Thất vọng trước báo cáo việc làm Mỹ, CK Châu Á giảm nhẹ
(Vietstock) – Sau thời gian chờ đợi, cuối cùng bản báo cáo việc làm Mỹ cũng được công bố, nhưng lần này nó lại làm giới đầu tư choáng váng bởi số người mất việc trong tháng qua cao hơn rất nhiều so với mong đợi. Như vậy nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức ở phía trước. Chứng khoán Châu Á theo đó cũng có một phiên giao dịch giảm nhẹ trong ngày cuối tuần.
Nikkei |
Hang Seng |
Straits Times |
|
|
|
|
|
Nguồn: YahooFinance |
Tuy nhiên mức độ giảm điểm tại các thị trường Châu Á có phần được chế ngự hơn so với sự trượt dài trên Phố Wall. Giá dầu phục hồi nhẹ sau khi rớt thảm hại vào đêm qua, đồng USD suy yếu so với đồng JPY.
Niềm lạc quan về nền kinh tế Mỹ - thị trường quan trọng đối với các mặt hàng của Châu Á - bị lung lay sau khi Chính phủ thông báo có tới 467,000 việc làm bị cắt giảm trong Tháng 6 vừa qua. Con số này bỏ xa dự đoán của các nhà kinh tế là 363,000 việc làm và đánh dấu tháng gia tăng đầu tiên của số người thất nghiệp kể từ đầu Tháng 1. Trong cùng thời điểm, tỷ lệ thất nghiệp đã chạm mức 9.5%, mức cao nhất kể từ năm 1983.
Trong các tháng vừa qua, giới đầu tư đã góp phần đẩy thị trường tăng vọt nhờ một số dấu hiệu hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu. Nhất là thông qua việc các công ty ồ ạt bổ sung thêm hàng hóa vào kho của mình và ngành thương mại quốc tế cũng được cải thiện nhẹ.
Tuy nhiên, thông tin ảm đạm về thị trường lao động Mỹ chỉ làm tăng thêm nỗi lo rằng sẽ phải tốn một thời gian dài nữa kinh tế Mỹ mới phục hồi thậm chí nếu suy thoái có kết thúc vào cuối năm nay đi chăng nữa.
Arjuna Mahendran, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Ngân hàng tư nhân HSBC ở Singapore: “Các lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế vẫn chưa thực sự khỏe mạnh. Những mầm xanh ngày càng ít xuất hiện hơn.”
Ông cho biết thêm các thị trường chứng khoán sẽ giảm tiếp 15%-20% nữa trong một vài tháng tới.
Với khởi đầu chìm trong sắc đỏ, một số thị trường Châu Á đã cố gắng giảm bớt số điểm bị mất của mình khi đóng cửa.
Cụ thể, chỉ số Nikkei .N225 của Nhật Bản giảm 60.08 điểm (0.6%), xuống 9,816.07 điểm.
Chỉ số S&P/ASX của Úc đánh mất 1.4%, chỉ số Straits Times của Singapore hạ 1%.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc gần như đi ngang. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc phục hồi nhẹ 0.6%. Còn tại Hồng Kông chỉ số Hang Seng .HSI đóng cửa tăng 25.35 điểm (0.1%), lên 18,203.40 điểm sau phần lớn thời gian giảm điểm.
Chỉ số Sensex của Ấn Độ cũng nhận thêm 0.8% trong phiên giao dịch buổi chiều nhờ những thông tin tích cực được công bố hôm Thứ Năm. Theo đó, Chính phủ cho biết kinh tế nước này sẽ tăng trưởng tới 7.5% trong năm nay và suy thoái sẽ chạm đáy vào Tháng 9 tới.
Bất chấp sự thua lỗ trong thời gian gần đây, các thị trường toàn cầu vẫn vừa khép lại một trong những quý tăng mạnh nhất trong năm nay. Trong đó, Trung Quốc và một số thị trường mới nổi khác là các thị trường có hoạt động tốt nhất khi nhà đầu tư trở lại quan tâm vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và các tài sản mang tính rủi ro cao hơn.
Theo cuộc khảo sát của Tổ chức Nghiên cứu Quĩ các thị trường đang nổi (EPFR Global) có trụ sở tại Boston, trong quý 2 vừa rồi nhà đầu tư toàn cầu đã đổ khoảng 26.5 tỷ USD vào các quỹ của thị trường chứng khoán các nước đang phát triển. Con số này vượt qua cả mức cao kỷ lục 22.4 tỷ USD trong một quý mà các quỹ đã thu hút được trong quý 4 năm 2007.
Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào ngày Thứ Sáu để kỷ niệm Lễ Quốc Khánh Mỹ 4/7.
Tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tạm giảm 0.1%. Hai chỉ số chính của Pháp và Đức cùng tạm hạ 0.4%.
Sau khi sụt giảm mạnh vào hôm qua do lo sợ lượng cầu dấu yếu trước số liệu việc làm đầy thất vọng của Mỹ, giá dầu phục hồi nhẹ với khối lượng giao dịch thưa thớt trước ngày lễ. Hợp đồng dầu giao Tháng 8 tạm giảm 46 cent/thùng, xuống 66.27 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD đứng tại 95.92 JPY/USD. Đồng EUR tăng từ 1.3951 USD/EUR lên 1.3996 USD/EUR vào cuối ngày Thứ Năm tại New York.
Phạm Thị Phước (Theo YahooFinance, AP)
|