng chương trình hỗ trợ lãi suất, vì điều đó có thể tạo khoảng “hẫng” trong nhu cầu vay vốn của DN và tác động của việc dừng này như thế nào với nền kinh tế vẫn chưa có hình dung, dự đoán.
Tốt nhất là nên có một gói hỗ trợ có tính chất bước đệm, giảm dần các hỗ trợ để DN có thể thích ứng dần. Nhưng cần thiết và hoàn toàn có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc hỗ trợ lãi suất nếu nó hướng tới từng loại hình DN cụ thể với những sự nới lỏng nhất định. Đặc biệt, việc hỗ trợ nên hướng mạnh vào các DN sản xuất vì đây mới là đối tượng DN cần được hỗ trợ nhất. Và việc hỗ trợ cho các DN này cũng có ý nghĩa chính trị - xã hội - kinh tế nhất. Thay vì cào bằng như hiện nay đã dẫn tới việc những DN cần vốn nhất, loại hình DN cần vốn nhất, đối tượng DN nên được hỗ trợ nhất lại khó khăn nhất trong tiếp cận vốn.
- Xin cảm ơn bà !
Quốc Dũng
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|