Hỗ trợ các nhà xuất khẩu VN tuân thủ quy định TBT và SPS của EU
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xuất khẩu sang EU do những rào cản kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch động, thực vật mà phía EU đã, đang và sẽ áp dụng và đặt câu hỏi cho các vấn đề liên quan đến TBT/SPS.
Trong khuôn khổ hoạt động WTO-7 “Hỗ trợ thực hiện các cam kết WTO về TBT/SPS, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực, hỗ trợ các nhà xuất khẩu Việt Nam tuân thủ các yêu cầu của EU về Rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) và Các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS)”, vừa qua, Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU-Vietnam MUTRAP III) đã tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ các nhà xuất khẩu Việt Nam tuân thủ quy định TBT/SPS của EU” tại thành phố Huế. Với sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu miền Trung có các mặt hàng lợi thế xuất khẩu sang EU như thủy sản, đồ gỗ…
Các chuyên gia quốc tế và trong nước của Dự án Multrap III đã trình bày tại hội thảo các nội dung liên quan đến việc tuân thủ các quy định của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới và Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) trong hệ thống WTO; quy định đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế đối với hóa chất (REACH); quy định về việc chất thải thiết bị điện và điện tử (WEEE) và Chỉ thị về hạn chế chất nguy hại (RoHS) và quy định về thực thi lâm luật, quản lý rừng và thương mại của EU; các quy định SPS của EU áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam…
Các chuyên gia quốc tế cũng trình bày những kết luận và đề xuất chính của báo cáo kỹ thuật, trong đó hiện tại không có khó khăn rõ nét lớn liên quan đến TBT trong xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, một phần do các nhà xuất khẩu sản xuất theo đơn đặt hàng và chủ yếu dựa vào các quy cách phẩm chất do người mua đề ra. Chính điều này cũng đã dẫn tới việc doanh nghiệp Việt Nam khá thụ động trong vấn đề nghiên cứu và cập nhật các quy định TBT/SPS mới của EU. Trái lại, vấn đề SPS hiện đang khá bức xúc do tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của EU khá cao và phức tạp, đang gây nhiều khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam khi tiếp cận thị trường EU.
Qua hội thảo này, các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường EU cập nhật được những thay đổi mới về các quy định như đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế đối với hóa chất (REACH), về các quy định trong TBT và SPS… từ đó tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, đồng thời sản xuất các sản phẩm xuất khẩu theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc tế, tăng cường khả năng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác cũng như tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU.
Minh Hạnh
Công Thương
|