Công bằng cho con cá Việt Nam
Việc đưa cá tra, cá basa của Việt Nam vào danh mục cá da trơn (catfish) để áp theo đạo luật mới của Mỹ về việc xuất hàng vào quốc gia này, đã khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên vì cách ứng xử kiểu “sáng đúng, chiều sai” của kẻ mạnh.
Thế nhưng, việc thay đổi tên gọi “tra”, “basa”, “swai” hay “catfish” cũng không làm ảnh hưởng tới chất lượng con cá của vùng ĐBSCL- vốn dĩ được dòng sông Mê Kông ưu ái tạo nên chất lượng thịt thơm, ngon. Và vì vậy, nếu định nghĩa mới được thông qua, cá tra, basa của VN khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, dẫu bị giám sát ngặt nghèo hơn, không chỉ về sản phẩm mà còn cả về quy trình sản xuất, thì như vậy một lần nữa chúng ta càng phải tự khẳng định chất lượng của con cá tiềm năng vùng châu thổ này.
Nhớ lại, năm 2002, cá tra của Việt Nam bán vào Mỹ bị ngành kinh doanh cá da trơn của Mỹ buộc không được mang tên cá da trơn. Các nhà lập pháp Mỹ lập luận rằng, tuy cá tra của Việt Nam cũng là cá da trơn, nhưng catfish không là danh từ chỉ các loại cá da trơn nói chung mà chỉ dành chỉ loại “cá da trơn đặc chủng” của Mỹ. Và người “khổng lồ” này cho rằng, việc lấy tênbasa catfish, Việt Nam đang hưởng lợi từ thành quả tiếp thị của những người nuôi cá Mỹ.
Trên thực tế, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá basa và cá tra sang Mỹ từ năm 1996. Năm 1998, lượng cá lát không xương đông lạnh của Việt nam xuất sang đây chỉ vỏn vẹn 260 tấn. Nhưng đến cuối năm 2001 đã vọt lên gần 8.000 tấn. Sự thành công bất ngờ này đã khiến các nhà nuôi cá ở Mỹ “vin” vào việc Việt Nam đang hưởng thành quả của những người nuôi cá ở Mỹ khi lấy tên là cábasa catfish.Và như thế, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Quốc hội Mỹ đã thông qua lệnh cấm tạm thời, theo đó, chỉ có cá da trơn của Mỹ được gọi là catfish, còn cá của Việt Nam phải được gọi bằng tên tra hay basa.
Thế nhưng bây giờ chính người Mỹ lại gây áp lực để gọi cá tra của Việt Nam là... cá da trơn (catfish)!? Câu chuyện này lặp lại y như năm 2002, khi cá của Việt Nam sau sự kiện “không được gọi đúng tên” vẫn tiêu thụ không hề giảm sút tại thị trường Mỹ. Và thế là, con cá xuất xứ từ Việt Nam tiếp tục bị phía Mỹ áp mức chống bán phá giá rất cao (64%), trong khi lúc đó mới chiếm thị phần khoảng 5% trên thị trường Mỹ. Nhưng điều mà các nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ không thể ngờ tới là chính vì bị áp thuế chống bán phá giá một cách oan uổng, danh tiếng của con cá tra Việt Nam càng được nhiều người biết tới, và không chỉ hạn chế ở thị trường Mỹ, con cá tra Việt Nam còn mở rộng thị phần trên toàn thế giới, sản lượng và công suất chế biến tăng lên 6 lần so với năm 2002, giá trị xuất khẩu của con cá tra đạt khoảng 1,4 tỷ USD vào năm 2008.
Tranh luận rằng cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam không phải là cá da trơn, sau 7 năm các nhà nuôi cá Mỹ lại đang nói... ngược lại. Và theo đó, cá tra của Việt Nam sẽ bị đặt dưới một chế độ kiểm tra ngặt nghèo, mà phía Mỹ gọi là “chính sách tương đương”, nghĩa là Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện tương đương với Mỹ về luật pháp, năng lực thực hiện, quy trình sản xuất.vv… Thực ra tất cả những động thái này của Mỹ cũng nhằm mục đích bảo hộ cho những người nuôi cá trong nước và hạn chế sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam vào Mỹ. Điều này thật không công bằng với chính người tiêu dùng Mỹ bởi như vậy là đồng nghĩa với việc “các thượng đế” có ít sự lựa chọn hơn và phải chịu giá cao hơn. Đặc biệt, với con cá tra, basa của Việt Nam- thực phẩm luôn được người tiêu dùng Mỹ ưa thích không chỉ vì giá rẻ mà còn vì chất lượng thịt thơm, ngon hơn.
Tất nhiên, nếu định nghĩa mới được thông qua, để xuất cá tra, cá basa sang thị trường Mỹ, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ phải tốn thêm nhiều công sức và tiền bạc để đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Vẫn biết, quy trình sản xuất là điểm yếu của Việt Nam, vì phát triển nóng, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch. Để xác lập một quy trình sản xuất tương đương Mỹ, Việt Nam rõ ràng phải mất nhiều năm. Thế nhưng không phải là không thực hiện được.
Trên thực tế, Việt Nam đã có cả chục doanh nghiệp đủ điều kiện xuất hàng vào Mỹ với thuế suất bằng không. Phía Mỹ cũng đã nhiều lần kiểm tra vùng nuôi cá của Việt Nam và khẳng định quy trình sản xuất cá của nông dân ta là an toàn. Thế nhưng để có chứng thực cho vấn đề này rất cần những dữ liệu khoa học. Việc thiết lập hệ thống quan trắc, thu thập thông tin theo quy định, rồi chủ động công bố quy trình sản xuất cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là việc cần làm. Tiếp đó là xây dựng mẫu biểu trong đăng ký tiêu chuẩn, từ đó cấp mã số, mã vạch để có thể truy xuất nguồn gốc. Nói tóm lại, quyết liệt tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sẽ giúp cá tra, basa Việt Nam không bị “lép vế” trong đàm phán và được ngang bằng với sản phẩm cùng loại trên thị trường, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.
Khi vượt qua được các bước kiểm tra ngặt nghèo thì càng chứng minh chất lượng của con cá Việt Nam. Có thế nói, cá tra, basa là sản phẩm trời cho ĐBSCL, cho người nuôi cá Việt Nam. Chỉ với 6.000 ha mặt nước, mỗi năm con cá đã mang về cho đất nước 1,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, từng bước làm thay đổi cả một vùng đất. Vì vậy, không lý gì chúng ta không bảo vệ thương hiệu ca tra, basa Việt Nam, bằng cách giữ chất lượng và giành lại công bằng cho nó, để giúp thế giới hiểu đúng về con cá Việt Nam. Yêu quý con cá tra, basa cũng là yêu quý những dòng sông ở ĐBSCL và yêu quý sản phẩm có nhiều ưu thế do người nông dân Việt Nam làm ra./.
Tuyết Yến
VOV
|