Áp lực “máy xén”
Với việc Thủ tướng Chính phủ vừa giao chỉ tiêu phải cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính hiện hành, khả năng môi trường đầu tư Việt Nam gỡ điểm cho nút thắt thủ tục hành chính bấy lâu này đã hiện hữu…
Thời hạn chót cho việc công bố thủ tục hành chính các cấp là ngày 30/8/2009 không còn là thách thức với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (Đề án 30). Cho tới thời điểm này, 58 tỉnh, thành phố đã hoàn thành phần công bố bộ thủ tục hành chính của mình. Số địa phương còn lại đều cam kết thực hiện đúng tiến độ.
Tuy nhiên, tất cả những phần việc này mới là giai đoạn “chụp ảnh” lại hiện trường thủ tục hành chính. Công việc chủ yếu là thống kê lại các thủ tục và công bố công khai. Cho dù không đơn giản để có được một bộ thủ tục hành chính thống nhất vốn được quy định khá rải rác ở các văn bản khác nhau, song phải khẳng định rằng, khó khăn vẫn đang ở phía trước, đó là giai đoạn phân loại để cắt giảm. Công cụ “máy xén” mà các chuyên gia về cải cách thủ tục hành chính đặt ra chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn lên vai các cơ quan hành chính nhà nước, khi chính các cơ quan này sẽ phải tự quyết định cắt giảm những quyền lợi có thể có của mình trong các thủ tục hành chính để đạt mục đích của cuộc cải cách, đó là hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục hành chính, pháp lý hoá những thủ tục cần thiết, hợp lý; loại bỏ những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, mà cộng đồng doanh nghiệp hay gọi là giấy phép con.
Áp lực này đã được cụ thể hoá khi Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phải cắt giảm tối thiểu 30% quy định hiện hành về thủ tục hành chính. Như vậy, lo ngại khả năng các cơ quan hành chính chần chừ trong loại bỏ các giấy phép con đã có cơ sở loại bỏ. Khả năng môi trường đầu tư Việt Nam gỡ điểm cho nút thắt thủ tục hành chính bấy lâu nay đã hiện hữu.
Tuy vậy, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, nhiều chuyên gia về môi trường kinh doanh thừa nhận, cho dù áp lực lớn, song kết quả của công cụ máy xén này phụ thuộc rất lớn vào ý thức trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan bộ, ngành, địa phương và sự sát sao hơn nữa ở cấp Chính phủ.
Cần phải nhắc lại rằng, theo quy định của Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, kể từ ngày 1/9/2008, các loại giấy phép, điều kiện kinh doanh không đủ hai tiêu chí về tính hợp pháp, có nghĩa là không được quy định tại các văn bản từ nghị định của Chính phủ trở lên, sẽ đương nhiên hết hiệu lực. Không có một khoảng loại trừ nào về lĩnh vực cũng như thời hạn trong quy định này.
Tuy nhiên, sau thời điểm này, ngoài động thái mạnh mẽ từ Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là công bố công khai hơn 400 điều kiện kinh doanh các loại, các hình thức và tuyên bố được cho là đột phá của Bộ Xây dựng về cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính trong xây dựng, đã không có thêm hướng dẫn chi tiết nào. Và quy định vốn được giới đầu tư ghi nhận như bước đột phá mạnh mẽ trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn cũng âm thầm qua đi.
Thực ra, những đề xuất liên quan đến bãi bỏ giấy phép, điều kiện kinh doanh thời gian qua luôn vướng phải những áp lực không dễ tháo gỡ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Khá nhiều đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính được các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp chủ động rà soát, phân loại, kiến nghị, nhưng phần lớn không tìm được tiếng nói đồng thuận từ phía các cơ quan hành chính chủ quản. Chính tác động không mấy tích cực này đã khiến không ít kế hoạch rà soát và kiến nghị bãi bỏ giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với tình hình kinh doanh của nhiều hiệp hội doanh nghiệp buộc phải lùi vô thời hạn.
Tất nhiên, thời điểm hiện tại đã khác nhiều. Các bộ, ngành, địa phương đều đã cùng vào cuộc.
Bảo Duy
đầu tư chứng khoán
|