Thứ Ba, 18/08/2009 19:31

Bài toán phát triển dịch vụ

Dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ cạnh tranh khốc liệt khi vòng bảo hộ đối với ngân hàng thương mại trong nước không còn. Thời gian không chờ đợi và thực tế đến nay sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng thương mại ở nước ta vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Nghèo nàn, khiêm tốn

Hiện nay, sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng thương mại nội địa còn rất khiêm tốn, tập trung chủ yếu ở một số dịch vụ cơ bản: Huy động cho vay, thanh toán trong nước và quốc tế.

Gần đây, các ngân hàng thương mại có triển khai các dịch vụ như tài trợ thương mại, thẻ tín dụng và dịch vụ ngân hàng bán lẻ... Nhưng nhìn chung vẫn còn khá nghèo nàn, thiếu những dịch vụ trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, những sản phẩm phái sinh và những dịch vụ công nghệ cao.

Về chất lượng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng thương mại trong nước còn kém xa sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng quốc tế.

Chẳng hạn, một dự án tín dụng được ngân hàng ở Hà Lan tiếp nhận và xử lý chỉ trong 7 đến 36 giờ, ở Hoa Kỳ thông thường từ 3 đến 7 ngày, trong khi ở nước ta kéo dài 3 đến 6 tháng. Điều này cho thấy trình độ thẩm định các dự án trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại nước ta còn yếu, thiếu đội ngũ thẩm định tín dụng chuyên nghiệp.

Hiện nay, mặc dù đã có sổ tay tín dụng nhưng chưa ngân hàng thương mại trong nước nào áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng cho doanh nghiệp lẫn cá nhân để cho vay theo rủi ro. Hệ thống kế toán tín dụng, đặc biệt là phân loại tài sản, quản lý nợ xấu còn kém, chưa phản ánh chính xác chất lượng tài sản.

Đối với hoạt động huy động vốn, công cụ huy động của các ngân hàng thương mại còn nghèo nàn. Ngoài chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu, các hình thức tiền gửi tiết kiệm linh hoạt còn ít. Công cụ chính để các ngân hàng thương mại hút vốn từ dân cư chủ yếu là lãi suất.

Về dịch vụ thanh toán qua hệ thống ngân hàng thương mại vẫn dựa vào thanh toán bù trừ tổng, chưa có hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho những món nhỏ, như việc thanh toán các dịch vụ điện, nước, điện thoại. Điều này đã hạn chế phát triển các dịch vụ có liên quan đến tín dụng cá nhân, tín dụng tiêu dùng và dịch vụ thanh toán cho cả doanh nghiệp và cá nhân.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong thanh toán cá nhân còn rất lớn, dẫn đến tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thương mại trong nước chủ yếu là tài khoản tiền gửi, ít tài khoản thanh toán.

Do vậy, các ngân hàng không có nhiều cơ hội để tận dụng được nguồn vốn giá rẻ từ tài khoản thanh toán để giảm lãi suất đầu ra.

Cần người cầm trịch

Khi dịch vụ ngân hàng thiếu và yếu, nguồn thu nhập của ngân hàng thương mại đến nay vẫn chủ yếu từ tín dụng và sàn vàng. Điều này phản ánh nguồn thu nhập của các ngân hàng không ổn định. Khi nền kinh tế biến động, hoạt động tín dụng tất yếu bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, tập trung vốn mạnh quá vào hoạt động tín dụng, các ngân hàng thương mại đang đứng trước nguy cơ rủi ro về nợ xấu gia tăng.

Hiện nay, để phát triển dịch vụ ngân hàng, các ngân hàng thương mại đã mạnh tay đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, nhìn chung công nghệ của hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ta vẫn còn khá lạc hậu. Các ngân hàng thương mại chỉ sử dụng một phần Core Banking, các phần mềm quản trị rủi ro.

Cơ sở quản trị rủi ro còn hạn chế, những rủi ro trong hoạt động tín dụng và thanh toán không được cập nhật và xử lý, đã làm hạn chế việc phát triển các dịch vụ ngân hàng có tính công nghệ cao.

Để đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng thương mại phải tăng cường hợp tác với một số tổ chức quốc tế trong và ngoài nước để phát triển dịch vụ.

Hiện nay, đã có ngân hàng Việt Nam mở ngân hàng con tại nước ngoài. Trong thời gian tới, cần tiếp tục từng bước mở rộng hoạt động ngân hàng quốc tế của các ngân hàng thương mại nội địa ra thị trường tài chính quốc tế. Cho phép các ngân hàng thương mại tiến hành không hạn chế các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và kinh doanh tiền tệ mới, đặc biệt là các nghiệp vụ phát sinh tiền tệ, lãi suất, tỷ giá trên thị trường tài chính trong và ngoài nước theo thông lệ quốc tế.

Có vậy, các ngân hàng nội địa mới có nền tảng để tạo ra những sản phẩm mang tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh được với các ngân hàng nước ngoài.

Cách đây hai năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng lên kế hoạch năm 2009 sẽ thành lập Trung tâm Thanh toán bù trừ Quốc gia nhằm xử lý bù trừ hối phiếu/séc, vận hành hệ thống Giro (uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu cho việc thanh toán định kỳ các khoản tiền như điện, nước, điện thoại, phí bảo hiểm, thanh toán thẻ tín dụng...), đặc biệt là đóng vai trò trung tâm chuyển mạch quốc gia kết nối các liên minh thẻ hiện có.

Tuy nhiên, đến nay lộ trình này vẫn còn dang dở.

Đã đến lúc cần có người “cầm trịch” cho việc thành lập trung tâm này. Theo đó, cần thành lập tổ chức trung gian đủ tin cậy để các ngân hàng thương mại tham gia vào hệ thống. Để các ngân hàng thương mại tin tưởng thông tin khách hàng được bảo mật, vai trò đó không ai khác hơn là Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế ở các nước, Ngân hàng Trung ương đóng vai trò quan trọng về việc này. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, Cục Dự trữ liên bang (FED) chiếm đến 60% thị phần dịch vụ thanh toán, 40% còn lại do công ty tư nhân làm nhưng Chính phủ quản lý./

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tổ Quốc

Các tin tức khác

>   MB phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn đợt 2/2009 (18/08/2009)

>   OceanBank "bắt tay" ngân hàng "đàn anh" BIDV (18/08/2009)

>   Ngân hàng rầm rộ khuyến mại các loại thẻ (18/08/2009)

>   Nhân sự ngân hàng: Thừa và thiếu! (18/08/2009)

>   Mua bảo hiểm: “Tiền nào, của nấy” (18/08/2009)

>   Ngày 18/08, vàng tăng giá trở lại (18/08/2009)

>   Hỗ trợ lãi suất: Không nên cắt đột ngột! (18/08/2009)

>   Sát cánh với sự phát triển của ĐBSCL (18/08/2009)

>   Sáu tháng cuối năm, ngân hàng vẫn dựa vào tín dụng (18/08/2009)

>   Lãi suất USD giảm, doanh nghiệp 'nhẹ gánh' vay (18/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật