Sản xuất công nghiệp: Nỗ lực cho tăng trưởng 10% cả năm
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng diễn ra hôm nay (8/7), Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết mặc dù Quốc hội đã điều chỉnh chỉ tiêu nhưng 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ngành Công Thương vẫn phải nỗ lực để bù lại các chỉ tiêu đã hụt của 6 tháng đầu năm.
Theo thứ trưởng Bùi Xuân Khu, 6 tháng cuối năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo cả năm tăng trưởng đạt mức cao nhất có thể, không thấp hơn 10% (chỉ tiêu điều chỉnh Quốc hội mới thông qua). Trong 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 324.200 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ, để bù lại mức thiếu hụt của 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt mức tăng trưởng 15-16% trong 6 tháng cuối năm.
Về xuất khẩu, đây là lĩnh vực khó khăn nhất của ngành, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 27,612 tỷ USD giảm 10,13% so với cùng kỳ (tương đương 4,6 tỷ USD bình quân mỗi tháng).
Đảm bảo kim ngạch tăng trưởng 3% của cả năm 2009 , theo tính tóan 6 tháng còn lại kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi tháng phải đạt 6,2 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong suy thoái kinh tế, kịp thời cơ cấu lại đầu tư và nguồn vốn đầu tư phát triển, hỗ trợ lãi suất, điều hành linh họat chính sách tiền tệ.
Giờ đây các doanh nghiệp phải nỗ lực cùng Chính phủ đẩy mạnh sản xuất.
Với ý thức là ngành đi trước một bước, theo Tổng giám đốc Tập đoàn Điện Lực Việt nam (EVN) Phạm Lê Thanh, 6 tháng cuối năm EVN đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế quốc dân, dự kiến EVN sẽ cung cấp 39 tỷ KWh điện với mức tăng trưởng 11,8-12%, Tập đoàn cũng đang gấp rút chuẩn bị đưa vào vận hành 9 nhà máy mới với tổng công suất 2.100 MW.
Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Lê Quốc Ân cho biết: Với chính sách kịp thời của Chính phủ, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của dệt may đã đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2008, đạt hơn 4 tỷ USD, giảm 1,3%. 6 tháng cuối năm, toàn ngành Dệt May dự kiến đạt mức tăng trưởng 6% để đảm bảo mức tăng trưởng cả năm 2-3%.
Ngành Dệt May đang tập trung mọi nỗ lực để ký được các đơn hàng ngay trong quý đầu III. Tuy nhiên, theo ông Ân, để các doanh nghiệp Dệt May đạt hiệu quả cao hơn, cần có chính sách nhà ở cho công nhân dệt may để doanh nghiệp giữ chân người lao động.
Theo ông Nguyễn Tiến Long Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ngành công nghiệp Hà Nội chưa có mức tăng trưởng, vì vậy thời gian tới đây, Sở Công Thương TP Hà nội sẽ tăng thời lượng đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để tăng cường thông tin cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho cho doanh nghiệp .
Cũng theo ông Long, ngành Hải quan cần cải cách hành chính tạo thông thóang cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Về vấn đề này, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan cũng đang dự kiến thay đổi cách thức tổ chức đối thoại với doanh nghiệp.
Ông Cường cũng chia sẻ, để doanh nghiệp bớt được thời gian làm thủ tục khai hải quan điện tử vì vậy mong muốn các ngành cũng phải điện tử hóa đồng bộ.
Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, Bộ sẽ tiếp tục rà sóat, điều chỉnh kế hoạch đầu tư theo tinh thần ngừng đầu tư các công trình, dự án chưa cần thiết để tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án cần hoàn thành trong năm 2009 sớm đi vào họat động. Tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ trong nước, chủ động đưa hàng hóa về nông thôn.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nông, lâm thủy sản, trước hết là việc tiêu thụ nông sản của một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn và sản xuất tập trung như lúa, gạo thủy sản...
Quỳnh Hoa
Chính Phủ
|