Phát triển tập đoàn kinh tế - không thể vội vàng:
Bài 2: Nên cân nhắc việc ra đời tập đoàn cơ khí?
Theo các chuyên gia, Nhà nước không đầu tư thích đáng xây dựng chuyên ngành cơ khí chế tạo phát triển để đủ hội nhập kinh tế quốc tế thì ngành này sẽ mất thị trường, người Việt Nam lại đi làm thuê và không thể xây dựng được đất nước CNH, HĐH.
* Bài 1: Còn nhiều trăn trở
Với vai trò quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí, ngày 26/12/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 186, về việc, phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 đưa nước ta thành một nước công nghiệp.
“Chúng ta đi nhập thiết bị, nhập từ vật liệu cơ khí nhỏ nhất để tiêu dùng thì không thể nói là một nước công nghiệp được” – ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khẳng định.
Việt Nam đang kích cầu cơ khí ngoại
Căn cứ mục tiêu phát triển các ngành kinh tế từ nay đến 2010 và tầm nhìn đến 2020, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, thị trường của ngành cơ khí Việt Nam rất lớn (khoảng 250 tỷ USD) về thiết bị cơ khí trong các ngành năng lượng, xây dựng, vật liệu xây dựng. Nếu cho toàn nền kinh tế thì nhu cầu sản phẩm cơ khí lên tới 1.000 tỷ USD. Có nghĩa là tình trạng nhập khẩu cơ khí mỗi năm là từ 25-30 tỷ USD. “Rõ ràng, khi chúng ta không xây dựng được một nền công nghiệp cơ khí đủ mạnh thì lập tức chúng ta trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm cơ khí của quốc tế. Đấy là chưa kể một loạt nhà máy nhiệt điện, xi măng... thiết bị là của Trung Quốc. Cho nên chúng ta đã kích cầu ngoại lực và triệt tiêu nội lực” - Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói.
Phân tích thực trạng, vai trò của ngành cơ khí Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, công nghiệp cơ khí của Việt Nam mới ở mức gia công kết cấu thép, dù đây là thị trường rất lớn.
Theo ông Thụ, điểm yếu hiện nay của ngành cơ khí Việt Nam nằm rải rác ở các Bộ ngành, địa phương. Việc đầu tư khép kín, công nghệ cũ, lạc hậu lại bị chia tách, cát cứ theo chỉ đạo của các cấp chủ quản và thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị khiến ngành này không có sức mạnh cạnh tranh. Nếu không thành lập các tập đoàn chuyên ngành về cơ khí, việc cạnh tranh hầu như không thực hiện được.
Cũng theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc thành lập tập đoàn cơ khí nặng phải tính đến cả việc xây dựng các lực lượng tư vấn, xây dựng, lắp ráp, chế tạo cơ khí. Có thể ban đầu, Nhà nước cấp vốn thành lập tập đoàn cơ khí nặng với vốn đầu tư 300 triệu USD.
Thành lập tập đoàn cơ khí là cần thiết
Theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, để thấy độ lớn nhu cầu sản phẩm cơ khí có được thị trường trong nước ta tính đến năm 2010, theo ý kiến dự báo của nhiều chuyên gia, căn cứ vào quy mô phát triển tạo ra doanh thu của một số ngành công nghiệp chính yếu của nước ta vào năm 2020: Ngành điện sẽ tăng gấp 2 lần so với hiện tại; ngành xi măng tăng gấp 5 lần; ngành dầu khí tăng hơn 2 lần. Như vậy, chỉ cần công nghiệp cơ khí trong nước đáp ứng được 45-60% về doanh số nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường phát triển các ngành công nghiệp nêu trên thì những năm cuối thập kỷ này, sản phẩm cơ khí Việt Nam cũng phải đạt từ 5-6 tỷ USD. “Do vậy, nếu chúng ta không tập trung đầu tư tương xứng xây dựng công nghiệp cơ khí chế tạo phát triển có đủ nội lực hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta sẽ mất thị phần trong nước, người Việt Nam lại bị đi làm thuê theo hình thức mới…” – Ông Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, xu hướng sáp nhập của các tổ hợp công nghiệp thế giới đang diễn ra hàng ngày nhằm tăng sức mạnh tài chính, kỹ thuật, nhân lực, giảm chi phí đầu tư, tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường đã khẳng định con đường hợp tác hóa rộng, chuyên môn sâu trong ngành công nghiệp cơ khí là tất yếu. Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó.
Theo ông Thụ, đối với ngành công nghiệp cơ khí non trẻ, sự liên kết sức mạnh để thành lập nên một tập đoàn công nghiệp cơ khí đủ mạnh không chỉ khắc phục được tình trạng nhỏ lẻ, manh mún mà còn có khả năng tạo sức mạnh cạnh tranh để thắng thầu các công trình quốc tế. Cho nên, để có một tập đoàn công nghiệp cơ khí đủ mạnh thì cần thiết phải có sự tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo như Tổng công ty thiết bị điện động lực, Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp (Bộ Công Thương), Tổng công ty cơ khí COMA, Tổng công ty lắp máy LILAMA (Bộ Xây dựng) cùng với một số viện nghiên cứu thiết kế… cộng với bàn tay hữu hình của Nhà nước mới có thể tạo nên sức mạnh đồng bộ của một tập đoàn công nghiệp cơ khí chủ chốt.
Đồng quan điểm này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho hay: “Mỗi tổng công ty làm riêng rẽ không quy tụ được sức mạnh, không tạo được những tập đoàn có tiềm lực kinh tế mạnh để có thể đi đấu thầu trong nước và quốc tế... nên chúng tôi đề xuất với nhà nước xây dựng một Tập đoàn công nghiệp cơ khí và lắp máy Việt Nam đủ tầm mạnh để đưa ngành cơ khí Việt Nam lên ngành công nghiệp then chốt, sẽ trở thành một nhà tổng thầu (EPC) không những làm trong nước mà còn đấu thầu quốc tế. Chứ còn cứ để manh mún, chia nhỏ ra thành các tổng công ty nhỏ mà lại không gắn kết được với nhau thì sẽ không làm được…”.
Ông Ngãi đánh giá cao Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) trong việc thắng thầu và làm tổng thầu rất nhiều dự án xi măng, nhiệt điện lớn của đất nước thời gian qua. Qua đó cho thấy, LILAMA chứng tỏ được khả năng tập hợp, liên kết sức mạnh với các doanh nghiệp trong nước.
Theo phân tích của ông Vũ Khoa – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, nếu chủ trương thành lập Tập đoàn cơ khí thì nên tập trung đầu tư cho LILAMA đủ mạnh để trở thành một tập đoàn cốt cán, giống như việc đầu tư cho một số tổng công ty than, dầu khí, bưu chính viễn thông… Việc làm này tránh được sự xáo trộn lớn trong quản lý, điều hành, vừa tăng năng lực cho LILAMA xây dựng thương hiệu cơ khí quốc gia, đồng thời, tạo cơ hội cho các tổng công ty khác (đang hoạt động đa ngành) có cơ hội phát triển trong vai trò liên kết, hợp tác với đầu mối LILAMA về lĩnh vực cơ khí.
Bản thân ông Phạm Hùng - Tổng Giám đốc LILAMA cho rằng, hiện nay, LILAMA đang hoạt động với mô hình công ty mẹ - công ty con - không khác nhiều so với các tập đoàn hiện có và hoàn toàn có thể tự thân phát triển thành một tập đoàn cơ khí đủ mạnh, trong vai trò tổng thầu các công trình nhiệt điện, xi măng hay cơ khí, hóa chất hiện đại nào trên cơ sở liên kết sức mạnh với các doanh nghiệp cơ khí ở trong nước.
Chia sẻ về sự cần thiết này, ông Lê Văn Quế - CTHĐQT Tổng công ty Sông Đà cho rằng, hiện nay, FDI chiếm khoảng 30% GDP của Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực, đi kèm là ngân hàng, tài chính... Nếu chúng ta không có những tập đoàn lớn, đơn vị chuyên ngành để cạnh tranh thì khó giành giật được thị trường./.
Vũ Hạnh - Quang Tuấn
VOV
|