Cạnh tranh khốc liệt kinh doanh vận tải hành khách
Hiện nay, ở miền Tây Nam Bộ, các loại xe vận tải hành khách thông thường và “xe dù” vẫn còn hoạt động trên nhiều tuyến. Ấy nhưng, xe khách chất lượng cao đang ngày càng là sự chọn lựa của nhiều hành khách ở ĐBSCL.
Điều đó lý giải vì sao số hãng xe chất lượng cao ra đời ngày càng nhiều, “châm ngòi” cho cuộc cạnh tranh kinh doanh vận tải hành khách ngày càng trở nên khốc liệt...
Cuộc đua không dễ thở
Có thể nói, sự xuất hiện của Hãng xe Phương Vinh tại TP.Cần Thơ cách đây khoảng 7 – 8 năm là sự khởi đầu cho loại hình vận tải hành khách chất lượng cao ở ĐBSCL. Thoạt đầu, đây gần như là sự chọn lựa duy nhất đối với hành khách ở Cần Thơ - chủ yếu đi TPHCM - ngán ngẫm loại “xe dù”.
Ấy nhưng, không lâu sau đó các hãng xe chất lượng cao ra đời ngày càng nhiều với Hải Cường, Tô Châu, CP vận tải Sài Gòn... “Cuộc chiến” cạnh tranh khốc liệt bắt đầu với 2 tuyến chính là Cần Thơ – TPHCM, Cần Thơ – Cà Mau (và ngược lại). Cứ sau một thời gian, tấm bản đồ xe chất lượng cao lại được... vẽ lại với tên hãng này mất đi, tên hãng khác xuất hiện; mà gần đây nhất là cuộc rút lui của CP Sài Gòn.
Cuộc cạnh tranh được dự báo sẽ càng trở nên sôi động hơn với sự xuất hiện của một doanh nghiệp có tiềm lực mạnh (Cty CP Đầu tư địa ốc – ôtô Phương Trang). Tại An Giang, trong cuộc cạnh tranh này cũng đã có vài hãng xe không trụ vững...
Để thu hút hành khách, hầu hết các hãng xe chất lượng cao đều cố gắng giữ giá vé ổn định nếu giá xăng, dầu không tăng quá đột biến. Theo ông Nguyễn Thế Hùng (Trưởng trạm điều hành tại Bến xe Cần Thơ, Cty TNHH dịch vụ vận tải Phương Thảo), dù từ ngày 10.6 giá xăng dầu diesel tăng thêm 1.000 đồng/lít làm tăng chi phí hoạt động, nhưng Cty vẫn giữ mức giá 70.000 đồng/vé (tuyến Cần Thơ – TPHCM) và 60.000 đồng/vé (tuyến Cần Thơ – Cà Mau).
Có hãng xe còn đưa ra mức giá khuyến mãi thấp hơn các hãng xe khác ở cùng một thời điểm: Trong khi một số hãng xe giá vé là 70.000 đồng/vé (tuyến Cần Thơ – TPHCM), thì Samco tung ra đợt khuyến mãi với giá chỉ 55.000 đồng/vé (sau đó nâng lên 60.000 đồng/vé).
Tuy nhiên, xem ra ông Nguyễn Văn Lấn (Phó TGĐ Mai Linh Express, phụ trách khu vực Tây Nam Bộ) đã có lý khi cho rằng, giá vé hiện nay không phải là yếu tố quyết định trong cạnh tranh kinh doanh vận tải hành khách. Chất lượng dịch vụ chính là yếu tố ngày càng được hành khách quan tâm nhất.
Giành lấy nụ cười...
Có mặt tại ĐBSCL từ năm 2005, Mai Linh Express khu vực Tây Nam Bộ có chi nhánh tại tất cả các địa phương trong khu vực và 2 “vệ tinh” ở Hà Tiên (Kiên Giang) và Châu Đốc (An Giang). Với số lượng đầu xe nhiều, tuyến Cần Thơ - Sài Gòn xe Mai Linh xuất bến với mật độ từ 15 - 60 phút/chuyến tùy thời điểm trong ngày. Tuy đã là một thương hiệu quen thuộc, song Mai Linh vẫn đang tiếp tục triển khai các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Lấn, nỗi ám ảnh bị xe đò (loại xe 45 chỗ ngồi) “hành” một thời đã qua. Xe 45 chỗ ngồi ngoại nhập máy lạnh, ghế nằm, độ an toàn cao đang ngày càng được nhiều hành khách chọn lựa thay vì đi xe 14 chỗ ngồi. Mai Linh đã đưa 5 xe loại này vào hoạt động tuyến Cần Thơ – TPHCM.
Cùng với việc thay đổi phương tiện, Mai Linh còn quan tâm đặc biệt tới yếu tố con người: Bố trí giờ giấc phù hợp hơn để đội ngũ nhân viên phục vụ tốt hơn; mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, bán hàng để nâng cao kỹ năng phục vụ cho nhân viên song song với việc nâng cao chất lượng khâu tuyển dụng nhân sự.
Mới hoạt động ở ĐBSCL 6 tháng, nhưng Hãng xe Phương Trang đã bước đầu tạo được sức thu hút hành khách đáng kể. Sử dụng toàn bộ xe loại 45 chỗ ngồi nhập từ Hàn Quốc, hiện bình quân Phương Trang xuất bến trên 20 chuyến/ngày (tuyến Cần Thơ – Sài Gòn).
Ông Trần Trung Hạnh (Trưởng chi nhánh Phương Trang tại Cần Thơ) cho biết: Tuyến Cần Thơ – Đà Lạt xe cũng đã lăn bánh từ ngày 20.6 và sắp khai trương tuyến Cần Thơ – Cà Mau. Phòng đợi của Phương Trang gắn máy lạnh, phục vụ càphê và trái cây miễn phí cũng có thể coi là một cung cách phục vụ cao cấp...
Không chỉ đang giữ mức giá vé rẻ hơn so với một số doanh nghiệp vận tải khác, Samco - với loại xe cỡ lớn khá hiện đại – cũng quan tâm tới yếu tố chất lượng dịch vụ. Hành khách đi xe Samco nếu không tới quầy mua vé mà đi thẳng ra xe đều được nhân viên mời lên xe, sau đó vé được nhân viên mang ra tận xe. Ngoài “bác tài”, thay vì là phụ xe, Samco có một nhân viên nữ đi suốt chuyến hành trình với phương châm sẵn sàng phục vụ khi quý khách có yêu cầu.
Tạo cảm giác an toàn, tâm lý thoải mái cho hành khách với các dịch vụ tiện ích, thái độ phục vụ thân thiện, hòa nhã đang được các hãng xe chất lượng cao quan tâm trong “cuộc chiến”... giành lấy nụ cười của hành khách. Hiện chưa có cuộc khảo sát nào về thị phần đối với loại hình vận tải hành khách của các hãng xe chất lượng cao ở ĐBSCL. Tuy nhiên, có thể thấy các doanh nghiệp tiềm lực tài chính không mạnh, thiếu biện pháp quản lý hiệu quả khâu chất lượng dịch vụ sẽ khó trụ vững trong cuộc đua đường dài ngày càng khốc liệt...
Lê Như Giang
Lao Động
|