Kinh tế Đà Nẵng từng bước vượt khó
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2009 ước tăng 5,1% so với cùng kỳ 2008; tổng vốn đầu tư phát triển là 5.350 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch, tăng 7,7%...
Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế chung toàn thành phố không cao, song có 6 trong số 10 chỉ tiêu chính tăng so với cùng kỳ năm 2008, đây là kết quả đáng khích lệ trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Trong đó, có các chỉ tiêu quan trọng như: giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng ước đạt 6.415,8 tỷ đồng, tăng 0,7%; giá trị sản xuất thủy sản- nông- lâm ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 4,7%; dịch vụ ước đạt 3.730,7 tỷ đồng, tăng 9% so với 6 tháng đầu năm 2008. Một số ngành hàng đã có tăng trưởng như sản xuất thực phẩm ước tăng 5%, thiết bị điện 4%.
Trong khi đó, kim ngạch XK của toàn thành phố từ đầu năm đến nay lại gặp nhiều khó khăn và liên tục giảm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 362,7 triệu USD, giảm 5,8%; trong đó xuất khẩu hàng hóa giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2008.
6 tháng qua, UBND thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo các ngành chủ động khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kích cầu đầu tư, tiêu dùng,…cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nên giá trị sản xuất công nghiệp quý 2/2009 có xu hướng tăng so với quy 1/2009 và đang có dấu hiệu phục hồi.
Một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh, tổ chức lại thị trường để duy trì tốc độ tăng trưởng như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng (giá trị sản xuất tăng 17% so với cùng kỳ 2008), Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước (tăng 40%), Công ty Dệt may 29-3… Một số doanh nghiệp đang triển khai mở rộng quy mô sản xuất trở lại như Công ty đồ chơi trẻ em Associated, Công ty Daiwa, Công ty Mabuchi Motor (giai đoạn 2), Công ty CP thép Đà Nẵng... Tuy nhiên, tình hình sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi và tăng tưởng còn chậm.
Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất tuy đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất nhưng năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu biến động, nguồn nguyên liệu khai thác khó khăn… nên nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn, vì thế các doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Dự báo đến cuối năm 2009, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng chưa thể hồi phục nhanh. Vì vậy, tình hình sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng dự kiến giảm như hàng dệt may ước giảm 17,8%, thủy sản ước giảm 20%.
Khả năng hoàn thành các chỉ tiêu chính về phát triển kinh tế như Nghị quyết của HĐND thành phố đề ra cho năm 2009 là rất nặng nề và khó thực hiện. Do đó, tại kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII, bên cạnh việc đề ra các giải pháp phục hồi kinh tế- xã hội UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị HĐND thành phố xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 ở mức tăng 9-10% so với năm 2008 (Nghị quyết đề ra là 11,5-12%); giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng: 10-11% (theo Nghị quyết: 14,5-15%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ: 10-11% (Nghị quyết: tăng 20-21%); giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 10-11% (Nghị quyết: 20-21%)...
Hoài Giang
Công Thương
|