Thứ Tư, 15/07/2009 06:44

Quản lý giá xăng dầu: Cần công khai chi phí đầu vào

Để hạn chế độc quyền xăng dầu cần nới lỏng các điều kiện kinh doanh để có thêm doanh nghiệp tham gia.

Cho đến chiều 14-7, giá xăng dầu thế giới sau hơn 10 phiên giảm liên tiếp nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa điều chỉnh. Người tiêu dùng trong nước hy vọng sẽ có quyết định đúng đắn, hợp lý của cơ quan nhà nước sau cuộc họp báo về cơ chế điều hành giá xăng dầu dự kiến sẽ được Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 15-7.

Tám yếu tố tác động đến giá xăng dầu

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định nhà nước cần giám sát chặt chẽ được đầu vào của mặt hàng này. Những yếu tố đầu vào bao gồm giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, chi phí vận tải, chi phí lưu kho... Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ biết ngay doanh nghiệp đang lỗ hay lãi.

Còn tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), cho biết giá xăng Việt Nam phụ thuộc vào tám yếu tố. Bao gồm giá mua tại gốc; chi phí tối thiểu của doanh nghiệp từ vận chuyển đến người tiêu dùng; thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt; mức nộp ngân sách; phụ phí xăng hao (500 đồng/lít); mức chiết nộp vào quỹ bình ổn giá; tỷ giá; định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hiện nay, cả tám yếu tố này đều tù mù. Vì vậy, người tiêu dùng, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu như doanh nghiệp vận tải rất bức xúc về giá xăng dầu. Thực tế cho đến chiều 14-7, giá xăng dầu thế giới đã giảm hơn 10 phiên, xuống dưới 60 USD/thùng so với ngày 1-7 nhưng 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng này chưa có động thái gì.

Tiến sĩ Phong phân tích: “Nguyên nhân số một là cơ chế quản lý của nhà nước có kẽ hở. Hiện nay, mình quản lý theo kiểu khi giá tăng hay giảm thì bản thân đơn vị kinh doanh phải đăng ký với cơ quan quản lý giá. Khi giá xăng thế giới tăng thì họ nhanh nhảu đăng ký nhưng giá giảm thì họ tìm lý do để trì hoãn. Như thế là không công bằng với người tiêu dùng”.

Điều kiện kinh doanh cần thoáng hơn

Theo ông Ngô Trí Long (chuyên gia về giá), sẽ không có chuyện cạnh tranh lành mạnh khi thị trường có doanh nghiệp độc quyền. Việc cạnh tranh về chiết khấu hoa hồng không phải là cạnh tranh thực sự khi Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm hơn 60% thị phần. Vì vậy, đã hơn một năm chúng ta thực hiện cơ chế xăng dầu theo thị trường có sự quản lý của nhà nước nhưng mỗi lần điều chỉnh, tất cả doanh nghiệp vẫn cùng chung nhau một mức giá.

Ông Phong đề xuất nhà nước nên yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải công khai tất cả chi phí vận tải, lưu kho bãi, giá đầu vào... ở mức tối thiểu. Trên cơ sở các chi phí đầu vào của mặt hàng này được công khai, nhà nước nên quy định doanh nghiệp xăng dầu được lãi bao nhiêu. Nếu không công khai giá đầu vào thì việc doanh nghiệp điều chỉnh lợi nhuận mỗi lít từ 100 đồng lên 200 đồng sẽ là rất lớn khi nhân với tổng khối lượng được bán ra.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Long cũng cho rằng một trong những tiêu chí để hạn chế sự độc quyền xăng dầu là điều kiện kinh doanh xăng dầu phải thoáng hơn để có thêm doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, theo Nghị định 55, doanh nghiệp muốn tham gia phải có cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu nhập khẩu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác trọng tải tối thiểu 7.000 tấn; có kho chứa dung tích tối thiểu 15.000 m3... thì rất ít doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện để được cấp phép.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Long đề nghị cần chuyên nghiệp hóa các khâu. Ví dụ doanh nghiệp không có kho chứa thì có thể ký hợp đồng thuê dài hạn kho bãi của các doanh nghiệp kinh doanh về kho bãi; không có cảng chuyên dụng thì cũng ký hợp đồng thuê dài hạn với cảng chuyên dụng... Trong hồ sơ đề nghị được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, ngoài những giấy tờ yêu cầu, doanh nghiệp cần nộp hợp đồng ký kết với các đối tác. Khi đó, Việt Nam mới có thêm các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường xăng dầu nội địa. Và đương nhiên, chỉ khi thị phần của Petrolimex giảm đáng kể, xuống dưới 30% thì chúng ta mới có giá xăng dầu cạnh tranh thực sự.

Lê Thanh

Pháp luật

Các tin tức khác

>   68% DN có vốn đầu tư nước ngoài báo cáo lỗ (15/07/2009)

>   Xuất khẩu hàng lạ: “Đồ nhà quê” vượt biển (15/07/2009)

>   Gói cước nội vùng hút khách (15/07/2009)

>   Kinh tế nông thôn: Hậu phương vững chắc (15/07/2009)

>   Doanh nghiệp xăng dầu không hề lỗ (15/07/2009)

>   Nghịch lý trái cây VN - SX nhỏ khó vươn tầm thế giới (15/07/2009)

>   Cấm tham gia đấu thầu 1 năm đối với 4 nhà thầu (14/07/2009)

>   Việt Nam sẽ thiệt hại 7,3% GDP mỗi năm do biến đổi khí hậu (14/07/2009)

>   Lãng phí đất công tại TPHCM: Vẫn khó xử lý (14/07/2009)

>   Doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước lo lắng bị cắt điện (14/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật