Sáu tháng cuối năm, ngân hàng vẫn dựa vào tín dụng
Trong khi đã có 72 nhà băng Mỹ phải giải thể tính đến đầu tuần qua, thì các ngân hàng trong nước vẫn hân hoan với kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm. Một số ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất huy động, báo trước “cuộc chơi” tín dụng sẽ không kém phần sôi động, dù rằng tốc độ tăng trưởng đã bị kìm hãm.
Đua nhau nâng lãi suất
Mới đây, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại cổ phần được điều chỉnh tăng ở các kỳ ngắn hạn, từ 8 – 9%/năm, trong khi một tháng trước còn dưới 7,5%. Cùng các kỳ hạn, các ngân hàng quốc doanh giữ mức dao động 6,7 – 8,5%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất còn đi kèm các hình thức khuyến mãi. Giữa tuần qua, ngân hàng Đại Á TP.Hồ Chí Minh tặng lãi suất 0,1%/năm cho người gửi từ 50 triệu đồng trở lên, chi nhánh Hà Nội tặng 0,2%/năm; còn ngân hàng VIB thì tặng tiền cho người gửi tiền...
Khác với vai trò dẫn dắt thị trường trước đây thuộc về các ngân hàng lớn trong việc tăng hay giảm lãi suất huy động, hai – ba năm gần đây, cuộc đua lãi suất thường được “phát pháo” bởi các ngân hàng vừa và nhỏ.
Ghi nhận từ đầu tháng 8 đến nay, ngân hàng Sài Gòn đã 3 lần nâng lãi suất tiết kiệm, ít nhất 3 lần trong tháng 7; ngân hàng Đông Á một lần nâng lãi suất trong tháng 7 và hai lần trong tháng 6. Ngoài ra còn có Maritime, Seabank, Vietbank, OCB, Abbank…
Thanh khoản tiền đồng có giảm gần đây so với vài tháng trước, do ngân hàng đã tăng cường cho vay trong thời gian qua, theo giám đốc kinh doanh khối tiền tệ của một ngân hàng, là lý do quan trọng để các ngân hàng liên tục nâng lãi suất tiền gửi. Hơn nữa, theo chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí, nhằm giữ nguồn tiền gửi ổn định, công cụ lãi suất vẫn là một trong những biện pháp chủ yếu để ngân hàng kích thích luồng tiền gửi và giữ khách hàng.
Tín dụng vẫn là nguồn thu chính
Trong khi tốc độ tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng 17,01% và huy động tăng 16,2%, thì hai con số này cùng thời gian ở nhiều ngân hàng tăng gấp đôi, như ngân hàng Maritime tổng dư nợ tăng 53%, tiền gửi tăng 34%; Đông Á huy động đạt 99%, số dư tín dụng đạt 101,5% so với kế hoạch năm. ACB mới 4 tháng đã tăng trưởng tín dụng 44%; dư nợ 7 tháng ở ABBank đạt 82%, huy động đạt 105% kế hoạch năm…
Lợi nhuận nhiều ngân hàng vượt kế hoạch, trong đó hoạt động tín dụng vẫn chiếm 60 – 80%, tiếp tục là nguồn thu nhập chính trong 6 tháng đầu năm. Thí dụ, ngân hàng Sacombank, trong cơ cấu thu nhập, thu nhập lãi ròng chiếm 61%, từ hoạt động dịch vụ chiếm 21%, từ thị trường ngoại hối và kinh doanh vàng chiếm 15%, đầu tư cổ phiếu chiếm 4% tổng thu nhập...
Tuy nhiên, trước việc tốc độ tăng trưởng tín dụng bị rút từ 30% xuống còn 25 – 27% năm nay, nghĩa là chỉ còn khoảng 5 – 7% cho 6 tháng cuối năm, không ít ngân hàng vẫn chưa tỏ ý định thay đổi tốc độ tín dụng kế hoạch.
Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB cho biết dư nợ tín dụng sẽ theo như kế hoạch đặt ra với 65.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng, ACB đã cho vay khoảng 51.000 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng 46%. Nếu ACB tiếp tục theo đuổi kế hoạch đã đặt ra, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của ACB dự kiến xấp xỉ 80 - 85% trong năm nay. “Người ta đến vay, chẳng lẽ ngân hàng từ chối? Miễn sao thuận mua vừa bán, đúng luật là được. Vả lại, dù tốc độ tăng trưởng cao, nhưng con số tuyệt đối của chúng tôi chưa bằng nhiều ngân hàng khác”, phó tổng giám đốc một ngân hàng qui mô nhỏ nói.
Theo đó, nhờ vào chính sách lãi suất cho vay thỏa thuận, dao động trung bình 12 – 16,5%/năm, là cánh cửa mở rộng cho các ngân hàng, hứa hẹn tín dụng vẫn sẽ đóng góp đáng kể như 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, hoạt động tín dụng của các ngân hàng quốc doanh, kể cả Vietcombank và Vietinbank, bị Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ phải “đóng khung” trong 25 – 27%, là cơ hội cho các ngân hàng qui mô vừa và nhỏ, vị phó tổng giám đốc trên khẳng định.
Giám đốc khối doanh nghiệp một ngân hàng cuối tuần qua vừa hối thúc tiến độ phát hành trái phiếu sớm hơn so với kế hoạch vào tháng 9. Một số ngân hàng đã và đang trong kế hoạch phát hành trái phiếu để chủ động về qui định mới đây của Ngân hàng Nhà nước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 40% xuống 30%, đồng thời để có nguồn vốn dài hạn không chỉ rẻ so với mặt bằng, đáp ứng được nhu cầu thanh khoản.
Theo nhiều chuyên gia, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng do phải trích lập và duy trì dự phòng chung 0,75% trên tổng giá trị của các khoản nợ vào cuối năm nay. Và ngân hàng khó trông cậy vào các khoản thu nhập bất thường và không thể mang tính lặp lại từ vàng, ngoại tệ… như năm ngoái. Vì vậy, tín dụng – dù bị kiểm soát tăng trưởng - vẫn được cho là nguồn thu lớn cho ngân hàng 6 tháng cuối năm.
Hồng Sương
Sài Gòn tiếp thị
|