Thứ Bảy, 04/07/2009 15:09

Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota: Cháu “vua” thì lại làm “vua”?

Ông Akio Toyoda, 53 tuổi, cháu trai của ông Sakichi Toyoda, người sáng lập ra Toyota, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới hiện nay của Nhật Bản vào năm 1937 và cũng là Chủ tịch đầu tiên của Toyota, vừa chính thức trở thành Chủ tịch Toyota. Hơn nữa, ông cũng là con trai của ông Shoichiro Toyoda, từng là Chủ tịch Toyota. Ông Akio Toyoda lên thay Katsuaki Watanabe, người đã lãnh đạo Toyota từ năm 2005. Như vậy, sau 14 năm liên tiếp với 3 đời chủ tịch không phải là người trong dòng họ Toyoda, cuối cùng, một đại diện tinh tú của gia đình Toyoda lại trở lại nắm quyền lãnh đạo tập đoàn này.

Tuy gia đình Toyoda chỉ nắm giữ 5% cổ phần của Tập đoàn, nhưng đã từ lâu, chiếc ghế chủ tịch đã được chuẩn bị sẵn dành cho Akio Toyoda. Trong buổi họp báo nhân dịp nhậm chức Chủ tịch vào ngày 25/6/2009, ông Akio Toyoda đã nêu rõ những nhiệm vụ và mục tiêu ưu tiên của mình trên cương vị mới.

Nhiệm vụ trước mắt mà ông Akio Toyoda đặt ra rất rõ ràng và cụ thể. Đó là bằng mọi cách phải ngăn không để Toyota bị lỗ 3 năm liên tiếp. Trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 31/3/2009), lần đầu tiên trong hơn 70 năm,Toyotabị lỗ ròng 436,9 tỷ yên (4,6 tỷ USD). Trong năm tài chính hiện hành, ước tính Tập đoàn còn tiếp tục bị lỗ, thậm chí ở mức còn cao hơn, vào khoảng 550 tỷ yên. Như vậy, ông đề ra mục tiêu chặn đà thua lỗ ở năm tài chính 2010.

Về đường hướng chiến lược, ông Akio Toyoda cũng đề xuất việc xem xét lại các tham vọng, kế hoạch mở rộng của Tập đoàn. Ông thẳng thắn thừa nhận một thực tế là: “Sự phát triển của Tập đoàn trong thời gian qua là lớn hơn nhiều so với quy mô thực tế”. Ông cũng quyết định phân bố lại từng khu vực thị trường trọng yếu và giao cho 5 phó chủ tịch trực tiếp phụ trách các mảng này. Cụ thể, trong 5 phó chủ tịch, 4 phó chủ tịch phụ trách các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ và các thị trường mới nổi, còn một phó chủ tịch chịu trách nhiệm chính về phát triển các dòng sản phẩm.

Sau khi tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Keio năm 1979, ông Akio Toyoda tiếp tục theo học và lấy bằng thạc sỹ về quản lý kinh doanh (MBA) tại Đại học Babson, bang Massachusetts - Mỹ. Sau khi về nước, Toyoda làm nhân viên ngân hàng một thời gian ngắn trước khi gia nhập Toyota vào đầu những năm 1980. Con đường tiến thân ởToyotacủa Akio Toyoda từng bị chút cản trở khi người anh em họ của ông là Shuhei Toyoda, cũng nuôi tham vọng leo lên vị trí lãnh đạo cao nhất. Bố của ông này, ông Eiji Toyoda, cũng từng giữ chức Chủ tịchToyotatừ năm 1967 đến 1975. Shuhei Toyoda đã có những hành động từng được xem là gây mâu thuẫn trong nội bộ dòng họ. Đến giữa những năm 1990, Shuhei Toyoda thừa nhận sự yếu kém của mình và tuyên bố bỏ cuộc, dọn đường cho Akio Toyoda có cơ hội thăng tiến.

Khác hẳn với các chủ tịch trước đây (là người của dòng họ Toyoda), “hoàng tử” Akio Toyoda - báo chí Nhật thường gọi ông như vậy - không phải là dân kỹ thuật và cũng không phải là kỹ sư, song ông là con người nhạy bén và chịu khó lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kỹ thuật. Là thành viên Ban lãnh đạo Toyota từ năm 2000, ông đã được thử thách ở một số vị trí quản lý quan trọng như trực tiếp phụ trách thị trường Trung Quốc, rồi Nhật Bản, sau đó là Phó chủ tịch Nhà máy New United Motor Manufacturing Inc., ở Fremont (bang California - Mỹ).

Đó chính là những thử thách giúp ông tích lũy kinh nghiệm để có thể chèo lái được con thuyền Toyota.

Ông Aiichiro Mizushima, người đã từng viết một cuốn sách về Akio Toyoda, cho rằng, việc dòng họ có công sáng lập ra doanh nghiệp, rồi bàn giao quyền lực lãnh đạo theo kiểu cha truyền con nối hay ít nhất giữa những người họ hàng gần gũi dạng như Toyota hiện nay không phải là quá hiếm. Trên thế giới, hai tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ là Ford và DuPont cũng duy trì truyền thống này. Ông Hisao Inoue, tác giả của cuốn sách có tựa đề: “Cú sốc Toyota” cho rằng, ở Nhật Bản, người dân Nhật rất tôn trọng gia đình Nhật Hoàng và công nhân Toyota cũng tôn trọng ông chủ của Toyota theo cách thức gần như vậy.

Còn ông Masaaki Sato, tác giả của một vài cuốn sách viết vềToyotathì lại có quan điểm ngược lại. Ông này đặt câu hỏi: “Tại sao cứ nhất thiết phải là người trong dòng họ Toyoda lên nắm quyền, nhất là vào lúc thời khắc khủng hoảng và khó khăn như hiện nay? Người tài đâu có thiếu gì? Phải chăng đây vẫn là biểu hiện của tư tưởng cổ hủ phong kiến?”.

Mọi người kỳ vọng ông Akio Toyoda, với tính cách cởi mở, dễ gần, lại có tư tưởng tân tiến (được đào tạo MBA ở Mỹ), lại có đầy mình về kinh nghiệm quản lý, sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho Tập đoàn.

Lúc này, ở Toyota, có thể tạm coi ông Akio Toyoda là vua, nhưng ở thế cưỡi trên lưng hổ, nên không cẩn thận có thể bị mất ngôi lúc nào không biết.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

Đầu tư Chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bảo hộ leo thang, kinh tế thế giới co hẹp 10%   (04/07/2009)

>   Phục hồi kinh tế toàn cầu thông qua các hợp tác xã (04/07/2009)

>   Qũy tiền tệ thế giới từ chối viện trợ mới cho Zimbabwe (04/07/2009)

>   Trung Quốc sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán quốc tế (04/07/2009)

>   Trung Quốc kỳ vọng vào Hội nghị đối thoại G8+5 (03/07/2009)

>   Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành bạn hàng lớn nhất của Brazil (03/07/2009)

>   Đô la Mỹ lên xuống... theo Trung Quốc (03/07/2009)

>   Châu Á sẽ là khu vực đầu tiên thoát suy thoái (03/07/2009)

>   Thị trường dầu sau một năm lập kỷ lục giá (03/07/2009)

>   Thất vọng trước báo cáo việc làm Mỹ, CK Châu Á giảm nhẹ (03/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật