Hỗ trợ lãi suất: Không nên cắt đột ngột!
Còn hơn 4 tháng nữa gói kích cầu đầu tiên mới hết hiệu lực. Nhưng trên thực tế, các khoản vay mới có thể sẽ không được triển khai trong quý 4/2009 vì thời gian ân hạn còn lại quá ít.
“Thường đến đầu quý 4 là xong hết rồi. Doanh nghiệp họ nghĩ là còn một vài tháng nữa, vay làm gì”, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Liên quan đến cách đặt vấn đề này, trong tuần qua đã bắt đầu xuất hiện một số ý kiến chuyên gia cho rằng nên cân nhắc ban hành chính sách mới, hình thành một giai đoạn chuyển tiếp sau khi gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc.
Một số nguồn tin cho hay, hôm thứ Ba tuần trước, Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia đã có buổi họp bàn về điều hành kinh tế và các giải pháp tiếp tục giữ ổn định vĩ mô thời kỳ sau suy giảm.
Theo nguồn tin này, nhiều thành viên trong Hội đồng đã kiến nghị cần có gói kích cầu mới triển khai ngay sau khi kết thúc gói kích cầu bù lãi suất 4% trong ngắn hạn, vào cuối năm 2009 này.
“Nên xuống thang từ từ”
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương (CIEM), hiện có hai mức độ ủng hộ cho khuyến nghị kể trên của Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia, liên quan chủ yếu đến liều lượng gói kích cầu “kéo dài” này.
Một quan điểm cho rằng thế giới vẫn đang suy sụp, tình hình giảm phát nhiều nơi vẫn còn, cần tập trung vào nỗ lực chống suy giảm tăng trưởng, và vẫn phải tiếp tục kích cầu, đừng có vì lo lạm phát mà quá sợ hãi.
Quan điểm khác thì thận trọng hơn, đặt nặng ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Hai quan điểm này chia thành hai ý kiến, một là tiếp tục gói hỗ trợ 4%, và hai là hỗ trợ giảm dần để tránh sốc, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Những chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam, được VnEconomy tham vấn, đều tỏ ra khá thận trọng với liều lượng của gói kích cầu kéo dài, nếu được áp dụng.
Đồng tình với việc cần có một giai đoạn chuyển tiếp hậu gói hỗ trợ 4% lãi suất, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng gói kích cầu đầu tiên không nên cắt đột ngột sau 31/12/2009, mà nên xuống thang từng bước để tránh gây sốc.
“Theo tôi, thời gian giảm có thể là 6 tháng, từ 4% cho đến hết quý 2/2010 xuống 0%. Còn về mức độ giảm, có thể lúc đầu giảm nhanh, sau giảm chậm. Hoặc lúc đầu giảm chậm, sau giảm nhanh, tùy theo lạm phát nó thế nào”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.
Dưới góc nhìn của một số chuyên gia kinh tế vĩ mô khác, mặc dù ủng hộ ý tưởng về gói hỗ trợ “kéo dài”, nhưng những ưu tiên dài hạn như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát được “đặt nặng” hơn.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng chính sách kích cầu đã hoàn thành sứ mạng của nó là cứu doanh nghiệp. Cho nên, việc quan trọng khi tiếp tục cho vay hỗ trợ lãi suất là phải “kiểm soát được dòng tiền”, để không thổi phồng các bong bóng như nhà đất, chứng khoán… dễ tạo rủi ro vĩ mô.
Cũng đồng tình với quan điểm của ông Thiên, TS Võ Trí Thành chia sẻ: “Quan điểm của tôi là cần thận trọng hơn, bởi vì còn có nhiều cái bất định”.
Cân nhắc liều lượng vì trái phiếu?
Dường như việc “xuống thang” liều lượng và điều chỉnh thế nào trong gói kích cầu kéo dài này đang phụ thuộc vào sự thành bại của một số chính sách hỗ trợ khác đã ban hành và triển khai.
Trái với dòng chảy ồ ạt các khoản vay từ hỗ trợ 4% lãi suất, tính đến giữa tháng 8/2009 đã giải ngân hơn 395.000 tỷ đồng, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn triển khai từ tháng 4/2009 đến nay nhưng lượng vốn ra rất thấp.
“Các doanh nghiệp cứ lao vào gói ngắn hạn, còn gói trung và dài hạn thì đến giờ mới giải ngân được mấy chục ngàn tỷ”, ông Nghĩa cho biết.
Cũng đề cập đến tác động đối với “liều lượng” gói kích cầu kép dài, TS. Võ Trí Thành cho rằng gói kích cầu thông qua trái phiếu là một khối lượng khổng lồ (tổng cả kế hoạch, bổ sung và chuyển nguồn là 64 nghìn tỷ đồng - PV), nên việc phát hành nhanh, hay chậm, huy động vốn nhiều, hay ít sẽ tác động đến chính sách tiền tệ.
“Cho nên mức độ gói kích cầu kế tiếp còn phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, phụ thuộc vào gói hỗ trợ qua trái phiếu”, ông Thành nói.
Có những con số khác cũng khiến quan điểm thận trọng trong liều lượng gói kích cầu kéo dài đáng được quan tâm.
Theo ông Nghĩa, nhập siêu của Việt Nam vừa qua chủ yếu là từ tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu đã giảm 34% so với cùng kỳ, trong khi tính riêng nhập khẩu hàng tiêu dùng lại tăng tới 9%.
“Có thể cho rằng chính sách kích cầu nếu kiểm soát nhập khẩu không cẩn thận thì sẽ kích cho nước ngoài, trong khi tận dụng khủng hoảng để cải tiến công nghệ thì không làm được bao nhiêu”, ông Nghĩa nhận định.
Anh Quân
TBKTVN
|