Thứ Năm, 09/07/2009 08:02

Tăng giám sát để bình ổn giá

Báo NLĐ ngày 8-7 đã có bài phản ánh tình trạng tăng giá một số mặt hàng như sắt thép, vật liệu xây dựng, nguyên liệu thủy sản... Làm cách nào để bình ổn giá? Các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế cùng đưa ra giải pháp cho vấn đề này

TS Lê Đăng Doanh, Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS): Kiểm soát các lĩnh vực độc quyền

Muốn tránh lạm phát, phải giữ chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng cuối năm ở mức rất thấp. Nếu cứ tiếp tục tăng giá xăng dầu như thời gian qua thì tác động tăng giá các mặt hàng sẽ không tránh được, vì giá xăng dầu tăng lên thì giá thực phẩm, hàng tiêu dùng, vận tải và nhiều thứ khác cũng tăng. Sau 2 hoặc 3 tháng, sự tăng giá của các mặt hàng này sẽ quay vòng tác động trở lại chi phí, tiền lương của doanh nghiệp (DN).

Phải kiểm soát, giám sát rất chặt chẽ hoạt động của các công ty thuộc những lĩnh vực độc quyền như điện, xăng dầu. Cho đến nay, chưa có báo cáo nào về tình hình quản lý phí, cơ cấu chi phí của các DN nhập khẩu xăng dầu. Cần phải có báo cáo kiểm toán, thanh tra đối với các DN này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Phạt nặng hành vi tăng giá vô cớ

Giá điện, xăng dầu và nguyên liệu... tăng sẽ khiến giá các loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo, dễ dẫn đến lạm phát. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của VN hiện nay, nguy cơ lạm phát không chỉ đến từ nguyên nhân giá tiêu dùng tăng mà còn do lưu lượng tiền trong nền kinh tế quá nhiều, tổng dư nợ tăng cao.

Các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các viện kinh tế phải ngồi lại để chỉ ra nguyên nhân tăng giá hàng hóa nhằm có chính sách điều chỉnh phù hợp. Ủy ban Vật giá Nhà nước phải tăng cường theo dõi diễn biến giá; xem xét những trường hợp tăng giá có hợp lý không; đẩy mạnh chế tài theo pháp luật đối với những DN tăng giá không có căn cứ, tăng giá vô tội vạ theo kiểu “té nước theo mưa”.

Ông Trần Quốc Thái, Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thủy tinh VN: Lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ DN “nội”

Giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua (hiện giá dầu ma dút tại VN cao hơn các nước khoảng 30%) làm tăng chi phí đầu vào, khiến các DN kính phải “gồng mình” chịu lỗ vì nếu tăng giá bán thì không cạnh tranh được với kính giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, các DN sản xuất kính đã giảm khoảng 45% công suất thiết kế cho các nhà máy, chỉ còn ở mức 1.170 tấn/ngày. Một số đơn vị chịu không nổi đã ngưng sản xuất.

Trước tình hình này, Hiệp hội Kính và Thủy tinh VN kiến nghị Nhà nước nhanh chóng thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN trong nước, cần có chính sách điều chỉnh giá dầu ma dút phù hợp và giảm thuế GTGT đối với các mặt hàng kính xây dựng còn 5%, bằng thuế GTGT đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng phục vụ tiêu dùng...

TS Nguyễn Minh Phong,Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội: Ngăn xin - cho trong cấp vốn kích cầu

Để thực hiện tốt nhiệm vụ mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, cần tiếp tục triển khai kích cầu có trọng tâm, trọng điểm; đề cao yêu cầu hiệu quả và bám sát hơn các nguyên tắc thị trường, ngăn chặn nạn xin - cho trong hoạt động kích cầu, nhất là thực hiện các nguyên tắc “kích cầu bằng các đồng tiền phi lạm phát” (không phát hành tiền khống để cho vay, không cho vay dễ dãi, không cho vay quá dàn trải hoặc quá tập trung...).

Đồng thời, Nhà nước và DN tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại có tổ chức, chuyên nghiệp cao, đi đôi với thúc đẩy các hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế...

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN: Giúp DN thông tin dự báo thị trường

Thời gian qua, do dự báo yếu nên năm 2008, nhiều DN đã nhập phôi thép với số lượng lớn để dự trữ (vì sợ giá sẽ tăng) nhưng đến cuối năm, giá phôi thép giảm mạnh khiến các DN lỗ nặng. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, nhiều DN không dám trữ hàng như trước mà chấp nhận “ăn đong”, giữa lúc đó giá phôi thép lại liên tục tăng buộc DN phải mua phôi giá cao làm cho giá thép bán ra cũng bị đẩy lên.

Để cải thiện tình hình, các cơ quan chuyên môn của Nhà nước nên nghiên cứu thị trường để đưa ra dự báo kịp thời giá cả hàng hóa theo nhiều cấp độ để giúp DN chủ động trong sản xuất.

TPHCM kiến nghị sửa quy định về đăng ký giá sữa

Trước phản ánh của dư luận về việc người tiêu dùng VN hiện phải chịu giá sữa cao nhất thế giới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, các cơ quan chức năng tại TPHCM đã tiến hành kiểm tra những đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn TP. UBND TPHCM vừa có văn bản số 3267/UBND-TM báo cáo Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan về kết quả đợt kiểm tra nói trên.

Báo cáo của UBND TP có một số nội dung đáng chú ý. Một là, giá sữa nguyên liệu giảm rất mạnh kể từ cuối năm 2008 đến nay (13,8% - 38%) nhưng giá sữa bột thành phẩm tại thị trường TP nói riêng và cả nước nói chung không giảm mà có xu hướng tăng nhẹ ở một số sản phẩm. Hai là, đối với sữa thành phẩm ngoại nhập, giá sữa do nhà phân phối đề nghị DN bán cho người tiêu dùng cao hơn gấp 2 lần so với giá bán (trên 200%).

Từ thực tế đó, để làm tốt nhiệm vụ kiểm soát giá, bình ổn thị trường, UBND TP kiến nghị: Về quy định DN phải đăng ký giá hiện nay (các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có trên 50% vốn sở hữu Nhà nước trong vốn điều lệ DN mới đăng ký giá), cần sửa đổi theo hướng “tất cả DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá theo quy định pháp luật”. Ngoài việc kiến nghị điều tra nghi vấn các công ty sữa lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường để bắt tay làm giá, UBND TP còn kiến nghị các bộ, ngành chức năng nghiên cứu và công bố chất lượng hàng hóa mặt hàng sữa để giúp người tiêu dùng chọn mua được loại sữa phù hợp.

Nhóm PV kinh tế

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Thị trường nhà ở vẫn ảm đạm (09/07/2009)

>   Chưa thể cấp giấy chứng nhận ĐKKD trong 5 ngày (09/07/2009)

>   Phấn đấu đạt kim ngạch 6,2 tỷ USD/tháng (09/07/2009)

>   Thêm giải pháp kích cầu du lịch (09/07/2009)

>   Tháo dỡ rào cản xuất khẩu cá biển (09/07/2009)

>   Tiêu thụ thời trang nội địa tăng 23% (09/07/2009)

>   Quảng bá sớm cho chương trình tháng khuyến mãi (09/07/2009)

>   Xuất khẩu cá tra sang châu Âu hồi phục (09/07/2009)

>   TP Hồ Chí Minh: Ban hành quy chế bán đấu giá hàng hóa (09/07/2009)

>   Nhà nước nên định giá xăng, dầu (09/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật