Thứ Tư, 15/07/2009 06:16

Nghịch lý trái cây VN - SX nhỏ khó vươn tầm thế giới

Việc Trung Quốc đòi chứng nhận xuất xứ của 5 loại trái cây, theo các nhà khoa học, là lời cảnh báo để người nông dân thấy rằng cần phải tổ chức sản xuất lại theo tiêu chuẩn của thế giới. Tức là trái cây phải có xuất xứ hàng hóa, an toàn, chất lượng ngon và đặc biệt là giá phải rẻ. Mà muốn có giá rẻ thì phải trồng quy mô, đúng kỹ thuật để có năng suất cao.

Bể hợp đồng vì thiếu hàng

Ông Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Ngọc Ngân (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: “Việc xuất khẩu trái cây đối với doanh nghiệp ít gặp khó khăn gì, bởi cách đây 2 năm chúng tôi đã đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói và được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại Canada và Trung Quốc.  Khi đưa trái cây vào hệ thống bán lẻ, các siêu thị của nước sở tại chỉ photocopy giấy chứng nhận sản phẩm của Ngọc Ngân đạt chuẩn, dán lên là xong. Như Quảng Châu và Nam Ninh được xem là 2 địa phương có hệ thống kiểm dịch khó nhất của Trung Quốc, nhưng sản phẩm của Ngọc Ngân đã vượt qua rào cản đó và được cấp giấy xanh, không phải kiểm dịch lâu dài nữa”.

Ông Huy kể từ năm 2006 đã bắt đầu lập thủ tục đăng ký. Vượt qua giai đoạn kiểm tra khắt khe như chứng minh nguồn gốc sản phẩm, kỹ thuật canh tác, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất khó khăn, đến tháng 10.2008 mới được chấp nhận. Nhưng nhờ vậy mà chỉ riêng thị trường Trung Quốc, bình quân mỗi tháng Ngọc Ngân xuất đi khoảng 50 container nhãn. Vào đợt cao điểm, có khi mỗi ngày đêm xuất 4 container.

Chủ động nguồn nguyên liệu rất quan trọng, vì ông Huy cho biết vừa rồi suýt phải bồi thường một hợp đồng vì thiếu nguyên liệu. Cụ thể từ tháng 10.2008, theo hợp đồng, hằng tháng Ngọc Ngân phải xuất sang thị trường Canada ít nhất 2 container nhãn tươi (mỗi container khoảng 24 tấn). Nhưng bắt đầu được một thời gian thì không có hàng để giao. Ngoài thiếu nguyên liệu, còn có lý do khả năng chế biến của nhà máy chưa đáp ứng nổi. Tương tự, tại thị trường Trung Đông, doanh nghiệp cũng bị bể một hợp đồng với Qatar cũng vì không đủ lượng hàng để giao theo hợp đồng cung cấp 100 ngàn tấn nhãn/năm.

Ngoài thị trường Trung Quốc và Canada, nhãn Ngọc Ngân cũng đã vào được Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Hà Lan, nhưng số lượng chưa lớn. Để không bị rào cản xuất khẩu, theo ông Huy, vấn đề là làm sao để sản phẩm của mình có được đặc thù riêng. Ví dụ như trái thanh long vào Mỹ hiện đang bị rào cản là chiếu xạ. Còn muốn vào thị trường châu Âu, mà cụ thể là Đức thì trái thanh long đi đường tàu phải mất ít nhất 28 ngày. Nhưng nếu vận chuyển bằng đường hàng không thì khó có thể cạnh tranh nổi với Thái Lan về giá. Vì lợi thế của Thái Lan là ký kết được với hãng hàng không vận chuyển trái cây với giá rẻ.

Xuất chui vì không đủ tiêu chuẩn

Theo ông Huy, nếu so với Thái Lan thì trái nhãn VN có ưu thế là thơm, ngọt hơn và nhìn bên ngoài cũng bắt mắt hơn. Do vậy, nếu vận chuyển bằng đường biển thì giá nhãn VN sẽ thấp hơn và có lợi thế cạnh tranh. Ông Huy nêu ví dụ giá nhãn Thái Lan được bán tại Doha là 2,5 USD/kg, trong khi nhãn VN giá thành chưa tới 1 USD/kg. Nếu cộng cả chi phí thì xuất sang đó bán 1,5 USD/kg cũng đã quá lời. Nhưng muốn lấn sân của họ thì phải có giá cả “tương thích” với chất lượng hàng VN. Cụ thể là nếu có công nghệ bảo quản được châu Âu chấp nhận thì trái cây VN đi bằng đường biển sẽ thắng lợi.

Tuy nhiên, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở chuyên xuất khẩu bưởi da xanh với thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền “Hương Miền Tây” ở tỉnh Bến Tre, lại cho biết: “Ngoài việc cung ứng cho thị trường nội địa chừng 1.000 tấn, mỗi năm cơ sở của tôi còn xuất hơn 100 tấn bưởi da xanh sang Hồng Kông, Singapore, Đức, Na Uy... Nhưng chúng tôi chỉ xuất... chui thôi, không xuất được chính ngạch vì bưởi của mình chưa có thương hiệu, chưa xây dựng được tiêu chuẩn Global GAP!”. Xuất “chui” thế nào? Ông Hưng nói theo hợp đồng thì chỉ giao hàng tới cảng, sang bên đó thì khách hàng họ tự làm thủ tục. Xuất chui thì đương nhiên phải chịu thiệt thòi về giá, vì tốn nhiều chi phí hơn.

Khó khăn nhất hiện nay, theo ông Hưng là vùng nguyên liệu không tập trung và chưa có tiêu chuẩn sản xuất thống nhất. Bởi vậy, “khi họ vừa yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là mình đã từ chối rồi, bởi vì mình chỉ kiểm định bằng mắt thôi, chưa có tiêu chí nào cả” - ông Hưng nói.

Ông Lý Hải Long, Giám đốc xuất khẩu Công ty TNHH Bảo Thanh: “Trong suốt năm 2008 và quý 1/2009, các trang trại trồng thanh long có chứng nhận GlobalGAP nhận thấy số lượng và giá cả xuất khẩu giảm liên tục (giảm khoảng 60% về giá FOB và 30% về giá CIF, 70% về số lượng). Có hiện tượng các công ty xuất khẩu thanh long sử dụng các giấy chứng nhận GlobalGAP của các trang trại đã đạt chuẩn, nhưng lại thu mua nguyên liệu thanh long trôi nổi từ các nhà vườn không đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với giá rẻ để xuất khẩu sang châu Âu, gây ngộ nhận về chất lượng kém của thanh long. Điều này gây rủi ro cao về quản lý dư lượng thuốc BVTV, không khuyến khích nông dân trồng theo tiêu chuẩn và gây thiệt hại cho các trang trại trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP”.

Ông Nguyễn Văn KỲ, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây VN: “Kim ngạch xuất khẩu rau quả những năm gần đây tăng trưởng khá đều nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu trái cây tươi chiếm tỷ trọng khoảng 2,5%, rất ít so với rau quả chế biến. Bên cạnh đó còn nhiều khiếu nại về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì... Sản xuất và tiêu thụ trái cây của nước ta còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và so với một số quốc gia trong khu vực có điều kiện tự nhiên tương tự là Thái Lan, Philippines, Indonesia”.

Ông Nguyễn Văn Thuận (Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN-PTNT): Nhà nước cần hỗ trợ nông dân

Khi xuất khẩu sản phẩm nông sản có nguồn gốc từ thực vật nói chung, trái cây nói riêng sang các nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các yêu cầu quy định của thị trường nhập khẩu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông thường các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản... Bên cạnh đó là các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, quy cách đóng gói sản phẩm, điều kiện bảo quản và vận chuyển, thậm chí nhiều thị trường yêu cầu mỗi lô hàng nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu.

Mới đây, Trung Quốc đã thông báo cho cơ quan thẩm quyền Việt Nam các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với 5 loại trái cây (vải, nhãn, chuối, thanh long, dưa hấu) và yêu cầu 5 loại trái cây này xuất khẩu sang Trung Quốc phải được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam kiểm dịch theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Mỹ cũng là một thị trường tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Hiện tại, trái thanh long của Bình Thuận đã được cấp phép xuất khẩu vào thị trường này. Một quy định bắt buộc đối với sản phẩm thanh long vào thị trường Mỹ là yêu cầu về chiếu xạ. Cơ sở chiếu xạ sản phẩm thanh long cũng phải được cơ quan kiểm tra của Mỹ chấp thuận.

Hiện nay, sản xuất trái cây ở nước ta nhìn chung vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, sản xuất chưa tập trung. Nhiều sản phẩm của chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu và uy tín, sự liên kết trong toàn bộ chuỗi sản xuất để đưa sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ra thị trường chưa được triển khai sâu rộng, vẫn còn mạnh ai nấy làm... Vì thế, việc thâm nhập sản phẩm vào các thị trường nhập khẩu khó tính (EU, Mỹ...) vẫn còn hạn chế.

Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được những trái cây đủ tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nhập khẩu, trong đó có cả những thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đây là cả một quá trình đòi hỏi phải có lộ trình nhất định. Trong đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ nông dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh về vốn ưu đãi để họ nâng cấp cơ cở vật chất, mở rộng quy mô, sản xuất tập trung; hỗ trợ tập huấn, đào tạo áp dụng quy trình sản xuất phù hợp theo hướng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (áp dụng VietGap...), xây dựng thương hiệu, triển khai hệ thống sản xuất và tiêu thụ.

Quang Duẩn, Quang Thuần, Hoàng Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Cấm tham gia đấu thầu 1 năm đối với 4 nhà thầu (14/07/2009)

>   Việt Nam sẽ thiệt hại 7,3% GDP mỗi năm do biến đổi khí hậu (14/07/2009)

>   Lãng phí đất công tại TPHCM: Vẫn khó xử lý (14/07/2009)

>   Doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước lo lắng bị cắt điện (14/07/2009)

>   Doanh nghiệp e ngại đầu tư cửa hàng miễn thuế (14/07/2009)

>   Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ (14/07/2009)

>   Vật liệu xây dựng đua nhau tăng giá (14/07/2009)

>   Việt Nam-Thái Lan hợp tác bình ổn giá gạo (14/07/2009)

>   Lập lờ giữa xe tải VAN và xe du lịch để trốn thuế (14/07/2009)

>   Tính giá điện: “Bộ Tài chính nên vào cuộc” (14/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật