Washington đang cố dịu dàng vui vẻ với Bắc Kinh
Mấy ngày nay, khi quan hệ kinh tế Mỹ - Trung lại gợn sóng, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về sách lược của Tổng thống Obama đối với Trung Quốc. Nhiều người đã nhận ra, ông Obama áp dụng y chang sách lược của vị tiền nhiệm.
Lúc còn vận động kiếm phiếu, ông từng đưa ra những lời tuyên bố khá nặng ký để nói về Trung Quốc. Sau mấy tháng qua, người ta phát hiện ông quá “nhũn nhặn” với Trung Quốc. Theo quyết định của các vị cố vấn kinh tế ngồi sát tổng thống trong các phiên họp hoạch địch kế hoạch kích cầu hồi tháng tư vừa rồi, bộ Tài chính Mỹ từ chối đặt Trung Quốc vào danh sách những nước cố ý dìm giá đồng bạc để trục lợi khi xuất khẩu, viện dẫn lý do: “Các chính quyền Hoa Kỳ trước đây đã không làm, chẳng có lý do gì để tân chính phủ phải thay đổi”. Đầu tháng sáu, đích thân ông Tổng trưởng Tài chính Timothy Geithner lãnh đạo phái đoàn cấp cao sang Hoa Lục đặt nền móng cho chương trình “Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Hoa”, theo đúng sách lược “Đối thoại chiến lược kinh tế” của thời George W. Bush.
Chính sách của ông “tân” và ông “cựu” giống nhau tới độ trong bài nói chuyện tại viện Nghiên cứu kinh tế toàn cầu ở San Francisco, kinh tế gia Nicholas Lardy nói: “Khi so sánh những gì ông Obama đang làm trong chính sách áp dụng với Trung Quốc, chúng ta thấy ngay sự nối tiếp của chính quyền Bush cũ với chính quyền mới”.
Nếu nhớ lại những gì ông Obama từng phát biểu lúc đang tranh cử, có lẽ mọi người đều ngạc nhiên khi thấy nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi quá nhanh. Tháng 4.2008 ở Pennsylvania, ông từng bảo: “Trung Quốc không tôn trọng luật lệ mậu dịch, cố ý đẻ ra một chính sách tiền tệ để họ có lợi hơn. Nhà nước Hoa Lục không đếm xỉa gì đến những thiệt hại hay bất lợi mà các nước bạn hàng phải chịu đựng. Năm nào cũng thế, chính quyền Bush có cơ hội để sửa sai nhưng họ không làm gì cả. Điều đó các bạn và cả tôi, chúng ta không thể chấp nhận được”. Nhiều người cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy chính sách của ông sẽ cứng rắn hơn.
Nhưng dự đoán đó đã không trở thành sự thật. Trước sức ép của một thế giới đang phải đối phó với những khó khăn do suy thoái kinh tế gây nên, cộng thêm vào chuyện Bắc Triều Tiên tiếp tục gây rối ở Đông Bắc Á đã đẩy ông vào thế phải tế nhị hơn đối với Hoa Lục. Giáo Sư Richard Baum, giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Hoa của viện đại học UCLA cho rằng: “Cách hay nhất trong thời buổi này là vui vẻ với Bắc Kinh, nhưng cùng lúc vẫn tiếp tục gây sức ép, để họ sửa đổi dần dần và giúp thế giới giải quyết căng thẳng về hạt nhân với Bình Nhưỡng. Ông Obama chẳng dại gì để con thuyền quan hệ hai nước phải chòng chành”.
Ông Obama không thể không “dịu dàng” với Trung Quốc, còn vì hiện giờ số tiền Washington vay của Bắc Kinh quá lớn. Ngược lại Trung Quốc cũng hiểu lượng vốn vĩ đại đang nằm tại Mỹ, cách hay nhất là đừng khiến Washington phải bực mình. Nói như một nhà quan sát thị trường quốc tế đang làm tư vấn cho chính phủ Pháp: “Hai cô cậu đang cần có nhau, và cả Washington lẫn Bắc Kinh đều biết phải làm gì để duy trì mối giao hảo theo đúng hướng đã vạch ra là hai bên đều có lợi. Chẳng cứ gì ông Obama của Mỹ, ngay chính lãnh tụ Hồ Cẩm Đào của Bắc Kinh cũng biết điều đó”.
Trong bài xã luận đăng trên tờ Financial Times, ông phó chủ tịch Frank Vargo của hiệp hội các nhà sản xuất quốc tế cũng bày tỏ sự cảm thông: “Cả thế giới đang nhìn vào Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh và Washington bất đồng quan điểm về bất kỳ chuyện gì, thị trường tài chánh thế giới sẽ dao động ngay tức khắc”.
Chẳng phải ai cũng “dễ tính” khi thấy ứng viên Obama và Tổng thống Obama khác nhau đúng 180 độ. Ông Michael Stumo, chủ tịch điều hành liên minh cho một nước Mỹ thịnh vượng, quy tụ các hiệp hội sản xuất và nông nghiệp Mỹ, khi được mời điều trần ở quốc hội, lắc đầu chán nản: “Lịch sử cho thấy nói chuyện với Bắc Kinh không đem lại kết quả gì cả”.
Không chỉ đồng ý với nhận định của ông Stumo, một số dân cử Cộng hoà và Dân chủ Mỹ còn dự tính đưa ra một dự luật buộc hành pháp phải có biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhắm thẳng vào chính sách tiền tệ của Hoa Lục để “cân bằng cán cân mậu dịch”. Trước diễn dàn thượng viện, Nghị sĩ Cộng hoà Linsey Graham, ứng viên sáng giá cho cuộc tranh cử tổng thống 2012, nói: “Nếu Nhà Trắng không thúc đẩy Bắc Kinh định lại trị giá đồng nhân dân tệ, quốc hội sẽ không ngồi yên nhìn nước Mỹ phải gánh chịu thiệt thòi”. Tin hành lang quốc hội cho hay bản dự thảo đã được gửi cho các văn phòng nghị sĩ và dân biểu để xin ủng hộ.
Mới đây tại một cuộc hội thảo về quan hệ Mỹ-Trung tổ chức ở Washington, một số nhà quan sát độc lập cũng khéo léo ngụ ý chính bà Ngoại trưởng Hillary Clinton bây giờ cũng đổi giọng. Lúc đang tranh ghế tổng thống, bà là người chỉ trích Bắc Kinh về nhân quyền mạnh nhất, nhưng từ khi nhận lời giữ chức ngoại trưởng đến giờ, bà cũng quay 180 độ. Tháng rồi, trong một cuộc họp báo ở bộ ngoại giao, đích thân bà Clinton nói với báo chí: “Các bạn biết quá rõ tầm quan trọng của Trung Quốc và sự cần thiết phải có mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác vững chắc giữa Wshington và Bắc Kinh”. Hôm đó các nhà báo nhìn nhau, cùng nhớ lại câu nói “đúc khuôn” đã được nghe cách đây chẳng bao lâu, lúc bà Condoleeza Rice còn làm ngoại trưởng cho ông George W. Bush.
Uỷ ban thương mại quốc tế của Mỹ đề nghị áp dụng mức thuế trừng phạt lên tới 55% đối với mặt hàng vỏ (lốp) xe giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Uỷ ban thương mại Mỹ đưa ra đề nghị trên, đầu tháng bảy này, sau khi liên đoàn các nhà sản xuất vỏ xe của Mỹ đệ đơn cáo buộc vỏ xe giá rẻ Trung Quốc đang làm điêu đứng giới sản xuất ở Mỹ. Nhà Trắng và Đại diện thương mại chưa bình luận gì.
Cùng thời gian, tin riêng của các giới có liên quan ở Trung Quốc cho hay nước này chuẩn bị cấm nhập khẩu thịt gà của Mỹ. Ông James H. Sumner, chủ tịch hội đồng xuất khẩu gia cầm và trứng của Mỹ cho biết nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cho ông biết từ đầu tháng bảy trở đi, các nhà xuất khẩu thịt gà Mỹ sẽ không được nhận giấy phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Nguyên Đức (Washington DC)
Sài Gòn Tiếp Thị
|