Châu Á cần phát triển mô hình kinh tế mới
Tiến sĩ Noelleen Heyzer, Giám đốc Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (ESCAP) ngày 25/6 nhận xét, châu Á đang trong tình trạng vô cùng mất ổn định trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay vì khu vực này không thể tiếp tục hình thức thương mại như trước đây.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với THX, Tiến sĩ Noellen Heyzer cho rằng khoảng 23 triệu người tại châu Á sẽ mất việc làm vì khả năng tiêu thụ hàng hóa, phần lớn được sản xuất tại châu lục này, ngày càng suy giảm tại các nước phát triển. Châu Á không thể tách rời với các khu vực khác trong hệ thống sản xuất toàn cầu, do vậy khác với cuộc khủng hoảng năm 1997, châu Á sẽ không thể tự mình thoát khỏi khủng hoảng bởi các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu cũng đang bị suy thoái.
Tuy nhiên, trong ngày thứ hai phiên họp bàn về khủng hoảng kinh tế và tài chính do Liên Hợp quốc tổ chức, Giám đốc Heyzer cho rằng châu Á cần xem tình hình hiện nay như một cơ hội hơn là một thách thức không thể vượt qua. Châu Á cần tạo ra một mô hình phát triển thay thế dựa trên các chương trình xã hội và các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nền kinh tế của các khu vực khác. Đồng thời, cần đảm bảo có một thể chế tài chính quốc tế ổn định hơn để tránh các cuộc khủng hoảng như hiện nay vì cái giá phải trả cho chúng là quá đắt. Bà nhận định: “Ngay cả khi phục hồi được kinh tế, sẽ phải mất một thời gian để phục hồi về mặt xã hội”.
Theo đó, tầng lớp trung lưu ở châu Á đang gia tăng và các nước trong khu vực phát triển mô hình kinh tế mới dựa trên tiêu dùng trong nước. Nhận định đó ngày càng tỏ ra đúng đắn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Thực tế là, kinh tế châu Á hiện vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.
Bình luận về Trung Quốc, quốc gia dự kiến có tỷ lệ tăng trưởng 7,2% trong năm nay, bà Heyzer đánh giá việc Bắc Kinh đẩy mạnh các chính sách đảm bảo tăng trưởng liên tục là “cực kỳ quan trọng” đối với không những người dân nước này mà còn cả những nước đang phát triển khác trong khu vực. Nếu thị trường Trung Quốc suy giảm, các lĩnh vực sản xuất tại các nước đang phát triển khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, do vậy cần xem cả khu vực là một tổng thể và cần cố gắng hợp tác với nhau nhiều hơn.
Về dự án xây dựng hệ thống đường sắt mới nối Trung Quốc với các quốc gia lục địa trong khu vực trị giá 80 tỷ USD, bà Heyzer ca ngợi dự án này sẽ “khuyến khích sự phát triển của một hành lang kinh tế trong khu vực nhằm thúc đẩy nền kinh tế của các nước trong lục địa”.
Hoạt động thương mại giữa các nền kinh tế trong khu vực đang ngày càng được mở rộng, khiến người ta nhầm tưởng châu Á đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào người tiêu dùng phương Tây. Nhưng có đến 60% thiết bị lắp ráp trong chuỗi cung cấp chung của cả khu vực là phục vụ cho nhu cầu của thị trường Mỹ và châu Âu. Dẫn đến nhiều nền kinh tế ở châu lục này hiện đang tăng trưởng âm do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và châu Âu giảm sút.
Từ năm 1985, để đối phó với tình trạng nhập siêu không bền vững, Nhật Bản đã đặt mục tiêu thoát khỏi sự lệ thuộc vào xuất khẩu, song cho đến nay, sau gần nửa thế kỷ, câu chuyện vẫn chưa có lời kết. Theo ông Clyde Prestowitz, người đã tham gia các cuộc đàm phán kinh tế của chính quyền Ronald Reagan hồi đó, cho đến giờ các cấu trúc kinh tế của Nhật Bản vẫn không hề thay đổi. Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, lấy đó làm mũi nhọn của nền kinh tế. Tất cả các sáng kiến đưa ra đều xoay quanh quy trình: tiết kiệm, đầu tư, sản xuất và xuất khẩu.
Mặc dù đã có những cải tổ tốt hơn trong giai đoạn đầu phát triển, song ở Trung Quốc, các chính sách dân tộc chủ nghĩa nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng chưa tìm được hướng đi rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nước này cần đảm bảo an sinh xã hội để khuyến khích người dân giảm bớt tiết kiệm cũng như tích trữ, dự phòng. Ngoài ra, bà Heyzer cho biết với tư cách là một đối tác quan trọng trong khu vực, Liên Hợp quốc có thể trợ giúp trong một số lĩnh vực như đa dạng hóa đầu tư, tín dụng thương mại, bảo trợ xã hội và các sáng kiến xanh. Tuy nhiên, chính phủ các nước trong khu vực cần tự nắm lấy cơ hội để đi đầu trong việc tạo ra một thể chế điều hành kinh tế thế giới mới dân chủ hơn so với những cơ cấu hiện nay.
Theo Giáo sư Yasheng Huang tại Viện kỹ thuật Massachusetts (Mỹ), nguyên nhân thực sự khiến sức tiêu dùng ở Trung Quốc thấp là thu nhập tăng chậm, đặc biệt với 700 triệu người dân sống ở nông thôn. Ông cho rằng kể từ năm 1990, Trung Quốc ít đầu tư vốn cho các doanh nghiệp nông thôn mà ưu tiên chi tiêu cho khu vực đô thị. Hầu hết những người nghèo của nước này đều không được hưởng đầy đủ các thành quả của tăng trưởng kinh tế. Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, Trung Quốc cần giải quyết tốt vấn đề thu nhập và phân chia thu nhập.
Nhờ các khoản kích thích tài chính lớn và tình trạng tài chính của khu vực tư nhân tốt hơn nên chi tiêu nội địa (bao gồm cả tiêu dùng và đầu tư) ở châu Á sẽ tăng trở lại sớm hơn so với các khu vực khác, với mức tăng 4-5% trong năm nay và 7% trong năm tới. Trong khi đó, nhu cầu nội địa của Mỹ giảm mạnh trong năm nay và vẫn yếu trong năm 2010. Trong năm tới, tổng chi tiêu nội địa (tính theo tỷ giá thị trường) của khu vực châu Á va Nhật Bản sẽ vượt qua Mỹ.
Đắc Hanh (Tổng hợp)
Công Thương
|