Thứ Năm, 09/07/2009 06:10

Nhà nước nên định giá xăng, dầu

Kinh doanh xăng, dầu còn độc quyền thì không thể để cho doanh nghiệp tự định giá như cơ chế hiện nay.

Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2007 về kinh doanh xăng dầu. Chiều qua (8-7), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM , Tiến sĩ Ngô Trí Long (ảnh), chuyên gia nghiên cứu giá cả nhận định:

“Đối với kinh doanh xăng dầu, vấn đề cần bàn nhất hiện nay là cơ chế quản lý giá. Tôi cho rằng quy định trong Nghị định 55 là hoàn toàn chưa phù hợp với cơ chế thị trường khi để cho doanh nghiệp tự định giá trong lúc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang giữ vị trí độc quyền trong lĩnh vực này”.

Còn độc quyền thì không thể thả giá

. Thưa ông,vậy ông có thể phân tích cơ chế định giá xăng dầu trong Nghị định 55 chưa phù hợp ở điểm nào?

+ Từ 16-9-2008, Chính phủ có quyết định cơ chế điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nhưng như vậy không có nghĩa là để cho thị trường tự quyết định bởi thực tế, sản phẩm xăng dầu đang còn độc quyền. Theo Luật Cạnh tranh, nếu một doanh nghiệp (DN) chiếm 30% thị phần thì đó là DN kinh doanh độc quyền. Hiện nay thị trường xăng dầu trong nước có 11 đầu mối nhập khẩu nhưng riêng Petrolimex chiếm tới hơn 60% thị phần. Căn cứ vào Luật Cạnh tranh thì Petrolimex là DN độc quyền.

Theo quy luật của cơ chế thị trường, những sản phẩm của ngành nào còn độc quyền thì nhà nước phải định giá, không bao giờ để cho DN tự định. Thế nhưng trong Nghị định 55 lại quy định DN tự định giá.

. Cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay còn có bất cập gì nữa, thưa ông?

+ Nghị định 55 để cho DN tự định giá nhưng cũng nửa vời bởi muốn điều chỉnh giá thì DN lại phải đăng ký với cơ quan quản lý giá, sau ba ngày cơ quan nhà nước không có ý kiến thì DN được phép điều chỉnh. Thế nên tôi mới nói là cơ chế điều hành giá xăng dầu của ta đang có vấn đề. Có hiện tượng là khi giá xăng dầu thế giới tăng thì DN đòi tăng ngay, còn khi giá thế giới giảm thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt. Hôm nay (9-7) chẳng hạn, giá xăng dầu thế giới xuống 62 USD/thùng nhưng giá bán trong nước lại không hề giảm. Cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay gây bất bình với người tiêu dùng là vì vậy.

Ngoài ra, một số quy định của Bộ Tài chính liên quan đến cơ chế quản lý giá xăng dầu gần đây lại bị vô hiệu hóa. Ví dụ, quy định mỗi lần xăng dầu tăng giá không quá 500 đồng/lít nhưng hai lần tăng giá gần đây đều cao hơn mức quy định này...

Cần có thêm DN tham gia

. Phải chăng các quy định trong Nghị định 55 quá khắt khe khiến các DN mới khó có điều kiện tham gia thị trường để xóa thế độc quyền của Petrolimex?

+ Nghị định 55 đưa ra các điều kiện kinh doanh xăng dầu rất chặt chẽ như DN muốn tham gia phải có cảng chuyên dụng, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu nhập khẩu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác trọng tải tối thiểu 7.000 tấn; có kho chứa dung tích tối thiểu 15.000 m3... Quy định thế là rất cần thiết bởi đây là mặt hàng kinh doanh đặc biệt, chiến lược nên không phải DN nào cũng có khả năng tham gia.

Để khuyến khích cạnh tranh thì cần phải tạo điều kiện để có thêm DN tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, tạo điều kiện bằng cách hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất... chứ không thể hạ điều kiện xuống được.

. Theo ông, cơ chế quản lý xăng dầu sẽ theo hướng nào để đảm bảo hài hòa lợi ích chung?

+ Vì kinh doanh xăng dầu trong nước còn độc quyền nên không thể để cho DN định giá mà nhà nước phải làm. Chắc chắn khi nhà nước định giá thì người dân sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Giá do nhà nước định không phải theo cơ chế bao cấp, không bù lỗ mà vẫn theo giá thế giới để định giá theo thị trường cho hợp lý. Trên cơ sở cân đối lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và DN, nhà nước sẽ đưa ra mức giá theo mục đích của từng giai đoạn một.

Đơn cử, trong bối cảnh kích cầu hiện nay, để khoan sức dân, nhà nước có thể hạ thuế nhập khẩu, giảm phí phụ thu... để có mức giá thấp nhất ra thị trường. Tuy nhiên, mức giá này vẫn phải đảm bảo DN sẽ đủ bù đắp chi phí và có lợi nhuận nhất định để có thể tái sản xuất được. Còn nếu để DN tự định giá thì sẽ chỉ vì lợi nhuận của mình.

Khi nhà nước định giá, các cơ quan nhà nước phải căn cứ trên báo cáo kiểm toán, báo cáo thuế... để phân tích các chi phí đầu vào của mặt hàng xăng (gồm giá nhập khẩu, chi phí vận tải, phí, thuế....). Trên cơ sở đó, một mức giá hợp lý theo cơ chế thị trường sẽ được đưa ra.

. Xin cảm ơn ông.

Lê Thanh

Pháp luật

Các tin tức khác

>   Phát triển công nghiệp phụ trợ (09/07/2009)

>   Cam kết thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Ai Cập (08/07/2009)

>   Tháng 7, trình phương án điều chỉnh lương tối thiểu (08/07/2009)

>   Siết chặt "rào" với hàng Trung Quốc chất lượng kém (08/07/2009)

>   Khu kinh tế cửa khẩu được bán hàng miễn thuế (08/07/2009)

>   TKV đầu tư xây tổ hợp công nghiệp môi trường (08/07/2009)

>   Sản xuất công nghiệp: Nỗ lực cho tăng trưởng 10% cả năm (08/07/2009)

>   Tham khảo kinh nghiệm của Singapore trong quản lý vốn Nhà nước tại DN (08/07/2009)

>   TPHCM giải ngân vốn ODA vượt kế hoạch năm 2009 (08/07/2009)

>   Khai thác cát trên sông Hậu quá “nóng” (08/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật