Việt Nam sẽ thiệt hại 7,3% GDP mỗi năm do biến đổi khí hậu
Theo một công bố mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo hàng năm Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 7,3% GDP do biến đổi khí hậu tác động đến các lĩnh vực kinh tế, sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và nông nghiệp vào năm 2100.
Phát biểu tại hội thảo về nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và sự thích ứng của TPHCM diễn ra sáng 14-7 tại TPHCM, ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, cho biết biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao, sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt tại các tỉnh ven biển phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng vài chục năm tới.
Ông Konishi cho biết kết quả nghiên cứu trên của ADB được khảo sát tại 4 quốc gia gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam và được công bố hồi giữa tháng 4-2009. Theo đó, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng kinh tế nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, ước tính mức thiệt hại sẽ vào khoảng 7,3% GDP mỗi năm vào năm 2100.
Riêng tại TPHCM, theo Giáo sư Trần Thục, Giám đốc Viện Khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia, hiện nay diện tích ngập thường xuyên ở thành phố là 108 ngàn héc ta, và dự báo đến năm 2050 sẽ tăng lên 135 ngàn héc ta.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, nhiều nhà khoa học kiến nghị thành phố nên xây dựng đê kè dọc bờ sông, quản lý tốt và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, tái trồng rừng đầu nguồn cho lưu vực sông Đồng Nai, xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm về lũ, khô hạn…
Tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường, Đại học quốc gia TPHCM, kiến nghị nên đưa nhiều bài giảng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục tại trường học của thành phố.
Văn Nam
TBKTSG Online
|