Thứ Năm, 09/07/2009 08:39

Xây dựng cảng Vân Phong: Sẽ tiếp nhận những tàu lớn nhất

Sau bài phỏng vấn TS Chu Quang Thứ “Đừng biến vịnh Vân Phong thành ao làng”, cảnh báo nếu xây dựng cảng này chỉ làm cầu cho loại tàu 6.000-9.000 TEU (đơn vị tiêu chuẩn tính container) thì sẽ hạn chế các tàu vào cảng, Tuổi Trẻđã nhận được nhiều phản hồi từ các nhà khoa học, doanh nghiệp. Trong đó có ý kiến của chủ đầu tư - Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines).

* Tiến sĩ Nguyễn Thiết Hùng (chủ tịch Hội KHKT biển Khánh Hòa ): Nếu xây dựng cầu tàu 6.000 TEU là lãng phí

Tôi rất đồng ý với quan điểm của tiến sĩ Chu Quang Thứ về việc xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế với quy mô cầu tàu 15.000 TEU. Hiện nay cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tiếp nhận tàu 6.000 TEU, nếu xây dựng cầu tàu 6.000 TEU ở cảng Vân Phong là một sự lãng phí lớn.

Bởi lẽ Cái Mép gần chân hàng xuất khẩu (cũng là đầu mối nhập khẩu) hơn. Tàu 6.000 TEU (trở xuống) vào VN sẽ chọn Cái Mép thay vì chọn Vân Phong, vì các chủ hàng xuất khẩu không muốn phát sinh chi phí chuyên chở hàng ra Vân Phong một khi có thể tập kết tại Cái Mép. Với hàng nhập khẩu cũng vậy, nhận hàng từ Cái Mép đưa về TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và miền Tây gần hơn so với nhận hàng từ Vân Phong.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cần siết chặt việc đầu tư xây dựng cảng, tránh hiện tượng các địa phương đua nhau làm cảng nước sâu sẽ lãng phí rất lớn, do lượng hàng hóa xuất nhập khẩu còn quá ít, hiệu suất sử dụng cảng rất thấp. Thậm chí có cảng xây xong đành bỏ hoang phế, xuống cấp.

* KS Doãn Mạnh Dũng (phó chủ tịch Hội KHKT biển TP.HCM, nguyên trưởng ban cơ sở hạ tầng cảng biển VN): Cần tính đến xu thế nước biển dâng cao

Trước mắt nên làm một cầu tàu 15.000 TEU ở cảng Vân Phong, sau đó tùy nhu cầu thực tế sẽ xây dựng thêm cầu tàu khác. Ngoài ra cũng không nên xây dựng cầu tàu theo kiểu kết cấu sàn trên cọc. Cần phải tính đến xu thế nước biển dâng cao do hiệu ứng nhà kính trái đất. Nếu kết cấu sàn trên cọc, khi nước biển dâng cao phải phá bỏ sàn, nhổ cọc, làm lại tất cả.

Việc xây dựng cầu tàu ở Vân Phong nên theo phương án “bến thùng chìm” (tương tự kết cấu sà lan bêtông nhiều khoang, lấp đầy các khoang bằng hạt nix phế thải). Khi nước biển dâng cao chỉ cần tôn thêm nền mặt cảng. Nếu làm cảng theo phương án bến thùng chìm, có thể giải quyết lượng hạt nix qua sử dụng ngót triệu tấn tồn đọng từ nhiều năm nay của Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin.

* Dương Chí Dũng (chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines): Đang điều chỉnh lại thiết kế

Vừa qua thời gian khởi công hai bến của cảng Vân Phong có kéo dài hơn dự kiến là do trước đây quy hoạch của Chính phủ phê duyệt được thiết kế để nhận tàu 6.000 TEU. Nhưng khi được giao làm chủ đầu tư, chúng tôi nhận thấy nếu xây cầu tàu 6.000 TEU sẽ không tạo lợi thế cạnh tranh để tiếp cận tàu lớn. Với tính chất cảng trung chuyển thì tối thiểu phải tiếp nhận tàu trên 6.000 TEU trở lên cho tới những tàu lớn nhất trên thế giới hiện nay và trong tương lai.

Chính vì vậy, vừa rồi chúng tôi phải xin phép điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hai bến khởi động để tiếp nhận được tàu 9.000 TEU. Việc chậm khởi công là do gần như phải điều chỉnh lại và thiết kế lại kỹ thuật của hai bến thành 9.000 TEU. Chúng tôi đã hoàn tất điều chỉnh thiết kế hai bến khởi động cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và đang trình Chính phủ phê duyệt.

Sau hai bến khởi động trên, chúng tôi sẽ xây dựng các bến có thể tiếp nhận tàu từ 12.000 - 15.000 TEU. Riêng khu vực tiềm năng được xây dựng sau này sẽ làm cảng tiếp nhận được tàu lớn tối đa 18.000 TEU. Trên thế giới hiện nay mới chỉ có tàu 15.000 TEU, còn tàu 18.000 TEU hiện nay mới có thiết kế, chưa sản xuất, nhưng vì xây dựng cảng trung chuyển quốc tế thì phải tính đến việc tiếp nhận những con tàu lớn nhất.

Việc tiến độ xây cảng Vân Phong chậm là do phải điều chỉnh chứ không phải do thiếu vốn đầu tư. Tổng mức đầu tư cho hai bến khởi động này là trên 200 triệu USD. Lịch trình chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng là vào tháng 10-2009 sẽ khởi công hai bến khởi động của cảng Vân Phong. Trong tháng 7, chúng tôi cũng khởi công giai đoạn hai cảng Cái Cui (Cần Thơ), tháng 12-2009 sẽ khởi công hai bến khởi động của cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tất cả đã có trong kế hoạch trong năm 2009.

Có ý kiến cho rằng sao không thiết kế cầu cảng khởi động ở Vân Phong trên 9.000 TEU? Thực tế là điều kiện ở khu vực này không thể nâng quy mô cầu cảng lên cao hơn nữa vì độ sâu của bến chỉ có 18 m nước, nơi quay đầu tàu của khu vực này theo quy hoạch của Chính phủ thì tối đa chỉ xây được cầu cảng 9.000 TEU chứ tàu lớn hơn sẽ không thể được. Những khu vực tiếp theo xây dựng có độ sâu cao hơn, khi đó sẽ tiếp nhận được tàu lớn hơn.

Tuấn Phùng - Võ Văn Tạo

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gần 300.000 tấn than nhiệt lượng thấp (09/07/2009)

>   Cần tác động trực tiếp vào cộng đồng (09/07/2009)

>   Tăng giám sát để bình ổn giá (09/07/2009)

>   Thị trường nhà ở vẫn ảm đạm (09/07/2009)

>   Chưa thể cấp giấy chứng nhận ĐKKD trong 5 ngày (09/07/2009)

>   Phấn đấu đạt kim ngạch 6,2 tỷ USD/tháng (09/07/2009)

>   Thêm giải pháp kích cầu du lịch (09/07/2009)

>   Tháo dỡ rào cản xuất khẩu cá biển (09/07/2009)

>   Tiêu thụ thời trang nội địa tăng 23% (09/07/2009)

>   Quảng bá sớm cho chương trình tháng khuyến mãi (09/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật