Đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng lại vào cuối năm
Giống như nhiều nhà đầu tư khác, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có hàng trăm doanh nghiệp không thể trụ nổi qua cơn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhưng đồng thời, vẫn có một số doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đang mở rộng hoạt động kinh doanh với quy mô lớn.
1/3 số doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng
Chủ đầu tư Công ty TNHH Doobon Việt Nam (Hàn Quốc) tuần rồi đã yêu cầu Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất cho phép gia hạn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư nhà máy 28 triệu đô la Mỹ của công ty này tại đây thêm một năm với lý do gặp khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Theo doanh nghiệp này, phần lớn các sản phẩm của họ làm ra là xuất khẩu, nhưng trong thời gian qua thị trường kinh doanh bị giảm sút nghiêm trọng, nhất là thị trường Mỹ, nên công ty xin kéo dài thời gian triển khai dự án. Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất đã đồng ý chi cho Doobon gia hạn thời gian triển khai dự án xây dựng nhà máy chuyên sản xuất chất trung hòa cho ngành lọc hóa dầu và sản xuất các loại hóa mỹ phẩm gia dụng trong vòng sáu tháng. Như vậy, Doobon sẽ triển khai dự án của mình trong năm 2010.
Trước đó (cách đây khoảng hai tháng), cũng do khó khăn về khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Công ty KLS của Hàn Quốc cũng đã rút khỏi dự án xây dựng khu giải trí và thương mại tại khu kinh tế Dung Quất.
Trong khi đó, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất cũng đang làm thủ tục rút giấy phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy của Công ty BNC Asia (Hàn Quốc), vì không thể triển khai.
Tình hình khó khăn diễn ra nhiều địa phương đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tại TPHCM, Liên đoàn Lao động quận 8, TPHCM, đã nhận được quyết định của Tòa án Nhân dân TPHCM về việc thành lập tổ quản lý, thanh lý tài sản Công ty Vina Haeng Woon (Hàn Quốc).
Tại Khánh Hòa, STX Vina – một doanh nghiệp đóng tàu quy mô lớn của Hàn Quốc cũng vừa đề nghị Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong cho gia hạn một thời gian triển khai dự án đóng tàu có vốn đầu tư khoảng 500 triệu đô la Mỹ của mình tại đây.
Gần đây, tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc Posco đã quyết định chuyển nhượng khoảng 15% cổ phần trong dự án thép có tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Lee Chang Keun, Chủ tịch danh dự Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TPHCM (Kocham), cho biết trong khoảng 1.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam thì có gần 500 doanh nghiệp gặp vấn đề nghiêm trọng trong kinh doanh và 100 doanh nghiệp trong số đó không thể vượt qua.
Trong 1.000 doanh nghiệp còn lại thì chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp được xem là vẫn đang hoạt động bình thường, ít bị tác động của cuộc khủng hoảng. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua sắm, giải trí, điện và điện tử ít bị ảnh hưởng nhất trong khi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, túi xách (chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam) đang trải qua thời điểm khó khăn nhất.
Trong những năm qua, Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Về vấn đề giải ngân vốn, Hàn Quốc cũng xếp ở những vị trí đầu tiên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Lee Chang Keun, khoảng 20% doanh nghiệp Hàn Quốc có số vốn từ 10 triệu đô la Mỹ đến hàng tỉ đô la Mỹ và 80% còn lại có vốn vài triệu đô la. Và các doanh nghiệp nhỏ này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may, túi xách nên chịu tác động mạnh của suy thoái kinh tế.
Ông cho biết thêm, Kumho - nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam, cũng đang cắt giảm một số dự án ở Việt Nam vì suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhiều dự án mới đầu tư quy mô lớn
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn xem Việt Nam như là một điểm đến tiềm năng lâu dài, đặc biệt sau chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hàn Quốc gần đây. Do đó, trong khi một số doanh nghiệp gặp khó khăn trì hoãn dự án hoặc hủy dự án đầu tư thì một số khác lại tiếp tục mở rộng kinh doanh.
Từ ngày 8-7, 17 doanh nghiệp Hàn Quốc, cùng hơn 200 doanh nghiệp của 20 nước khác tham gia triển lãm công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại Việt Nam (MTA Vietnam 2009) diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.
Ông William Lim, Giám đốc Dự án của ban tổ chức Triển lãm MTA Việt Nam, Công ty Dịch vụ Triển lãm Singapore cho biết, so với 5 lần trước, triển lãm năm nay, lượng doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia tăng mạnh nhất so với các nước khác. Trước đây, MTA Vietnam chỉ thu hút 7 - 8 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia. Qua tìm hiểu, ông William Lim cho rằng việc tham gia nhiều trong điều kiện kinh tế thế giới đang bị suy thoái là vì doanh nghiệp Hàn Quốc rất tin tưởng vào thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.
Theo ông Lee Chang Keun, chuyến thăm của Thủ tướng ở Hàn Quốc là tín hiệu rất tốt cho hoạt động đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc ở Việt Nam cũng như đẩy mạnh mối quan hệ giao thương của hai nước. Ông Lee dự báo đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng lại vào cuối năm, nhưng không cao và ước chỉ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, da giày sẽ không vào Việt Nam nhiều như trước mà thay vào đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản vì đây là hai lĩnh vực được xem là rất tiềm năng ở thị trường Việt Nam hiện nay, ông Lee nói.
Thực tế cho thấy một số doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đang mở rộng hoạt động kinh doanh với quy mô lớn.
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc mới đây đã ký biên bản ghi nhớ với Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM về việc nghiên cứu, lập kế hoạch đầu tư dự án khu phức hợp tháp quan sát tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo bản ghi nhớ này, Lotte sẽ tiến hành nghiên cứu, lập báo cáo đầu tư dự án trên quy mô gần 20 héc ta thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm về phía đông của thành phố.
Nhà đầu tư dự kiến tổng mức đầu tư cho khu phức hợp nói trên khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Lotte hiện được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hoạt động rất thành công ở Việt Nam với trung tâm thương mại lớn Lotte ở Nam Sài Gòn và một số dự án khác. Hiện Lotte Mart đang có kế hoạch mở nhiều trung tâm thương mại và siêu thị cũng như rạp chiếu phim tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn điện tử Samsung cũng vừa đưa vào khai thác nhà máy sản xuất điện thoại quy mô lớn ở Bắc Ninh có công suất 30 triệu sản phẩm/năm với vốn đầu tư vài trăm triệu đô la Mỹ. Tập đoàn này cam kết sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư cho dự án để đạt công suất lên đến 100 triệu sản phẩm/năm.
Hay với tập đoàn công nghiệp nặng Doosan của Hàn Quốc. Mặc dù kinh tế đang suy thoái nhưng vẫn tổ chức lễ khánh thành nhà máy chế tạo thiết bị nặng Doosan Vina tại khu kinh tế Dung Quất có vốn đầu tư lên đến 260 triệu đô-la Mỹ. Đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp nặng lớn nhất Việt Nam.
Trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp lớn của hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận về hợp tác đầu tư với giá trị hàng tỉ đô la Mỹ. Trong đó phải kể đến những tập đoàn của Hàn Quốc là KEIC, Posco, Kumho, Chung Suk, Hyundai, Kookmin...
Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Hiện tại, Hàn Quốc có 2.150 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là khoảng 19 tỉ đô la Mỹ, đứng hàng thứ hai trong số 90 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều tập đoàn lớn như KNOC, SK, KEPCO, HUYNDAI, SAMSUNG, LG, POSCO và KUMHO đã đầu tư vào những lãnh vực quan trọng như dầu khí, xây dựng, điện tử, hóa học, dệt may, giày dép và dịch vụ.
Hùng Châu
TBKTSG ONLINE
|