Triển vọng tỷ giá đồng USD đang xấu đi?
Từ đầu tháng 3 tới nay, tỷ giá USD đã giảm 11% so với Euro và giảm 17% so với đồng Bảng Anh. Lý do của sự trượt giá này là do các nhà đầu tư trước đây đổ vốn vào trái phiếu kho bạc Mỹ để tìm kiếm sự an toàn giờ đây đang tìm đến với những tài sản có độ rủi ro cao hơn.
Theo nhận định của ông Simon Derrick, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tiền tệ tại ngân hàng Bank of New York Mellon tại London, xét tới những lo ngại về thâm hụt ngân sách đang leo thang của Mỹ và những lời kêu gọi từ phía Trung Quốc về một đồng tiền dự trữ mới, thì “đồng USD vẫn có khả năng nằm dưới những áp lực mất giá”. “Chúng ta sẽ thấy tỷ giá đồng USD tiếp tục đi xuống”, ông Derrick nhận định.
Nhận định về sự trượt giá xa hơn của USD nêu trên trái ngược với sự đi lên gần đây của tỷ giá đồng tiền này. Theo truyền thống, đồng USD vẫn được xem là một “vịnh tránh bão” trong những trường hợp kinh tế bất ổn. Do đó, đồng tiền này đã tăng giá 25% so với đồng Euro trong thời gian 8 tháng tính tới tháng 3 năm nay. Sự kém hấp dẫn của những đồng tiền đối thủ của USD càng khiến sức hút của USD gia tăng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Derrick, “xu hướng này đang có sự dịch chuyển đáng kể”. Chắc chắn là nhiều thông tin kinh tế bất lợi vẫn sẽ giúp đồng USD lên giá, trong đó có thông tin về thị trường việc làm ảm đạm của Mỹ trong tháng 6 vừa qua. Bộ Lao động Mỹ ngày 2/7 cho biết, giới chủ ở Mỹ đã cắt giảm 467.000 việc làm trong tháng 6/2009, đưa tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên 9,5%, từ 9,4% trong tháng 5, cao nhất trong vòng 26 năm qua.
Mặc dù vậy, sự lạc quan của giới đầu tư dành cho các loại tài sản khác vẫn đang gia tăng. Thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là các thị trường chứng khoán đang nổi lên, đã lên điểm tích cực trong những tháng gần đây. Chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc, đã tăng 63% từ đầu năm tới nay.
Một áp lực mất giá nữa với đồng USD đến từ những lo ngại của các nhà đầu tư cho rằng, để cân bằng mức thâm hụt ngân sách có thể phình lên 1,85 nghìn tỷ trong năm nay (tương đương 13% GDP Mỹ, cao nhất từ Chiến tranh Thế giới 2), Cục Dự trữ Liên bang (FED) chỉ có nước phải in thêm tiền, khiến lượng USD trên thị trường càng thêm nhiều. Mặc dù vào ngày 24/6 vừa qua, FED tuyên bố không có kế hoạch mở rộng chương trình mua vào các loại trái phiếu địa ốc ngoài khoản 1,2 nghìn tỷ USD đã được lên lịch vào tháng 3 vừa qua, ít chuyên gia bị tuyên bố này của FED thuyết phục.
“Vẫn luôn tồn tại những lo ngại rằng sự phục hồi hiện nay của thị trường chứng khoán chỉ là tạm thời và tình hình còn có thể khó khăn thêm trong nửa sau của năm nay. Vì vậy, một loạt những chương trình chi tiêu tài khóa mới của Mỹ là hoàn toàn có thể được tung ra”, ông Derrick dự báo.
Từ những phân tích trên, có thể thấy đồng USD đang phải đối mặt với một thách thức dài hạn. Và những nhà đầu tư lớn hiểu được điều này.
Sau lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên về một đồng tiền dự trữ mới của thế giới hồi tháng 3 vừa qua, ngân hàng này mới đây lại tiếp tục lên tiếng ủng hộ sự ra đời của một “đồng tiền siêu chủ quyền” thay thế cho USD ở vai trò đồng tiền dự trữ.
Những lời kêu gọi này của phía Trung Quốc một mặt gây tổn hại cho tỷ giá USD, mặt khác cũng khiến Trung Quốc chịu thiệt hại. Khoảng 2/3 trong số dự trữ ngoại hối gần 2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc là các tài sản bằng USD, nên USD chỉ cần mất giá chút ít là tài sản của Trung Quốc cũng lao dốc đi rất nhiều.
Tính tới thời điểm cuối năm ngoái, 64% dự trữ ngoại hối của thế giới là đồng USD, nhiều hơn bất kỳ một đồng tiền nào khác. Do đó, trên thực tế, việc chuyển sang một đồng tiền dự trữ mới thay thế cho USD là rất tốn kém về mặt thời gian và không hề dễ dàng. Thêm vào đó, vì Trung Quốc đang nắm giữ một lượng USD khổng lồ, chỉ cần nước này bán ra một phần dự trữ ngoại hối của mình, giá trị của phần dự trữ còn lại sẽ hao tổn đáng kể.
Tuy vậy, những lập luận như vậy vẫn không thể khiến áp lực mất giá đối với USD nhẹ bớt. Trong một báo cáo hồi tháng 5, các nhà phân tích của HSBC nhận định rằng, đề xuất về một đồng tiền dự trữ mới “không phải là một gợi ý hợp lý”, nhưng “địa vị thống trị của đồng USD không đồng nghĩa với việc đồng tiền này sẽ duy trì được giá trị của nó”.
Giống như chuyên gia Derrick, HSBC đang dự báo về sự trượt giá sâu hơn của USD trong những tháng sắp tới.
TBKTVN
|